Cần tập trung tiêm vaccine ở những điểm 'nóng' để hạn chế tốc độ lây lan dịch sởi

06/09/2024 17:11

Trước tình hình dịch bệnh sởi tại TP Hồ Chí Minh tiếp tục gia tăng, trong đó tập trung chủ yếu vào những quận, huyện vùng ven, tại buổi họp về công tác phòng, chống dịch sởi do UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức chiều 5/9, TS. BS Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh kiến nghị ưu tiên những địa phương là điểm nóng, có nguy cơ cao bùng dịch sởi cần tập trung giải quyết trước để ngăn dịch lây lan mạnh.

Số trẻ được tiêm vaccine trong chiến dịch vẫn còn thấp

Báo cáo về tình hình dịch bệnh sởi, bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết, trong giai đoạn từ 2021 - 2023, Thành phố chỉ ghi nhận có 1 trường hợp mắc sởi. Từ đầu năm đến ngày ngày 22/5, Thành phố không ghi nhận ca bệnh sởi nào. Tuy nhiên, chỉ trong 3 tháng, từ ngày 23/5 đến ngày 4/9, trên địa bàn Thành phố đã ghi nhận 541 trường hợp mắc sởi, trong đó có 3 trường hợp tử vong. Những trẻ tử vong đều có bệnh nền bẩm sinh.

Chú thích ảnh
Bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh báo cáo tình hình dịch sởi. 
 

Các quận, huyện có số trẻ mắc sởi cao hầu hết tập trung ở những quận, huyện vùng ven như Bình Chánh (126 ca), Bình Tân (123 ca), thành phố Thủ Đức (33 ca)…

“Hiện số ca mắc sởi tại TP Hồ Chí Minh vẫn đang tiếp tục gia tăng hàng ngày. Đáng lưu ý, có đến 74% trẻ mắc sởi đều ghi nhận chưa tiêm vaccine sởi dù đã trong độ tuổi tiêm vaccine”, bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm cho biết.

Để nhanh chóng kiểm soát dịch, Sở Y tế đã triển khai chiến dịch tiêm vaccine sởi - rubella tại tất cả các trạm y tế xã, phường, thị trấn, các bệnh viện, các trường mầm non, nhóm trẻ, các trường tiểu học, các cơ sở bảo trợ xã hội. Theo đó, chiến dịch tiêm vaccine sởi - rubella trong giai đoạn 1 được thực hiện từ ngày 31/8, tiêm cho trẻ từ 1 - 5 tuổi.

Ông Nguyễn Hồng Tâm cho biết, tính đến ngày 4/9, Thành phố mới chỉ tiêm được 16.907 mũi. Tất cả các quận, huyện đều chưa tiêm hết số trẻ thiếu mũi tiêm đã được lập danh sách trước đó. Theo ông Nguyễn Hồng Tâm, kết quả điều tra trẻ từ 1 - 5 tuổi cho thấy tổng số trẻ do các quận, huyện rà soát và thống kê thấp hơn số trẻ đang được quản lý trên hệ thống. Do đó, ông Nguyễn Hồng Tâm yêu cầu các quận, huyện cần tích cực mời các trẻ đã được lập danh sách ra tiêm và cần quyết liệt hơn trong công tác điều tra thêm trẻ.

Chú thích ảnh
Trẻ được tiêm vaccine sởi trong chiến dịch vẫn còn thấp.
 

Nêu những khó khăn trong công tác điều tra số trẻ trong độ tuổi tiêm chủng mở rộng trên địa bàn, bác sĩ Nguyễn Văn Khuôn, Trưởng phòng y tế thành phố Thủ Đức cho biết, công tác phòng, chống dịch sởi trên địa bàn thành phố luôn được thực hiện rất quyết liệt. Tuy nhiên, do thành phố Thủ Đức có số dân nhập cư rất đông, biến động dân cư sau dịch COVID-19 nên tỷ lệ thống kê số trẻ trong chương trình tiêm chủng trên địa bàn chưa được đầy đủ.

Hiện ngành y tế thành phố Thủ Đức đã phối hợp với ngành giáo dục thống kê toàn bộ số trẻ chưa được tiêm để đối chiếu với số trẻ đã được tiêm; qua đó sẽ lên kế hoạch phối hợp với các trường học tiêm vaccine sởi cho trẻ ngay tại trường và các điểm tiêm phù hợp.

Theo ông Nguyễn Văn Khuôn, tại Thủ Đức có khoảng 18.500 trẻ từ 1 - 5 tuổi không đi học. Do đó, trong thời gian tới, thành phố Thủ Đức sẽ thực hiện phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà” kêu gọi phụ huynh đưa trẻ tiêm vaccine sởi.

Tương tự, bác sĩ Nguyễn Thành Danh, Trưởng phòng y tế huyện Củ Chi cho biết, qua rà soát trên địa bàn huyện có hơn 3.700 trẻ trong độ tuổi tiêm chủng mở rộng, trong đó có hơn 500 trẻ không có mặt tại địa phương, đã tiêm dịch vụ hoặc không liên lạc được. Như vậy, còn 3.169 trẻ được tiêm trong chiến dịch này, nhưng đến nay huyện mới chỉ tiêm được 1.945 trẻ, chiếm 52,2%.

Cần tập trung tiêm vaccine sởi tại vùng có nguy cơ

Theo bác sĩ Nguyễn Thành Danh, để triển khai chiến dịch này, ngành y tế đã thực hiện rất nhiều hình thức tuyên truyền như có xe loa đi 21 xã để truyền thông, dùng băng rôn, đài phát thanh của xã, cộng tác viên sức khỏe cộng đồng đi đến từng nhà vận động phụ huynh đưa trẻ đi tiêm. Hiện trẻ đã bắt đầu đi học lại nên sẽ phối hợp với ngành giáo dục rà soát lại danh sách để tiêm cho những trẻ chưa được tiêm vaccine.

Chú thích ảnh
Cộng tác viên sức khỏe cộng đồng tại Quận 7 đến từng hẻm để vận động người dân đưa trẻ đi tiêm vaccine sởi. Ảnh: HCDC
 

Đại diện huyện Hóc Môn cũng cho biết, ngành y tế sẽ tiếp tục phối hợp với ngành giáo dục điều tra danh sách trẻ chưa được tiêm vaccine sởi. Để tăng tỷ lệ trẻ tiêm vaccine sởi, dự kiến từ ngày 6 - 16/9, ngành y tế sẽ tổ chức các đội tiêm để tiêm tại trường học và 12 trạm y tế xã.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Vũ Thượng cho rằng, qua thống kê tại 6 quận, huyện vùng ven gồm Bình Chánh, Bình Tân, Củ Chi, Hóc Môn, Quận 12 và thành phố Thủ Đức có số ca mắc sởi chiếm 73% số ca bệnh của toàn Thành phố. Nếu như trong một chiến dịch, nguồn lực chưa đủ tiêm cho toàn Thành phố thì cần phải tập trung ưu tiên tiêm vaccine ở những điểm “nóng”, nơi có nguy cơ cao nhất và từ đó hạn chế tốc độ lây lan sởi.

Ông Nguyễn Vũ Thượng lý giải, theo khuyến cáo của WHO, nếu như một người mới tiêm vaccine sởi 1 - 3 ngày tiếp xúc với ca sởi thì khả năng mắc sởi thấp và nếu có mắc bệnh thì bệnh cũng nhẹ, ít biến chứng và khi bệnh nhẹ thì cũng ít lây lan cho người khác.

“Những vùng có dịch sởi kể trên có di biến động dân cư. Giám sát của chúng tôi tại một xã khu vực phía Nam có dịch sởi thì 40% những trẻ em này là tạm trú tại địa phương. Có 1/3 số trẻ tạm trú ở đây đã tiêm 1 mũi vaccine sởi, còn 100% trẻ em có thường trú tại đây đã tiêm vaccine sởi mũi 1. Điều này cho thấy trẻ di biến động dân cư là trẻ có nguy cơ mắc sởi cao”, ông Thượng chia sẻ thêm.

Chú thích ảnh
Xe loa tuyên truyền kêu gọi người dân đưa trẻ tiêm vaccine sởi. Ảnh: TTYT Thủ Đức.
 

Theo đó, ông Nguyễn Vũ Thượng nhận định, điều quan trọng nhất là khẩn trương rà soát toàn bộ nhóm di biến động dân cư để tiến hành tiêm chủng vaccine phòng bệnh. Riêng với các trường học, hiện học sinh đã tựu trường thì hệ thống giám sát bệnh tật ở trường cần sát sao như trẻ sốt, trẻ nghỉ học nhiều có phải do mắc sởi không để xử trí dập dịch. Những trường học có trẻ mắc sởi cần ưu tiên tiêm vaccine trước để tránh lây lan cho gia đình và cộng đồng.

Tại buổi họp, bà Trần Thị Diệu Thuý, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị các quận, huyện và thành phố Thủ Đức cần tập trung cập nhật danh sách trẻ trên địa bàn các quận, huyện quản lý, bởi cập nhật danh sách này sẽ giúp kiểm soát được bao nhiêu trẻ đang sinh sống trên địa bàn chưa được tiêm chủng.

Còn về công tác tăng tỷ lệ trẻ được tiêm vaccine sởi, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị cần tập trung một cách cao độ ở nhóm trẻ từ 1 - 10 tuổi, do đó ngành giáo dục sẽ phối hợp với ngành y tế cập nhật danh sách trẻ ở lứa tuổi mầm non và tiểu học. Riêng trẻ trong khu dân cư chưa đến tuổi đi học hoặc vì lí do nào đó không đến trường thì lực lượng tại địa bàn trẻ sinh sống sẽ thực hiện. “Việc đi từng ngõ, gõ từng nhà kêu gọi trẻ ra tiêm vaccine là trách nhiệm của phường, xã”, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh.

Nguồn: baotintuc.vn

Viết bình luận mới