Chinh phục những đỉnh cao khoa học
06/03/2024 11:39
Là một giảng viên ưu tú, luôn tiên phong trong các hoạt động nghiên cứu khoa học, Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Thị Thái Hòa không chỉ là tấm gương cho các thế hệ sinh viên noi theo, mà còn được giới khoa học trong và ngoài nước ghi nhận, đánh giá cao. Với những thành tích xuất sắc, Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Thị Thái Hòa - Trưởng Khoa Nông học, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế xứng đáng được vinh danh trong Lễ trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2023.
Nuôi dưỡng đam mê
Về Trường Đại học Nông Lâm Huế, hỏi về giảng viên Hoàng Thị Thái Hòa đều nhận được những lời khen ngợi cùng sự trân trọng. Là chủ nhân của hàng loạt các công trình khoa học lớn, Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Thị Thái Hòa vẫn say mê giảng dạy và tận tâm hướng dẫn đề tài tốt nghiệp cho nhiều sinh viên. Ngay từ khi còn rất trẻ, chị đã cho ra đời hàng loạt công trình nghiên cứu khoa học như: Nghiên cứu hàm lượng nitrat trong đất và rau; giải pháp tăng cường phát triển cây dưa lấy hạt trên đất cát biển; các biện pháp sử dụng nước, phân bón hợp lý để nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Chị còn nghiên cứu về việc cải thiện độ phì các loại đất nghèo dinh dưỡng, sản xuất các loại phân hữu cơ, xây dựng quy trình sử dụng phân bón cho cây trồng…
Nghiên cứu của chị mở ra hướng mới trong việc sử dụng có hiệu quả các chân đất cát ven biển nghèo dinh dưỡng; bổ sung giống cây trồng mới có khả năng luân canh, tăng vụ cao, tăng thu nhập từ trồng trọt cho nông dân; tạo thêm việc làm ở khu vực nông thôn; thích ứng với biến đổi khí hậu; trong khi đó, đầu tư thấp, kỹ thuật đơn giản, khả năng quay vòng vốn nhanh, nên phù hợp với người nghèo ở vùng cát ven biển.
Đặc biệt, đề tài "Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp khoa học và công nghệ để tăng hiệu quả của cây dưa lấy hạt tại một số huyện của tỉnh Thừa Thiên Huế" của chị Hòa và nhóm tác giả đã đoạt giải Nhì, giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam năm 2016 và giải Ba, giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ VIII, năm 2016 do UBND tỉnh tổ chức.
Chị Hòa còn ghi dấu ấn trong giới khoa học bởi hàng loạt bài báo khoa học đăng trên tạp chí ISI - một tạp chí uy tín trong lĩnh vực khoa học đất và dinh dưỡng cây trồng. Đến thời điểm làm hồ sơ xét phong hàm Giáo sư, chị đã có hơn 130 bài báo trong nước và quốc tế, trong đó có 7 bài báo đăng trên tạp chí quốc tế ISI.
Hỏi về bí quyết để có được thành công, Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Thị Thái Hòa khẳng định phải có đam mê và dành trọn tâm huyết với công việc mà mình theo đuổi, như vậy mới có thể trưởng thành. Là người yêu thích khoa học từ nhỏ, nên ngay khi còn là sinh viên, chị đã quyết tâm học thật giỏi và được giữ lại trường làm giảng viên, sau đó đỗ học bổng đi học thạc sĩ ở Thái Lan. Được tiếp xúc và có cơ hội tham gia các đề tài khoa học quốc tế đã giúp cho chị ngày càng trưởng thành, thành công nối tiếp thành công.
Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Thị Thái Hòa cho biết: Nghiên cứu khoa học là một công việc đầy gian khó, với phụ nữ càng gặp nhiều khó khăn hơn khi bước chân vào lĩnh vực này. Đặc biệt, do phải gánh vác nhiều trách nhiệm gia đình, phụ nữ khó có thể dành nhiều thời gian cho công tác nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, do lĩnh vực nghiên cứu trong nông nghiệp, nên phải tiến hành các thí nghiệm trong phòng, trong chậu và trên đồng ruộng. Các nghiên cứu trên đồng ruộng chịu ảnh hưởng của điều kiện thời tiết khí hậu, nên không phải lúc nào các nghiên cứu cũng thành công và phải thực hiện lại mới đạt được kết quả mong muốn, bên cạnh đó còn gặp phải các khó khăn về trang thiết bị và nguồn kinh phí phục chụ cho nghiên cứu. Để nghiên cứu khoa học thành công, đòi hỏi phải có sự đam mê, nhiệt huyết, kiên trì và bền bỉ mới đạt được mục tiêu đề ra.
