Đã có nhiều sự thông thoáng trong sửa đổi Luật Điện ảnh với phim tư nhân

28/10/2021 11:04

Ngày 28/10, tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khoá XV, Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về Luật điện ảnh; Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Bên lề kỳ họp, Đại biểu Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội đã trao đổi với phóng viên báo Tin tức xung quanh những vấn đề phát triển điện ảnh về kỹ thuật, công nghệ cũng như những kiểm duyệt với phim tư nhân.

Hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, công nghiệp điện ảnh hiện đã chuyển hoàn toàn sang công nghệ kỹ thuật số. Tuy nhiên, Luật Điện ảnh hiện hành chưa cập nhật sự phát triển điện ảnh về mặt kỹ thuật, công nghệ. Ý kiến của ông vấn đề này thế nào?      

Nền điện ảnh của Việt Nam đã sử dụng công nghệ kỹ thuật số nhưng không phải tất cả đã chuyển sang Điện ảnh kỹ thuật số, vì chúng ta vẫn còn những loại hình phim bằng các chất liệu khác như phim nhựa… Trong Luật Điện ảnh không thể bỏ quên tất cả loại hình điện ảnh đang hiện diện.      

Bên cạnh lý do vừa tập trung phát triển điện ảnh kỹ thuật số thì chúng ta phải quan tâm đến loại hình điện ảnh khác. Đó là việc định hướng của Nhà nước mong muốn xây dựng điện ảnh tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Cụ thể hơn, chúng ta mong muốn xây dựng ngành điện ảnh là ngành công nghiệp văn hoá, là ngành kinh tế sáng tạo, sử dụng tài năng nghệ thuật điện ảnh, kết hợp tiềm năng văn hoá của dân tộc, kỹ năng kinh doanh và công nghệ, đáp ứng nhu cầu người dân.      

Điện ảnh kỹ thuật số chắc chắn được theo đuổi để Việt Nam tiến tới mặt bằng chung của điện ảnh thế giới. Nhưng trong Luật cũng có chính sách không bị ai bỏ lại phía sau, xem xét nhu cầu của người dân. Nhiều nơi vùng sâu, vùng xa, người dân mong muốn tiếp cận điện ảnh. Chẳng hạn như vừa rồi tôi tới Tuyên Quang, họ thực hiện nhiệm vụ chiếu phim lưu động. Đây là nhiệm vụ khó khăn, nặng nề. Chúng tôi thấy được sự cống hiến của đội ngũ chiếu phim lưu động của Tuyên Quang. Đây là một ví dụ và còn nhiều địa phương khác, địa diểm khác cũng đang làm công việc này ở vùng khó để người dân được tiếp cận điện ảnh. Chính vì thế, chúng ta cần quan tâm để phát triển loại hình này, kể cả phim tư liệu, phim người đân tộc… Đây là câu chuyện không ai bị bỏ lại phía sau đã và đang thể hiện trong bất kỳ chính sách nào của Nhà nước.       

Có thể nói, thời gian qua với sự phát triển đa dạng và phong phú, nhiều bộ phim tư nhân có nội dung và tác động tốt đến đời sống, xã hội. Việc quản lý nội dung là vấn đề đặt ra khi đã có những hệ luỵ trong việc buông lỏng quản lý. Ý kiến của ông về thực trạng này như thế nào?   

Rõ ràng những năm vừa qua, điện ảnh tư nhân rất phát triển. Thậm chí, có những năm điện ảnh tư nhân hoàn toàn khống chế điện ảnh Việt Nam, phim truyện nhà nước không có bộ phim nào cả. Việc sửa Luật Điện ảnh lần này bao quát được câu chuyện trên, để thị trường điện ảnh Việt Nam đa dạng, phong phú. Chính vì thế Luật Điện ảnh lần này đã chú ý đến điện ảnh tư nhân.      

