Các Bộ trưởng trả lời chất vấn không né tránh, thẳng thắn nhận trách nhiệm

09/11/2019 13:11

Chương trình chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8 đối với 4 “Tư lệnh” ngành Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Công Thương, Nội vụ, Thông tin - Truyền thông và Người đứng đầu Chính phủ đã khép lại chiều 8/11, sau 3 ngày làm việc.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn của các đại biểu. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

“Các Bộ trưởng có nhiều kinh nghiệm, nắm chắc tình hình, thực trạng những vấn đề bức xúc thuộc lĩnh vực quản lý của ngành, trả lời mạch lạc, rõ ràng và rất thẳng thắn nhận trách nhiệm trước Chính phủ và Quốc hội” - Đây là điều được cử tri, đại biểu Quốc hội ghi nhận qua các phiên chất vấn. Điều này cũng được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá tại phần gút lại của từng phiên.

Đặc biệt phải kể đến Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, trong hơn 3 tiếng trả lời chất vấn của 40 đại biểu và 16 đại biểu tranh luận trước Quốc hội, Bộ trưởng đã có 3 lần nhận trách nhiệm trước Chính phủ và Quốc hội về những hạn chế trong lĩnh vực của mình quản lý.

“Đây là lần thứ hai tôi thay mặt lãnh đạo Bộ Nội vụ xin nhận khuyết điểm trước Thủ tướng Chính phủ”, Bộ trưởng nhận trách nhiệm khi trả lời đại biểu Hà Thị Lan (Bắc Giang) về việc Quyết định số 402/QĐ-TTg của Thủ tướng phê duyệt Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới đã ban hành 4 năm mà chưa có văn bản hướng dẫn. Quyết định 401 được ban hành từ tháng 3/2016 và Chính phủ đã giao cho Bộ Nội vụ 8 nhiệm vụ, đến nay còn 4 nhiệm vụ Bộ chưa làm.

“Tôi xin báo cáo với Thủ tướng, tôi sẽ làm bản tự kiểm gửi Thủ tướng tháng 12 năm nay để nhận trách nhiệm về vấn đề này. Đây là thiếu sót của Bộ Nội vụ, trong đó có trách nhiệm của Bộ trưởng. Một quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ chính sách như thế mà chưa ban hành chương trình hành động, chưa phối hợp với Bộ Tài chính để lập kinh phí thực hiện, cũng chưa tổng hợp báo cáo hàng năm. Đề án xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, người dân tộc thiểu số chưa có, khuyết điểm này phải được kiểm điểm đến nơi đến chốn”, người đứng đầu Bộ Nội vụ cầu thị.

Cũng như vậy, Bộ trưởng Nội vụ nhận khuyết điểm khi để một quyết định áp dụng hơn 20 năm không sửa đổi, để cho thủ tục thi nâng ngạch công chức, xét thăng hạng viên chức rườm rà với cam kết “năm 2020, sau khi Luật Cán bộ, công chức sửa đổi, chúng tôi sẽ sửa ngay và chúng tôi sẽ thực hiện các quy trình bổ nhiệm, thăng hạng, xét nâng ngạch công chức theo đúng quy định của Đảng, không thêm bất cứ một hồ sơ, thủ tục nào nữa”.

Bộ trưởng thẳng thắn “tôi thấy rất phiền hà về việc văn bằng chứng chỉ, không riêng về thi nâng ngạch hoặc xét thăng hạng viên chức, mà quy trình bổ nhiệm của mình phải có bằng cấp, tiêu chuẩn, điều kiện, tôi thấy nhiều quá”. Bộ Nội vụ tiếp thu và sẽ chỉnh sửa lại trong hướng dẫn về vấn đề thi nâng ngạch, bậc.

Bộ trưởng khiến đại biểu bật cười khi bày tỏ một cách thành thật rằng “đã lường trước” là đại biểu sẽ chất vấn nên ngay buổi chiều 6/11 đã ký ban hành thông tư hướng dẫn Nghị định 34 quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức, với tinh thần cầu thị “Bộ Nội vụ xin nhận khuyết điểm trước Quốc hội về việc Nghị định này đã có hiệu lực nhưng thông tư chưa ban hành”.

Trả lời chất vấn của đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) về chủ trương nhập, tách các cơ quan hành chính, có đến hai lần Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân “mong các đại biểu thông cảm” với việc chậm thực hiện thí điểm hợp nhất các cơ quan tham mưu giúp việc của Đảng, Nhà nước, bởi “Thủ tướng rất băn khoăn vấn đề này. Thủ tướng nói không thể nhập cơ học từ sở này qua sở khác, phải tách rõ chức năng, nhiệm vụ để chúng ta liên thông được, giải quyết được thủ tục hành chính, giảm bớt phiền hà, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước... Chúng ta đi từng bước chậm nhưng chắc”.

