Chủ tịch Hồ Chí Minh - Biểu tượng của độc lập, tinh thần dân tộc, lòng yêu nước và ý chí kiên cường
01/09/2024 13:35
"Đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung, cộng đồng người Việt Nam ở Trung Quốc nói riêng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là biểu tượng của độc lập, của tinh thần dân tộc, tinh thần yêu nước, ý chí bất khuất kiên cường".
Đây là những chia sẻ chân thành của Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Trùng Khánh – Tứ Xuyên khi trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Trung Quốc.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan, trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cả cuộc đời cao đẹp hiến dâng cho sự nghiệp vẻ vang giải phóng dân tộc, đưa đất nước hướng tới độc lập, tự do, sánh vai với các cường quốc năm châu. Vì vậy, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài luôn dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và quê hương đất nước một tình cảm vô cùng sâu đậm, tha thiết. Dẫu có đi đâu, ở đâu, làm gì, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài luôn đau đáu trong tim hình ảnh Bác, hình ảnh quê hương Việt Nam thân yêu, một lòng hướng về Tổ quốc. Như câu nói Bác đã từng khẳng định: “Quê hương nghĩa nặng tình cao. Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình”.
Sinh thời, Bác Hồ rất quan tâm đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đồng thời cũng là người đặt nền tảng vững chắc cho mối liên kết giữa người Việt Nam ở trong và ngoài nước. Từ góc nhìn của người đã hơn 13 năm sống ở nước ngoài, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan đánh giá Đảng và Nhà nước Việt Nam hiện nay đã có những chính sách mang tính tiếp nối truyền thống, phù hợp, đúng đắn và nhất quán về người Việt Nam ở nước ngoài, đồng thời có vai trò quan trọng trong việc kết nối kiều bào với đồng bào trong nước.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan, nhờ có sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước Việt Nam và đường lối chính sách phù hợp giúp bà con kiều bào ở nước ngoài an tâm sinh sống, làm việc và học tập tại nước sở tại, ngày càng có những cái nhìn tích cực hơn, thêm tin tưởng và tự hào về quê hương, hướng về đất nước. Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung, cộng đồng người Việt Nam ở Trung Quốc nói riêng, vô cùng trân trọng sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đã luôn dành tình cảm, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho bà con kiều bào, tăng cường sự gắn bó giữa kiều bào với quê hương, phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, góp phần phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, khơi dậy mạnh mẽ và nuôi dưỡng lòng tự hào dân tộc, nâng cao tình cảm và trách nhiệm của kiều bào đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan, cộng đồng người Việt Nam ở Trung Quốc không chỉ đóng góp tích cực vào sự phát triển của sở tại mà còn góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc. Với sự gần gũi về địa lý và văn hoá, Trung Quốc là một trong những đất nước có đông đảo người Việt sinh sống, hiện tại số lượng người Việt Nam sinh sống, làm việc và du học ở Trung Quốc ngày càng tăng (khoảng trên 500.000 người). Người Việt tại Trung Quốc phần lớn hiện có cuộc sống tương đối ổn định, ngày càng có điều kiện phát triển tốt hơn ở nước sở tại, trong đó nhiều người đã làm việc cho các tập đoàn, công ty lớn của Trung Quốc. Sau một thời gian tích luỹ kinh nghiệm, nhiều người mong muốn trở về nước để tìm kiếm cơ hội phát triển tốt hơn và đóng góp thiết thực cho quê hương, tạo ra những thay đổi tích cực trong cách nhìn và quan hệ của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đối với đất nước, trở thành "lực đẩy" quan trọng trong công cuộc xây dựng đất nước phồn vinh.
Cộng đồng người Việt Nam ở Trung Quốc luôn ý thức rõ về vai trò cầu nối của bản thân trong việc thúc đẩy hơn nữa quan hệ Việt - Trung, không ngừng phát huy những lợi thế riêng của bản thân, làm đầu mối quan trọng trong việc kết nối chuyển giao khoa học công nghệ, kết nối kinh tế, thương mại, quảng bá hàng hóa, sản phẩm của Việt Nam tại nước sở tại, cũng như đầu tư phát triển các dự án kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc. Trong quá trình sinh sống và học tập tại Trung Quốc, việc kiều bào hòa nhập tốt vào xã hội sở tại, thường xuyên tiếp xúc với người Trung Quốc và tham gia các chương trình trao đổi giao lưu văn hóa, giáo dục, xúc tiến thương mại… cũng là trực tiếp đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy giao lưu văn hóa, tăng cường tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt – Trung.
Là một trong số gần 600 đại biểu đại diện cho cộng đồng người Việt Nam trên toàn thế giới về nước dự Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4 và Diễn đàn Trí thức và Chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài năm 2024, bà Nguyễn Thị Lan bày tỏ vinh dự và gửi lời cảm ơn tới Ban Lãnh đạo Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài- Bộ Ngoại giao, các cơ quan trong nước đã tổ chức hội nghị, cũng như sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Bà nhấn mạnh cộng đồng người Việt ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời, là nguồn lực quan trọng của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Dù ở bất cứ nơi đâu, đồng bào luôn hướng về Tổ quốc, gắn bó máu thịt với cội nguồn dân tộc. Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4 và Diễn đàn Trí thức và Chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài năm 2024 là cơ hội quý báu cho bà con người Việt ở nước ngoài cập nhật thông tin về tình hình quê hương đất nước, hiểu biết hơn nữa về công tác người Việt ở nước ngoài của Đảng và Nhà nước, qua đó gợi mở cho kiều bào hướng đi mới, yêu cầu mới cũng như cách làm mới để đóng góp thiết thực hơn nữa vào công cuộc xây dựng đất nước chung của mỗi người con Việt Nam.
Nguồn: baotintuc.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Nổi bật tuần qua: Tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị; Kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, ông Nguyễn Văn Thể
Thời tiết ngày 25/11: Bắc Bộ trời chuyển lạnh, chiều tối có mưa
Sản xuất các sản phẩm công nghiệp số trọng điểm của quốc gia
Sắp xếp, cơ cấu lại vốn đầu tư của Nhà nước tại doanh nghiệp
Nối dài tình nhân ái, san sẻ yêu thương
Thời tiết ngày 23/11: Mưa to khả năng gây ngập lụt tại vùng trũng Trung Bộ
Chủ tịch Đại hội đồng LHQ chúc mừng Việt Nam trúng cử UNCITRAL
Tuyên bố chung giữa Thủ tướng Việt Nam và Tổng thống Cộng hòa Dominicana
Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi): Cần giảm tối đa về thuế cho ngành báo chí
Nhu cầu sử dụng thuốc y học cổ truyền đạt chuẩn rất lớn