Bố trí người thực đức, thực tài vào vị trí 'đứng mũi, chịu sào'
19/04/2024 15:14
Bố trí người thực đức, thực tài trong bộ máy lãnh đạo, quản lý, ở các vị trí phải chịu trách nhiệm "đứng mũi, chịu sào"; kiên quyết sàng lọc những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật, giảm sút uy tín. Đây là một trong những kinh nghiệm của Quảng Ninh giúp địa phương này "soán ngôi" quán quân trong bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2023.
Quảng Ninh đứng đầu về Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2023, với giá trị 90,61% và cũng là địa phương dẫn đầu trong bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính năm 2023, với chỉ số tổng hợp đạt 92,18%.
Kể từ năm 2012 đến nay, Quảng Ninh có 6 lần đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính cả nước.
Áp dụng phương châm "5 thật", "6 dám"; "3 trước", "4 tại chỗ" từ xa, từ sớm
Những năm qua, các thế hệ lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh luôn chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả nhiệm vụ công tác cải cách hành chính. Bám sát tình hình và cụ thể hóa các chủ trương lớn của Trung ương, Chính phủ, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra chỉ tiêu "hằng năm, giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI)"; đồng thời xác định khâu đột phá là "nâng cao chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chất lượng thực thi chính sách, pháp luật".
Các nội dung cụ thể trong triển khai cải cách hành chính được các cấp, các ngành, từ tỉnh đến cơ sở quan tâm chỉ đạo, thực hiện hiệu quả. Tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định quy phạm pháp luật trong đó có nhiều nội dung liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp nhằm phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Các hoạt động hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ngày càng được quan tâm, đi vào thực chất; đổi mới tư duy phát triển.
Quảng Ninh mạnh dạn thí điểm áp dụng thành công nhiều mô hình quản trị mới như phương châm "5 thật", "6 dám"; "3 trước", "4 tại chỗ" từ xa, từ sớm, từ cơ sở; nội lực là căn bản, ngoại lực là quan trọng, kết hợp chặt chẽ nội lực với ngoại lực tạo ra nguồn lực tổng hợp tối ưu "lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư". Trong đó, "5 thật" là nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân được thụ hưởng thành quả thật. "6 dám" là dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách. "3 trước" là chủ động phòng, chống trước, phát hiện xử lý trước, phương tiện, vật tư chuẩn bị trước. "4 tại chỗ" là lực lượng tại chỗ, phương tiện vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ, chỉ huy tại chỗ.
Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương luôn sát sao chỉ đạo tích cực, triển khai hiệu quả việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, nhất là giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến, trong đó tập trung vào việc cắt giảm, đơn giản hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành.
Công tác rà soát, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế trong hệ thống chính trị của tỉnh theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19- NQ/TW được thực hiện thường xuyên. Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Quảng Ninh đã hoàn thành việc xây dựng và phê duyệt vị trí việc làm của 100% cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập (182/182 cơ quan, tổ chức hành chính; 759/759 đơn vị sự nghiệp công lập).
Tỉnh tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Năm 2023, Quảng Ninh đã triển khai nhiều nội dung nhằm xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức như quan tâm ban hành chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó dành ít nhất 50% chỉ tiêu tuyển dụng mới để tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao; triển khai hiệu quả kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng; đổi mới phương thức đánh giá cán bộ, công chức, viên chức theo sản phẩm đầu ra; tiếp tục bổ nhiệm cán bộ thông qua thi tuyển...
Các hoạt động, nội dung trong chuyển đổi số được quan tâm sát sao, thường xuyên được rà soát, chỉ đạo hoàn thành đảm bảo thời gian, tiến độ và hiệu quả. Theo đó, tỷ lệ xử lý hồ sơ công việc toàn trình cả 3 cấp trong toàn tỉnh đạt trên 90%. Trên 74% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được số hóa theo quy trình 5 bước, số hóa từ khâu tiếp nhận đến khâu trả kết quả cho người dân, doanh nghiệp. Tỉnh đã hoàn thiện việc kết nối Hệ thống giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo đảm khai thác được 20/20 trường thông tin do Bộ Công an cung cấp để hỗ trợ người dân trong giải quyết thủ tục hành chính, hỗ trợ cán bộ trong việc không sử dụng sổ hộ khẩu giấy...
Xây dựng nền hành chính vì dân phục vụ
Những kết quả đạt được trong thực hiện cải cách hành chính đã góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Ninh. Có thể thấy, kinh tế của tỉnh liên tục tăng trưởng cao và ổn định, giữ vững tốc độ tăng trưởng GRDP trên 2 con số.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tường Huy cho biết, hơn một thập kỷ qua, tỉnh đã thực hiện các đột phá để phát triển toàn diện và trong 9 năm liên tiếp, từ 2015 đến nay, Quảng Ninh vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng GDP trên 10%. Năm 2023, tốc độ tăng trưởng GDP là 11,03%, với quy mô nền kinh tế 316 nghìn tỷ đồng, đóng góp 3,02% tổng quy mô GDP toàn quốc.
Công tác an sinh xã hội được quan tâm, hết năm 2022, tỉnh đã đồng thời hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và hoàn thành trước 3 năm Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Quảng Ninh không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2022 - 2025 và đã đặt ra chuẩn mới của tỉnh với tiêu chí thu nhập gấp 1,4 lần so với tiêu chí của Trung ương, quyết tâm hết năm 2025 giảm 100% số hộ cận nghèo theo chuẩn của tỉnh.
Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện; mở rộng cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế, thông tin - truyền thông chất lượng cao và bảo đảm chất lượng chăm sóc sức khỏe của nhân dân. GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 9.500 USD, gấp 2,23 lần so với bình quân chung cả nước.
"Kết quả trên là một minh chứng sống động trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, để triển khai tổ chức sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc đổi mới, thống nhất cao về tư tưởng, nhận thức và hành động với ý chí quyết tâm cao, nỗ lực lớn trong công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh", ông Cao Tường Huy cho hay.
Chia sẻ những ấn tượng về công tác cải cách hành chính của Quảng Ninh, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ cho biết, tỉnh luôn đứng hàng đầu trong Chỉ số về cải cách hành chính và Chỉ số hài lòng của người dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính. Điều này khẳng định sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự quan tâm của người dân, cộng đồng doanh nghiệp đối với công tác này.
Bà đánh giá cao vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền đã rất nỗ lực, thường xuyên có những giải pháp quyết tâm, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng nền hành chính vì dân phục vụ.
Luôn đổi mới sáng tạo
Theo ông Cao Tường Huy, hành trình cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng cạnh tranh của Quảng Ninh đã trở thành mục tiêu khiến mỗi cán bộ, công chức, viên chức luôn phải đổi mới sáng tạo và không ngừng nghỉ, bền bỉ vươn tới bằng tầm nhìn văn hóa, lòng tin chiến lược, trách nhiệm công vụ, đạo đức liêm chính, động lực nội sinh để giữ vững đà phát triển cho năm tới.
Với phương châm "chỉ có điểm bắt đầu, không có điểm kết thúc, chỉ có nhìn về phía trước để tiến lên", Quảng Ninh hiểu rõ việc giành được vị thế, thứ hạng cao đã khó, giữ được vị thế này càng khó khăn hơn, "thử thách chông gai vẫn còn ngổn ngang phía trước". Khi giải quyết được mâu thuẫn này, trong cuộc sống lại xuất hiện những mâu thuẫn mới, phức tạp hơn, đòi hỏi năng lực quản trị, điều hành phát triển bền vững tại địa phương ở mức độ cao hơn.
Trên hành trình cải cách hành chính, những cố gắng đến từ hằng ngày, không chủ quan, tự thỏa mãn với những kết quả đạt được mà Quảng Ninh luôn nhận diện kịp thời những mâu thuẫn trong thực tiễn quản lý, những khó khăn, thách thức của người dân và doanh nghiệp, để tìm mọi cách tháo gỡ, giải quyết với tư duy "chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy phục vụ", mạnh dạn thí điểm áp dụng mô hình quản trị mới, chuyển đổi số toàn diện, góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch trong việc cung cấp các dịch vụ công; đổi mới sáng tạo và không ngừng vươn tới, kiến tạo, nuôi dưỡng, nâng cao niềm tin xã hội; niềm tin của người dân, nhà đầu tư và doanh nghiệp.
Cho rằng, Chỉ số SIPAS, PAR INDEX là những con số biết nói, ẩn chứa đằng sau các động lực để thúc đẩy các tác nhân thể chế, thiết chế tổ chức, chuyển đổi số, nhân lực, nhưng theo ông Cao Tường Huy, tất cả đều hội tụ ở yếu tố con người, yếu tố cán bộ.
Kinh nghiệm để Quảng Ninh giữ được thứ hạng cao trong các bảng xếp hạng chỉ số trên, đó là sự nêu gương của người đứng đầu qua hành động tử tế, nhiệt huyết và truyền lửa, nói đi đôi với làm, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Đó là chính sách thu hút, lựa chọn người đủ đức, đủ tài trong bộ máy lãnh đạo, quản lý và mạnh dạn bố trí và sử dụng ở các vị trí chịu trách nhiệm "đứng mũi, chịu sào" trong bối cảnh còn rất nhiều khó khăn, thử thách như hiện nay. Đó là việc thiết lập và vận hành cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu quả, kiên quyết sàng lọc, thay thế kịp thời những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, giảm sút uy tín, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.
"Quảng Ninh tiếp tục cố gắng cải cách hành chính hơn nữa và làm đúng, làm nhanh, làm tốt hơn, tận tâm, tận lực phục vụ người dân, nêu gương, làm gương ở mọi nơi, mọi lúc và trong mọi hoàn cảnh phải thực sự chí công, vô tư, mọi việc phải xuất phát từ nhân dân, vì nhân dân. Xây dựng hình ảnh, tác phong của cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, kỷ cương, tận tâm, mẫu mực, năng động, sáng tạo vì nhân dân phục vụ", Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tường Huy nói.
Nguồn: baotintuc.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh trong năm 2025
Thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế
Người sử dụng phải bồi thường cho người lao động khi không đóng bảo hiểm thất nghiệp
Công an An Giang tiêu hủy số lượng lớn công cụ hỗ trợ và vũ khí thô sơ
Nhật Bản muốn cùng đồng hành với Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới
Thời tiết ngày 27/11: Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời rét, vùng núi cao dưới 10 độ C
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Đã xử lý nghiêm nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng
Tạo nền hành chính thông thoáng, thuận tiện, vì nhân dân phục vụ
Quốc hội nghe báo cáo về phòng chống tham nhũng năm 2024
Không khí lạnh gây mưa lớn diện rộng ở khu vực Trung Bộ