Quyết tâm thực hiện ước mơ
Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Thị Thái Hòa đã vinh dự nhận quyết định về Giải thưởng Kovalevskaia năm 2023. Giải thưởng Kovalevskaia là giải thưởng quốc tế dành cho các nhà khoa học nữ xuất sắc trong lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, đặc biệt là khoa học tự nhiên - một lĩnh vực có vai trò then chốt trong nền kinh tế tri thức.
Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Thị Thái Hòa đã khẳng định vị thế của mình trong cộng đồng khoa học trong nước và quốc tế với 6 hợp đồng tư vấn và chuyển giao khoa học công nghệ trị giá hơn 2 tỷ đồng, 2 bằng độc quyền giải pháp hữu ích về Quy trình sản xuất phân hữu cơ từ chất thải chăn nuôi sau ủ biogas Quy trình đã được chuyển giao để phối hợp sản xuất tại Chi nhánh II Công ty VIPESCO (hợp đồng chuyển giao trị giá 50 triệu đồng), tập đoàn THAGRICO (Tư vấn xử lý phân heo sau ủ biogas tại huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang).
Nói về cảm xúc khi được nhận giải thưởng danh giá, Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Thị Thái Hòa cho biết, chị rất vinh dự và hạnh phúc; đồng thời cho rằng, phụ nữ phải không ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao kiến thức, trí tuệ, luôn tự tin vào năng lực của mình. Để có được thành công, phụ nữ phải luôn xác định mục tiêu của mình là gì, phải có ước mơ và quyết tâm thực hiện bằng được; luôn khát khao sáng tạo, đổi mới và phải có đủ nghị lực để vượt qua những khó khăn, vất vả trong cuộc sống gia đình và công việc.
Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga cho biết, Giải thưởng Kovalevskaia mang tên nhà toán học Nga Sophia Kovalevskaia bắt đầu trao tại Việt Nam vào năm 1985. Đây là giải thưởng được trao thường niên dành tặng cho những tập thể, cá nhân nữ khoa học có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học vào thực tiễn cuộc sống, đem lại nhiều lợi ích trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội…
Vượt qua những khó khăn, rào cản, nhiều phụ nữ tài giỏi, tiêu biểu cho trí tuệ Việt Nam đã có những cống hiến quan trọng trên nhiều lĩnh vực, góp phần không nhỏ trong sự nghiệp xây dựng đất nước, được Đảng và Nhà nước ghi nhận, tôn vinh. Những đóng góp của các tập thể, cá nhân đoạt Giải thưởng Kovalevskaia là thể hiện mạnh mẽ về tài năng, khả năng, sức sáng tạo và trí tuệ của những nhà khoa học nữ Việt Nam trên con đường chinh phục nhiều đỉnh cao khoa học.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho rằng, để hướng tới một nền kinh tế phát triển, một xã hội dân chủ, văn minh càng đặt ra nhiệm vụ cấp thiết phải có một đội ngũ trí thức đủ mạnh để nghiên cứu, tiếp cận, cập nhật những thông tin, thành quả khoa học kỹ thuật phù hợp, áp dụng vào điều kiện thực tế của nước ta. Các nhà khoa học nữ, các nữ trí thức không chỉ là nguồn nhân lực quan trọng trong sự nghiệp phát triển đất nước, mà còn là những người trực tiếp nuôi dưỡng, dạy dỗ thế hệ trẻ ngay trong môi trường giáo dục đầu tiên là gia đình…
Nguồn: baotintuc.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Thúc đẩy ngành game Việt Nam phát triển vươn tầm thế giới
Quyết liệt đấu tranh với các nền tảng xuyên biên giới
Thông qua Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi)
Hướng dẫn một số nội dung về đăng ký, quản lý cư trú
Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh trong năm 2025
Thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế
Người sử dụng phải bồi thường cho người lao động khi không đóng bảo hiểm thất nghiệp
Công an An Giang tiêu hủy số lượng lớn công cụ hỗ trợ và vũ khí thô sơ
Nhật Bản muốn cùng đồng hành với Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới
Thời tiết ngày 27/11: Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời rét, vùng núi cao dưới 10 độ C