Cần đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật
04/01/2025 08:30
Cổ vũ, ăn mừng chiến thắng, “đi bão”… là những cụm từ quen thuộc trong những ngày qua, khi đội tuyển Việt Nam thắng các trận ở ASEAN Cup 2024. Xuống đường ăn mừng là điều không xấu, cũng không ai phản đối khi đội tuyển chúng ta chiến thắng. Nhưng cổ vũ như thế nào để được coi là văn minh, hợp pháp thì là điều đáng bàn.
Đốt pháo sáng ăn mừng chiến thắng. Ảnh: T.L
Bất cứ giải đấu bóng đá nào có đội tuyển Việt Nam thi đấu, dù là giải khu vực hay quốc tế, đều khiến hàng triệu khán giả nóng lòng chờ đợi. Bóng đá là môn thể thao yêu thích của rất nhiều người trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Các cổ động viên Việt Nam luôn thể hiện tình yêu mãnh liệt đối với đội tuyển quốc gia, nhất là trong các trận đấu quan trọng.
Câu chuyện “đi bão” ở Việt Nam là một phần không thể thiếu trong các dịp đội tuyển bóng đá quốc gia giành chiến thắng quan trọng, nhất là khi tham gia các giải đấu lớn như ASEAN Cup. Những hình ảnh “mâm thủng”, “nồi bể”, “chảo biến dạng” thường được chia sẻ trong các nhóm mạng xã hội, thể hiện sự hào hứng và là biểu tượng cho sự phấn khích của người hâm mộ - những người không ngần ngại thể hiện tình yêu với đội tuyển qua những hình ảnh vui nhộn.
Với mỗi chiến thắng, người hâm mộ thường đổ ra đường, cầm cờ, reo hò, di chuyển trên các tuyến đường tạo nên không khí sôi động khắp các phố phường. Những hình ảnh này như một lời kêu gọi, khích lệ tinh thần không chỉ của các cầu thủ mà còn của cả cộng đồng.
Tuy nhiên, tình trạng một số người lợi dụng niềm vui chiến thắng để gây rối trật tự công cộng mới là điều đáng bàn. Đặc biệt, những người tham gia “đi bão” không chỉ là những người lớn, mà còn có rất nhiều thanh, thiếu niên. Họ chuẩn bị sẵn phương tiện và công cụ như kèn, trống, xoong, nồi... để tạo không khí sôi động, nhưng đồng thời cũng thực hiện những hành vi nguy hiểm và vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông, như: Không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, nẹt pô, chạy xe tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, bốc đầu xe... Hành vi này không chỉ đe dọa trực tiếp đến an toàn của bản thân, mà còn gây nguy hiểm cho những người tham gia giao thông. Những vụ tai nạn đáng tiếc đã xảy ra trong những cuộc “đi bão” như vậy để lại hậu quả đau lòng cho gia đình và xã hội.
Rồi những kiểu “đi bão” ăn mừng gây nguy hiểm đến an toàn công cộng và người tham gia giao thông. Cảnh hàng ngàn người đổ xô ăn mừng chiến thắng gây ách tắc giao thông, khiến xe cộ bị kẹt cứng, phải dừng lại do lượng người tham gia giao thông quá tải. Khói bụi, hơi nóng từ phương tiện giao thông, không chỉ gây nguy hại đến sức khỏe, mà còn gây ảnh hưởng đến môi trường. Thậm chí có những “trận bão” xuyên đêm, những tiếng nẹt bô, trống chiêng của các thanh niên cổ vũ ầm ầm, đầu không đội mũ bảo hiểm, vi phạm an toàn giao thông, vi phạm trật tự xã hội nghiêm trọng… Không ít những nữ cổ động viên sẵn sàng lột đồ, sẵn sàng đứng trên yên xe, ca-pô ôtô nhảy múa, hò hét điên cuồng…
Thật ra, chuyện “đi bão” ăn mừng đã có từ lâu nay, nhất là mỗi khi đội tuyển bóng đá nước nhà chiến thắng (có những khi đá thua thì nhiều người vẫn “đi bão”)! Thể thao có sức mạnh kỳ diệu để kết nối mọi người với nhau, thể hiện niềm tự hào dân tộc, mà bóng đá là môn tiêu biểu nhất. Vui thì cũng vui, nhưng hệ lụy quá lớn, do cảnh xả rác đầy đường gây ô nhiễm môi trường, vất vả nhất chính là các anh chị lao công phải đi quét dọn đường phố sau mỗi cuộc vui của bóng đá. Nhiều người còn mang pháo sáng ra đường đốt, diễu hành trước và sau trận đấu rất phản cảm và mất an toàn giao thông. Cùng với đó là cảnh nhiều người livestream, trực tiếp đăng tải cảnh “đi bão” lên các trang mạng xã hội để “lan tỏa” không khí cuồng nhiệt… Nào là: “Long Xuyên tiếp tục thất thủ, hàng ngàn người xuống đường đi bão ăn mừng Việt Nam chiến thắng” (trận Việt Nam thắng Singapore), “Cổ động viên Việt Nam “đi bão” ăn mừng chiến thắng”… Nhiều người tha hồ vào comment, chia sẻ, thậm chí kích động lẫn nhau trên mạng xã hội.
Hệ lụy kéo theo là cứ mỗi khi sắp khai cuộc các trận đấu bóng của đội tuyển Việt Nam thì lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động cùng các lực lượng thuộc công an các tỉnh, thành phố rất vất vả, phải có mặt tại các giao lộ, tuyến đường để bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông cho người hâm mộ.
Chúng ta cần ý thức rằng, niềm vui chiến thắng phải được thể hiện một cách lành mạnh, tôn trọng người khác và tuân thủ các quy định pháp luật. Việc “làm nổi” bản thân qua những hành động nguy hiểm không chỉ thể hiện sự thiếu chín chắn, mà còn dễ gây ra những tác động tiêu cực cho xã hội. Chính vì vậy, việc tuyên truyền giáo dục ý thức tham gia giao thông, kêu gọi người dân, nhất là giới trẻ, tham gia cổ vũ bóng đá (và những sự kiện khác) một cách văn minh, an toàn là hết sức quan trọng. Sự nhiệt huyết và tình yêu bóng đá cần được thể hiện đúng cách, không làm tổn hại đến tính mạng và sức khỏe người khác… Qua đó, thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
H.H
Nguồn: baoangiang.com.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Tuyển sinh đại học 2025: Dự kiến bỏ xét tuyển sớm
Tinh gọn bộ máy: Đảm bảo chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Quyết tâm đổi mới mạnh mẽ vì sự phát triển của đất nước
Băng giá phủ trắng đỉnh Fansipan
Chăm lo Tết cho công nhân, người lao động
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến việc chuẩn bị Kỳ họp Quốc hội bất thường
Thông tin người dân thu được 50 triệu/ngày do tố giác vi phạm giao thông là không chính xác
Nạn nhân bị đánh dã man do va chạm giao thông ở Bình Dương đã tử vong
Lan tỏa Tết cổ truyền Việt Nam đến bạn bè Lào
Công an thành phố Hà Nội khẳng định đây là thông tin không chính xác, ảnh hướng xấu đến tinh thần của phong trào toàn dân cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông.