Công bố quy hoạch nông nghiệp tích hợp vào quy hoạch thành phố Cần Thơ
02/11/2024 11:00
Đối với định hướng quy hoạch, không gian phát triển của ngành nông nghiêp thành phố Cần Thơ có sự thu hẹp do tiến trình phát triển đô thị, giao thông, công nghiệp.
Tuy nhiên, trong quy hoạch định hướng đến năm 2030, ngành nông nghiệp còn nhiều tiềm năng, dư địa để phát triển.
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ tại hội nghị công bố Quy hoạch ngành nông nghiệp tích hợp vào Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ tổ chức vào chiều 1/11.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hè, địa phương đã hình thành nhiều vùng chuyên canh quy mô lớn. Vùng sản xuất lúa 48.000 ha, vùng sản xuất cây ăn trái tập trung trên địa bàn huyện Phong Điền, Thới Lai; vùng nuôi thủy sản tập trung chuyên canh ven sông Hậu. Đặc biệt, thành phố Cần Thơ được quy hoạch là Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long 25 ha gồm quận Bình Thủy 50 ha và huyện Cờ Đỏ 200 ha.
Giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, UBND thành phố Cần Thơ ban hành danh mục dự án thu hút đầu tư vào thành phố 56 dự án; trong đó, có 7 dự án kêu gọi đầu tư hạ tầng vào khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng mức đầu tư trên 5.000 tỷ đồng. Ngoài ra, Cần Thơ cũng tăng cường đầu tư 2 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Sông Hậu và Cờ Đỏ.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Uyên, nguyên Phân viện trưởng Phân viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhận định, hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư ngoài ngân sách trên địa bàn thành phố vào ngành nông nghiệp, nông thôn trong những năm gần đây còn hạn chế. Số dự án đầu tư chiếm tỷ trọng nhỏ và có xu hướng tăng chậm từ 77 doanh nghiệp năm 2019 (chiếm 0,95% so với tổng doanh nghiệp trên địa bàn thành phố) lên 96 doanh nghiệp năm 2022 (tăng 9 doanh nghiệp và chiếm 0,99% so với tổng doanh nghiệp thành phố).
Ngoài ra, trình độ áp dụng khoa học và công nghệ của các doanh nghiệp nông nghiệp còn thấp; trong đó, có tới 75% doanh nghiệp sử dụng máy móc có công nghệ lạc hậu 2 - 3 thế hệ. Năng lực liên kết hợp tác và phát triển các chuỗi giá trị của doanh nghiệp nông nghiệp còn hạn chế. Doanh nghiệp mới chỉ chú trọng đến khâu sản xuất, các khâu chế biến và marketing còn yếu kém. Mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân hay các tổ chức đại diện cho nông dân (hợp tác xã, tổ hợp tác) thiếu bền vững, chưa gắn kết được lợi ích và trách nhiệm của các bên với nhau.
"Là trung tâm kinh tế, khoa học, công nghệ và đào tạo của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cũng là địa phương nhận được nhiều chính sách ưu đãi và định hướng của Trung ương nhưng Cần Thơ thu hút đầu tư vào nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của thành phố", Tiến sĩ Nguyễn Trọng Uyên đánh giá.
Để thu hút đầu tư vào nông nghiệp, theo Tiến sĩ Nguyễn Trọng Uyên, thành phố Cần Thơ cần ưu tiên thu hút đầu tư của doanh nghiệp quy mô lớn, đóng vai trò hạt nhân, dẫn dắt, phát triển chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ đồng bộ với các hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ gia đình nông dân. Cùng đó, tập trung thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các cụm liên kết ngành cấp vùng, gắn với các vùng chuyên canh lớn của các doanh nghiệp, kết nối giữa khu hạt nhân của cụm (gồm trung tâm nghiên cứu khoa học công nghiệp, tài chính, thương mại, logistic) và các vệ tinh gồm các khu/cụm công nghiệp dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp cấp thành phố.
Cần Thơ từng bước thành lập 7 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; trong đó ưu tiên mỗi lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản thành lập trước một khu. Ưu tiên hỗ trợ đầu tư đối với các dự án đầu tư có quy trình sản xuất thân thiện môi trường, tiêu tốn ít năng lượng; dự án liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Triển khai thực hiện Quyết định số 1519/QĐ-TTg ngày 2/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ được giao tham mưu thực hiện hai nhiệm vụ chính: định hướng phát triển bền vững ngành nông nghiệp và thủy sản; định hướng phát triển mạng lưới thủy lợi và phòng chống thiên tai.
Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ, phát triển nông nghiệp và thủy sản chuyên canh đạt tiêu chuẩn, đáp ứng theo từng nhóm thị trường. Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp tuần hoàn, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Cùng đó, địa phương phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp gắn với các loại hình du lịch nông nghiệp.
Đối với định hướng phát triển mạng lưới thủy lợi và phòng chống thiên tai, ông Trần Thái Nghiêm cho biết, thành phố bố trí không gian phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp gắn với hạ tầng giao thông, thủy lợi để nâng cao hiệu quả phát triển tổng hợp, tăng cường liên kết giữa sản xuất, lưu thông, tiêu thụ sản phẩm.
Nguồn: baotintuc.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Sản xuất các sản phẩm công nghiệp số trọng điểm của quốc gia
Sắp xếp, cơ cấu lại vốn đầu tư của Nhà nước tại doanh nghiệp
Nối dài tình nhân ái, san sẻ yêu thương
Thời tiết ngày 23/11: Mưa to khả năng gây ngập lụt tại vùng trũng Trung Bộ
Chủ tịch Đại hội đồng LHQ chúc mừng Việt Nam trúng cử UNCITRAL
Tuyên bố chung giữa Thủ tướng Việt Nam và Tổng thống Cộng hòa Dominicana
Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi): Cần giảm tối đa về thuế cho ngành báo chí
Nhu cầu sử dụng thuốc y học cổ truyền đạt chuẩn rất lớn
Thời tiết ngày 22/11: Mưa to diện rộng tại Trung Trung Bộ
Khắc phục cơ chế 'xin-cho' trong thực hiện dự án nhà ở thương mại