Có thể những sửa đổi Luật Điện ảnh lần này so với mong đợi, kỳ vọng của nhóm các nhà sản xuất tư nhân, đạo diễn, nhà làm phim hay những người liên quan đầu tư phim tư nhân chưa đạt. Nhưng tôi thấy có nhiều sự thông thoáng trong luật lần này về cơ chế kiểm duyệt được xem xét, cơ chế đấu thầu được đưa ra thảo luận hay quỹ điện ảnh. Quỹ điện ảnh không phân biệt tài trợ quỹ điện ảnh hay tư nhân, miễn họ đạt được những tiêu chí nhất định; Các thuật ngữ liên quan đến cá nhân, tư nhân thể hiện trong luật lần này. Luật Điện ảnh thể hiện được mong muốn nền điện ảnh phong phú có tiếng nói đa dạng. Đặc biệt, Luật Điện ảnh lần này thể hiện huy động sự tham gia của tất cả mọi người làm phim tư nhân, đáp ứng một trong những yêu cầu của điện ảnh, quyền thụ hưởng văn hoá sáng tạo của người dân.

Luật Điện ảnh đang giai đoạn thảo luận, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra Luật tiếp nhận ý kiến đa chiều từ nhà sản xuất, người liên quan điện ảnh để có Luật Điện ảnh phù hợp, tốt nhất, phù hợp với bối cảnh xã hội hiện nay.      

Đây đó, trong việc kiểm duyệt phim tư nhân vẫn còn có những vấn đề trong tiền kiểm và hậu kiểm phim. Đó là tình trạng những người không đủ trình độ nhưng vẫn tham gia vào kiểm duyệt dẫn đến chất lượng phim bị cắt không phù hợp với nội dung ban đầu. Ở phần hậu kiểm có tình trạng phát sóng bị lỗi như đường lưỡi bò vừa qua. Vậy điều này có được quy định chặt chẽ trong lần sửa đổi Luật tới đây không, thưa Đại biểu?     

Cả hai phương án tiền kiểm, hậu kiểm phim tư nhân đều có ưu điểm và nhược điểm riêng. Với tiền kiểm, chúng ta có bộ lọc xem xét các vấn đề gây ra xung đột, tác hại về đạo đức, thuần phong mỹ tục, thậm chí là chính trị. Tuy nhiên, việc tiền kiểm phim vẫn có những hạn chế: Nếu tiền kiểm nhiều trong khi có rất nhiều phim là bất khả thi. Mỗi ngày trên mạng không chỉ ở Việt Nam mà thế giới có hàng trăm phim nhưng chúng ta cũng chỉ có một hội đồng phân loại phim và họ cũng chỉ có 24 giờ mỗi ngày. Do đó, về mặt thời gian, nguồn lực là không đủ đáp đứng để làm được.      

Nếu việc tiền kiểm không làm được thì chúng ta chuyển sang hậu kiểm. Điều này có điểm tích cực là tạo điều kiện thuận lợi để người dân hưởng thụ được tác phẩm đa dạng trên thế giới với số lượng nhiều, nhanh. Nhưng điều đó cũng có nhược điểm là có tác phẩm bị lỗi về đạo đức, không phù hợp thuần phong mỹ tục, liên quan đến chính trị, chủ quyền quốc gia.      

Cách mà ban soạn thảo luật đang làm là: Với phim chiếu rạp thì việc tiền kiểm làm được khi chúng ta đảm bảo được số lượng, nhân lực tương thích với số lượng phim. Nhưng với hậu kiểm chúng ta không làm được. Xin nhấn mạnh, dù buông lỏng nhưng phải có quy định nhất định chứ không thả nổi 100%… Do đó, một yêu cầu soạn thảo luật phải có hệ thống, tiêu chí, cụ thể rõ ràng hơn. Dựa trên đó để làm công tác hậu kiểm. Hiện nay, Nhà sản xuất phim Việt Nam làm công tác tiền kiểm xem có hợp với quy tắc đó bộ phim đó không, tránh tình trạng lẫn lộn giữa Quản lý nhà nước, Nhà sản xuất phim, đặc biệt là Nhà sản xuất tư nhân. Đó là cách chúng ta đang làm.  

Xin cảm ơn Đại biểu!

Nguồn: baotintuc.vn

Viết bình luận mới