Bộ trưởng cũng “xin nợ với đại biểu Quốc hội khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức có hiệu lực” sẽ hoàn thành việc xây dựng nghị định về vấn đề bãi nhiệm, miễn nhiệm, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, từ chức đối với cán bộ, công chức để bổ sung cho phù hợp với Luật sửa đổi. Dự thảo Nghị định này đã được Bộ Nội vụ hoàn thành cuối năm 2017, gửi xin ý kiến Trung ương đầu năm 2018 và qua thảo luận vẫn còn nhiều vấn đề có ý kiến khác nhau.

“Nỗi khổ” của người đứng đầu ngành Nội vụ được giãi bày khi ông trả lời đại biểu về vấn đề chậm thực hiện chủ trương thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý. “Vấn đề này, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, phê bình tôi hai lần, nói chủ trương của Bộ Chính trị mà Bộ Nội vụ làm chậm quá, nhưng trên thực tế là ở dưới không đăng ký”, đến khi Bộ nhận được đăng ký của 14 bộ và 22 địa phương mới chính thức báo cáo cho phép thí điểm. Và trong số 14 bộ, 22 đơn vị đăng ký cũng chỉ mới có một nửa thực hiện, trong đó có hai đơn vị tiên phong làm trước và đã hoàn thành kế hoạch thi tuyển, đó là Ban Tổ chức Trung ương và Bộ Nội vụ.

Phần trả lời của Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân được Chủ tịch Quốc hội đánh giá là mạch lạc, rõ ràng, cầu thị và rất thẳng thắn nhận trách nhiệm trước Chính phủ và Quốc hội. Bộ trưởng có nhiều kinh nghiệm, nắm chắc tình hình, thực trạng những vấn đề bức xúc thuộc lĩnh vực quản lý của ngành.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đánh giá Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời rõ ràng, lưu loát, nắm chắc vấn đề trong công tác quản lý, điều hành của ngành. Đồng thời Bộ trưởng cũng thẳng thắn nhận trách nhiệm về những tồn tại, hạn chế của ngành trong thời gian qua đối với công tác quản lý, quy hoạch phát triển điện, trong đó có điện khí và năng lượng tái tạo.

Trong lời mở đầu phiên chất vấn, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói, những nỗ lực, những cố gắng của Bộ Công Thương dù là liên tục nhưng cũng còn có nhiều hạn chế trong quá trình thực thi, có cả những nguyên nhân khách quan và chủ quan. “Chúng tôi coi mỗi phiên chất vấn này cũng là những cơ hội để bộ tiếp tục được lắng nghe những ý kiến của đại biểu Quốc hội, của cử tri, để giúp cho Bộ Công Thương tiếp tục hoàn thiện và hoàn thành ở mức cao trách nhiệm, những nhiệm vụ chính trị và chuyên môn của mình”, Bộ trưởng nói.

Với cam kết với Quốc hội và cử tri cả nước là Bộ Công Thương sẽ có cách tiếp cận, quan điểm cầu thị, xây dựng và trung thực, thẳng thắn để lắng nghe, tiếp thu các ý kiến chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã hai lần nhận trách nhiệm về công tác quản lý của mình. Lần thứ nhất, Bộ trưởng nhận trách nhiệm trong việc chưa tổ chức thực hiện một cách đầy đủ và có sự bao quát, cũng như dự báo trước đầy đủ, kịp thời để có những đối sách, biện pháp quyết liệt liên quan đến các dự án điện mặt trời.

“Trong quá trình triển khai thực hiện, đúng là đã có sự chủ quan, đánh giá không hết về khả năng, năng lực trong triển khai thực hiện dự án đầu tư về điện mặt trời. Vì vậy, trong một thời gian rất ngắn có sự phát triển bùng nổ, có tới gần 5.000MW điện mặt trời được hình thành và tham gia thị trường phát điện”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh bày tỏ.

Tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng nhìn nhận trách nhiệm của mình trong thời gian qua chưa quán xuyến và chưa đảm bảo hết những yêu cầu trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại với cam kết trong thời gian tới, lực lượng chức năng của quản lý thị trường sẽ tiếp tục làm tốt hơn nữa trách nhiệm của mình.

