Đẩy mạnh thực hiện chương trình chuyển đổi số

05/06/2024 11:23

Nhằm đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Thái Nguyên đang tập trung chỉ đạo các cấp, ngành, các địa phương trong tỉnh tích cực triển khai Kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ thuộc Đề án 06 về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

Chú thích ảnh
Thái Nguyên xác định triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 để tiến tới xây dựng chính quyền số. Ảnh: Quân Trang/TTXVN
 

Tỉnh tăng cường công tác đầu tư, bố trí kinh phí thực hiện nâng cấp, mua sắm thiết bị công nghệ thông tin, an toàn thông tin để đáp ứng yêu cầu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, số hóa tài liệu phục vụ Đề án 06, đảm bảo an toàn thông tin khi kết nối, chia sẻ dữ liệu hệ với hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đáp ứng yêu cầu theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an.

Tỉnh xây dựng, triển khai Chiến lược dữ liệu tỉnh Thái Nguyên đến năm 2030, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành của tỉnh kết nối với hệ thống của Trung ương phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, đẩy mạnh triển khai các nền tảng xã hội số...

Theo báo cáo mới nhất của UBND tỉnh, trong phát triển nhân lực số, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh phối hợp với Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức khóa tập huấn Blockchain trong quản lý cho 250 cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh và khóa học nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho gần 3.000 cán bộ quản lý, đội ngũ y bác sĩ và nhân viên ngành Y tế tỉnh Thái Nguyên. Sở cũng phối hợp với Công ty Cổ phần BKAV tổ chức các lớp tập huấn nhằm nâng cao công tác đảm bảo an toàn, an ninh mạng và xử lý sự cố an ninh mạng cho các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh; bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng số cho 2.255 Tổ công nghệ số cộng đồng...

Đối với việc phát triển chính quyền số, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai hệ thống quản lý văn bản đi, đến và điều hành đã triển khai tại 48 sở, ban, ngành, 8 đơn vị cấp huyện (trừ thành phố Thái Nguyên sử dụng hệ thống riêng) và 100% xã, phường trực thuộc với hơn 12.000 tài khoản người dùng. 100% các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện cùng 177 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh duy trì, vận hành ổn định Cổng/trang thông tin điện tử. Hơn 88.000 đảng viên thuộc Đảng bộ tỉnh đã cài đặt, đăng ký thành công ứng dụng "Sổ tay điện tử đảng viên", đạt gần 90% số đảng viên.

Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước kết nối 4 cấp hành chính tiếp tục được phát triển, tạo hạ tầng truyền dẫn ổn định, an toàn, kết nối thông suốt đến 100% đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên toàn tỉnh. Việc triển khai thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực, hoàn thành tích hợp 25/25 dịch vụ công thiết yếu trên Cổng dịch vụ công quốc gia, kết nối liên thông đến Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Thái Nguyên, kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để chia sẻ, khai thác dữ liệu, phục vụ công tác giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công của tỉnh.

Đến nay, toàn tỉnh đã thu nhận hơn 822.000 tài khoản định danh điện tử mức 2 và đã kích hoạt trên 780.000 tài khoản, đạt tỷ lệ kích hoạt 96%. Đến cuối tháng 5/2024, Công an tỉnh Thái Nguyên đã hoàn thành cấp 100% căn cước công dân gắn chíp cho những người đủ điều kiện trên địa bàn, sớm hơn 2 tháng so với chỉ đạo của Bộ Công an...

Với lĩnh vực kinh tế số, ước tính tổng doanh thu kinh tế số trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2024 sẽ đạt khoảng 389.000 tỷ đồng (hơn 15,2 tỷ USD). Trong đó, doanh thu ngành sản xuất các sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học ước đạt 370,3 nghìn tỷ đồng; doanh thu ngành sản xuất thiết bị điện ước đạt 18,85 nghìn tỷ đồng. Cục thuế Thái Nguyên đã hoàn thành triển khai, đôn đốc việc lắp đặt thiết bị để phát hành hóa đơn điện tử đối với hoạt động bán lẻ xăng dầu với 100% doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong tỉnh và tiếp tục mở rộng rà soát các cơ sở kinh doanh thuộc các lĩnh vực đặc thù khác.

Trong phát triển xã hội số, hiện 100% cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế trong tỉnh đã thực hiện tiếp nhận thông tin khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp điện tử; 177/177 trạm y tế sử dụng phần mềm quản lý 18 chương trình y tế. Toàn tỉnh đã triển khai 107 chợ thanh toán không dùng tiền mặt. Tỉnh cũng duy trì Cổng thông tin du lịch thông minh tỉnh Thái Nguyên hoạt động trên các thiết bị di động, đã được tích hợp trên ứng dụng C-ThaiNguyen và kết nối với gần 40 Cổng thông tin du lịch các tỉnh, thành phố...

Theo ông Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, thời gian qua, công tác chuyển đổi số của tỉnh tiếp tục đạt được những kết quả tích cực, hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần thay đổi phương thức, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, điều hành của cơ quan Nhà nước. Công tác đảm bảo an toàn thông tin, an ninh thông tin trên môi trường mạng được tỉnh tăng cường triển khai thực hiện theo lộ trình xây dựng chính quyền điện tử của tỉnh. Các nhiệm vụ của Đề án 06 được tích cực triển khai, chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến, các hoạt động hỗ trợ nâng cao nhận thức, kỹ năng số giúp người dân chủ động, tích cực sử dụng dịch vụ công trực tuyến, tiếp cận các nền tảng số, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Hai năm qua, Thái Nguyên liên tiếp đứng vị trí thứ 8/63 tỉnh, thành phố trong cả nước về chỉ số chuyển đổi số (DTI), là tỉnh được Trung ương chọn thí điểm triển khai Đề án 06 của Chính phủ, tỷ trọng giá trị gia tăng kinh tế số trong GRDP năm qua là 31,4%, đứng thứ ba toàn quốc.

Nguồn: baotintuc.vn

Viết bình luận mới