Dấu ấn 15 năm phát triển bảo hiểm y tế

06/05/2024 13:07

Sau 15 năm thực hiện Chỉ thị 38-CT/TW về "Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế (BHYT) trong tình hình mới", chính sách BHYT ngày càng lan tỏa, tăng diện bao phủ, đảm bảo an sinh xã hội. Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh An Giang Đặng Hồng Tuấn chia sẻ kết quả thực hiện tại địa phương.

Ông Đặng Hồng Tuấn

 

Phóng viên (P.V): Qua 15 năm thực hiện Chỉ thị 38-CT/TW, tỉnh An Giang đạt kết quả nổi bật gì, thưa ông?

Ông Đặng Hồng Tuấn: An Giang có dân số đông thứ 10 cả nước, điểm xuất phát về độ bao phủ số người tham gia BHYT của tỉnh thấp. Tuy nhiên, độ bao phủ BHYT tăng nhanh và phát triển bền vững theo từng năm. Hiện, tỷ lệ tham gia BHYT đạt trên 92% dân số, đây là dấu ấn nổi bật trong suốt quá trình thực hiện chính sách BHYT, hướng tới hoàn thành mục tiêu thực hiện BHYT toàn dân.

Việc thực hiện Chỉ thị 38-CT/TW đã đạt nhiều kết quả quan trọng: Nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền, người sử dụng lao động, cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) và người tham gia về vị trí, vai trò, ý nghĩa của chính sách BHYT. Tỷ lệ bao phủ BHYT năm 2009 là 43,4%, đến năm 2023 đạt 92,1%. Số người tham gia BHYT tăng từ 931.273 lên hơn 1,7 triệu người (tăng 1,9 lần). Số lượt KCB tăng từ 2,8 triệu lượt người (tương ứng với số chi KCB 187 tỷ đồng) lên 4,2 triệu lượt người (1.706 tỷ đồng). Như vậy, số lượt KCB tăng hơn 1,5 lần, nhưng số chi KCB tăng hơn 9 lần.

Công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số của ngành đã mang lại lợi ích thiết thực cho người tham gia, thụ hưởng chính sách BHYT, được cộng đồng xã hội đánh giá cao. Những tiện ích khi sử dụng ứng dụng VssID-BHXH số, tích hợp căn cước công dân vào thẻ BHYT để thuận tiện KCB; đưa vào vận hành Hệ thống thông tin giám định BHYT, kết nối dữ liệu liên thông với cơ sở KCB BHYT từ tuyến xã đến Trung ương...

P.V: Bên cạnh kết quả, trong quá trình thực hiện chính sách BHYT, còn những khó khăn gì, thưa ông?

Ông Đặng Hồng Tuấn: Việc phát triển người tham gia BHYT còn nhiều khó khăn, tỷ lệ người dân tham gia BHYT thấp so mặt bằng chung cả nước. Số người tham gia BHYT tự đóng (hộ gia đình) chưa tương xứng với tiềm năng. Người dân xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao tham gia BHYT chưa bền vững. Một số xã sau khi được công nhận đã sụt giảm tỷ lệ, không duy trì liên tục người tham gia. Tình trạng vi phạm chính sách, pháp luật về BHYT, trục lợi Quỹ BHYT, trốn đóng, chậm đóng BHYT vẫn tiếp diễn; nhận thức của một bộ phận người dân về chính sách BHYT chưa đầy đủ, chỉ tham gia BHYT khi mắc bệnh.

Hiện, tỉnh chưa bố trí được nguồn ngân sách địa phương hỗ trợ thêm mức đóng BHYT cho 11.243 học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số; 2.206 trưởng khóm, ấp, bí thư chi bộ, trưởng ban công tác mặt trận khóm, ấp. Việc cắt giảm hỗ trợ BHYT gây khó khăn cho tuyên truyền, vận động người dân tiếp tục tham gia, do đa phần đời sống người dân vẫn còn khó khăn, không đủ điều kiện tự bỏ tiền tham gia BHYT. Trong khi từ tháng 11/2023, đồng bào dân tộc thiểu số không còn được ngân sách hỗ trợ 70% mức đóng BHYT (theo Nghị định 75/2023/NĐ-CP).

 P.V: Ông có thể chia sẻ bài học kinh nghiệm, để thực hiện tốt chính sách BHYT thời gian tới?

Ông Đặng Hồng Tuấn: Nơi nào được cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm lãnh, chỉ đạo; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nơi đó thực hiện hiệu quả chủ trương, chính sách, pháp luật BHYT. Công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHYT, Luật BHYT, Chỉ thị 38-CT/TW phải được tổ chức thường xuyên, sâu rộng. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng KCB, chất lượng thuốc; đầu tư đồng bộ trang thiết bị y tế, phát triển nguồn nhân lực tại trạm y tế. Kịp thời chấn chỉnh thái độ phục vụ của y, bác sĩ KCB BHYT. Kiểm tra, giám sát, kịp thời chấn chỉnh sai phạm; biểu dương địa phương, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện tốt; xử lý nghiêm vi phạm về chính sách BHYT.

P.V: Hướng tới mục tiêu BHYT toàn dân, thời gian tới, BHXH tỉnh có giải pháp gì, thưa ông?

Ông Đặng Hồng Tuấn: Với vai trò là cơ quan thường trực tham mưu, triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, thời gian tới, BHXH tỉnh sẽ kịp thời điều chỉnh các chỉ tiêu theo thực tế về cơ cấu dân số, đưa chỉ tiêu thực hiện chính sách BHYT vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, xem đây là tiêu chí đánh giá nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Chủ động phối hợp truyền thông, nhân rộng mô hình hiệu quả, phát triển số người tham gia. Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị triển khai giải pháp về BHYT; chia sẻ, kết nối dữ liệu giữa BHXH với cơ quan quản lý nhà nước thực hiện Đề án 06/CP. Phối hợp ngành y tế nâng cao chất lượng KCB, tinh thần, thái độ phục vụ người tham gia BHYT; cải tiến quy trình thanh toán KCB BHYT. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi trốn đóng, chậm đóng, gian lận, trục lợi BHYT. Tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh bố trí ngân sách hoặc xã hội hóa hỗ trợ nhóm người yếu thế tham gia BHYT.

 P.V: Cám ơn ông!

Nguồn: baoangiang.com.vn

Viết bình luận mới