Trong phần trả lời trước Quốc hội, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng không ít lần nhận trách nhiệm đối với lĩnh vực mình quản lý. Lần đầu tiên ông nhận trách nhiệm, đó là chậm có cơ chế đặt hàng cơ quan báo chí thực hiện nhiệm vụ chính trị. Ông nhận trách nhiệm trong việc chưa có giải pháp hữu hiệu đối với vấn đề giật tít để câu view trên báo, chưa quản lý tốt các trang tin, mạng xã hội.

Một trong những vấn đề hóc búa được đại biểu Quốc hội đặt ra trong phiên chất vấn Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường là giải pháp đột phá để cơ cấu lại, phát triển bền vững ngành thủy sản, đồng thời ngăn chặn tình trạng đánh bắt trái phép, gỡ cảnh báo thẻ vàng từ Ủy ban châu Âu - EC. Cho biết qua 2 năm triển khai các biện pháp, Việt Nam được ghi nhận không còn vi phạm khai thác trái phép trên toàn bộ tuyến Thái Bình Dương và các quốc đảo. Tuy nhiên, vi phạm vùng biển phía Nam vẫn còn.

Tư lệnh ngành Nông nghiệp thẳng thắn thừa nhận "việc thực hiện các bước khác từ công tác tổ chức quản lý, ghi nhận của doanh nghiệp, của ngư dân chưa tốt. Tổ chức lực lượng kiểm tra, giám sát trên các tuyến biển đã cho thành lập kiểm ngư ở địa phương, nhưng trên thực tiễn hiện nay mới có 2 tỉnh thành lập. Do đó, khâu kiểm soát của ba đới từ đới bờ, đới lộng và đới khơi hiện nay tuy có mấy lực lượng tham gia nhưng chưa đạt hiệu quả".

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trả lời các câu hỏi của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Như thuộc “nằm lòng” các con số, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường liệt kê “hàng triệu ngư dân, 96.606 tàu đánh bắt cá, với hơn 2.000 tàu lớn, phạm vi hoạt động rộng như thế không thể nào một sớm một chiều yêu cầu làm đồng loạt. Chúng ta phải đồng lòng, tiếp tục quyết liệt từ Chính phủ đến các cấp, các ngành, ngư dân để xử lý dứt điểm vấn đề này". Ông đề nghị các địa phương quyết liệt lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Các doanh nghiệp, bà con ngư dân vì quyền lợi lâu dài và vì thương hiệu Việt Nam phải chung tay thực hiện. Xuất khẩu thủy sản sang EU không có ý nghĩa nhiều về kinh tế “nhưng là danh dự của Việt Nam”. Thông qua việc xóa được thẻ vàng, thủy sản Việt Nam có thể xuất khẩu sang các nước khác “một cách hiên ngang".

Nhìn lại 3 ngày chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết đã có gần 250 lượt đại biểu Quốc hội tham gia chất vấn và tranh luận. Bốn Bộ trưởng: Nguyễn Xuân Cường, Trần Tuấn Anh, Lê Vĩnh Tân, Nguyễn Mạnh Hùng và các Phó Thủ tướng: Trương Hòa Bình, Trịnh Đình Dũng  cùng các Bộ trưởng có liên quan đã trực tiếp tham gia giải trình thêm những vấn đề thuộc lĩnh vực phụ trách. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thay mặt Chính phủ báo cáo làm rõ thêm các nhóm vấn đề chất vấn thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

  Các vị đại biểu Quốc hội đã nắm chắc thực tiễn, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân, nêu câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, sâu sắc, đi thẳng vào vấn đề chất vấn. Nhiều đại biểu tranh luận để làm rõ thêm các vấn đề quan tâm. Cơ bản, các vị đại biểu Quốc hội hài lòng với những nội dung trả lời của các thành viên Chính phủ. Qua 8 kỳ họp, phiên chất vấn, trả lời chất vấn đã cho thấy sự năng động và sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành cũng như trách nhiệm của các thành viên Chính phủ trước Quốc hội, trước cử tri và cho thấy trách nhiệm, trí tuệ, năng lực hoạt động của các đại biểu Quốc hội tại nghị trường.

“Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Trưởng ngành với ý thức trách nhiệm đã chuẩn bị kỹ lưỡng, trả lời nghiêm túc, chân thành, không né tránh những vấn đề khó, phức tạp, giải trình làm rõ nhiều vấn đề đại biểu nêu. Đồng thời, thẳng thắn nhận trách nhiệm về những mặt tồn tại, hạn chế của ngành, lĩnh vực của mình phụ trách, cũng như đưa ra các cam kết khắc phục để tạo sự chuyển biến tích cực trong thời gian tới”, Chủ tịch Quốc hội đánh giá.

Nguồn: baotintuc.vn

Viết bình luận mới