Bộ Nội vụ đề xuất nhiều nội dung cải cách trong tuyển dụng công chức
23/07/2024 11:51
Bộ Nội vụ cho biết, tới đây, nhiều quy định về tuyển dụng công chức sẽ được sửa đổi nhằm cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng tuyển dụng.
Giảm thủ tục, rút gọn quy trình
Nhằm tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong tuyển dụng, Bộ Nội vụ đang đề xuất sửa đổi Nghị định 138/2020/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức theo hướng rút gọn quy trình tuyển dụng từ 195 - 225 ngày xuống còn 125 - 145 ngày; không yêu cầu nộp chứng chỉ Ngoại ngữ, Tin học trong thi tuyển, xét tuyển.
Đồng thời, đổi mới quy trình tuyển dụng nhằm nâng cao chất lượng tuyển dụng, bảo đảm tuyển được những thí sinh đạt kết quả cao hơn khi dự thi vào cùng một vị trí việc làm ở nhiều cơ quan sử dụng khác nhau; thí sinh trúng tuyển sẽ có cơ hội lựa chọn nhiều hơn 2 nguyện vọng.
Theo đề xuất của Bộ Nội vụ, người trúng tuyển trong kỳ thi tuyển công chức phải có đủ các điều kiện: Có kết quả điểm thi vòng 2 đạt từ 50 điểm trở lên. Trường hợp thi kết hợp viết và phỏng vấn thì người dự thi phải dự thi đủ cả 2 phần thi và có kết quả mỗi phần thi đạt từ 50 điểm trở lên; có kết quả điểm thi vòng 2 cộng với điểm ưu tiên (nếu có) cao hơn lấy theo thứ tự điểm từ cao xuống thấp trong chỉ tiêu được tuyển dụng của từng vị trí việc làm, kể cả đối với vị trí việc làm được tuyển dụng chung cho nhiều cơ quan sử dụng công chức.
Đối với người trúng tuyển ở vị trí việc làm được tuyển dụng chung thì việc xác định cơ quan sử dụng công chức thực hiện theo lựa chọn trong Phiếu đăng ký dự tuyển. Người không trúng tuyển trong kỳ thi tuyển công chức không được bảo lưu kết quả thi tuyển cho các kỳ thi tuyển lần sau.
Ngay sau khi có quyết định phê duyệt kết quả trúng tuyển, Hội đồng tuyển dụng phải thông báo công khai trên trang thông tin điện tử hoặc Cổng thông tin điện tử của cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức và gửi thông báo công nhận kết quả trúng tuyển tới người trúng tuyển theo hình thức đăng ký trong Phiếu đăng ký dự tuyển. Nội dung thông báo phải ghi rõ thời hạn người trúng tuyển phải đến cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng để hoàn thiện hồ sơ tuyển dụng.
Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày danh sách trúng tuyển được công khai trên trang thông tin điện tử hoặc Cổng thông tin điện tử của cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức, người trúng tuyển phải hoàn thiện hồ sơ tuyển dụng nộp cho cơ quan tuyển dụng. Hồ sơ tuyển dụng bao gồm: Bản sao văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu của vị trí việc làm dự tuyển; bản sao chứng nhận đối tượng ưu tiên, văn bằng, chứng chỉ để được miễn thi ngoại ngữ (nếu có). Kết quả thi kiểm định chất lượng đầu vào (nếu có).
Nếu như theo quy định cũ, người trúng tuyển phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền cấp thì nay Bộ Nội vụ đề xuất bỏ thủ tục này và thời gian hoàn thiện hồ sơ cũng rút ngắn lại 10 ngày so với trước.
Trường hợp người trúng tuyển không hoàn thiện đủ hồ sơ tuyển dụng theo quy định hoặc có hành vi gian lận trong việc kê khai Phiếu đăng ký dự tuyển hoặc bị phát hiện sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận không đúng quy định để tham gia dự tuyển thì kết quả tuyển dụng đương nhiên bị hủy bỏ. Trường hợp người đăng ký dự tuyển có hành vi gian lận trong việc kê khai Phiếu đăng ký dự tuyển hoặc sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận không đúng quy định để tham gia dự tuyển thì cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức thông báo công khai trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan và không tiếp nhận Phiếu đăng ký dự tuyển trong 1 kỳ tuyển dụng tiếp theo.
Trường hợp đã được xác định trúng tuyển ở vị trí việc làm được tuyển dụng chung nhưng không còn biên chế tại cơ quan sử dụng công chức đã lựa chọn trong Phiếu đăng ký dự tuyển thì Hội đồng tuyển dụng có trách nhiệm thông báo tới người trúng tuyển danh sách các cơ quan sử dụng công chức còn biên chế tuyển dụng để lựa chọn theo nguyên tắc người nào có kết quả điểm cao hơn được ưu tiên lựa chọn trước. Trường hợp người trúng tuyển không lựa chọn thì Hội đồng tuyển dụng thông báo trúng tuyển tới người có kết quả trúng tuyển thấp hơn liền kề ở chỉ tiêu cuối cùng để hoàn thiện hồ sơ tuyển dụng.
Bỏ quy định thi môn Tin học, mở rộng các trường hợp miễn thi ngoại ngữ
Bộ Nội vụ cũng cho biết sẽ sửa đổi quy định về hình thức, nội dung, thời gian thi theo hướng quy định tổ chức thi trắc nghiệm vòng 1 trên máy tính (bỏ hình thức thi trên giấy); bỏ quy định thi môn Tin học; mở rộng các trường hợp miễn thi ngoại ngữ; môn nghiệp vụ chuyên ngành (vòng 2) có thể lựa chọn 1 trong 2 hình thức thi viết hoặc viết kết hợp với phỏng vấn, đồng thời bổ sung thang điểm, tỷ lệ điểm của từng bài thi; quy định bài thi viết lựa chọn 1 trong 2 hình thức trắc nghiệm hoặc tự luận để cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng quyết định lựa chọn phù hợp với số lượng thí sinh dự thi và phù hợp với đặc thù của từng kỳ thi.
Tiếp tục thực hiện chủ trương liên thông trong công tác cán bộ, Bộ này đề xuất sửa đổi quy định về tiếp nhận vào làm công chức. Cụ thể, bỏ quy định sát hạch khi tiếp nhận cán bộ, công chức cấp xã làm công chức cấp huyện trở lên; quy định sát hạch bằng hình thức phỏng vấn (thay cho quy định lựa chọn hình thức viết, kết hợp viết và phỏng vấn); sửa đổi các nội dung liên quan đến tiếp nhận vào công chức để giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Căn cứ yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển, người đứng đầu cơ quan quản lý công chức hoặc cơ quan được phân cấp thẩm quyền tuyển dụng xem xét, tiếp nhận vào công chức đối với các trường hợp đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện của vị trí việc làm và điều kiện đăng ký dự tuyển công chức quy định tại khoản 1 Điều 36 Luật Cán bộ, công chức, không trong thời hạn xử lý kỷ luật, không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật theo quy định của Đảng, của pháp luật. Đồng thời phải đảm bảo một số tiêu chuẩn, điều kiện.
Cụ thể là, trường hợp là viên chức; cán bộ, công chức cấp xã; người hưởng lương trong lực lượng vũ trang nhân dân, người làm việc trong tổ chức cơ yếu nhưng không phải là công chức phải có đủ 5 năm công tác trở lên theo đúng quy định của pháp luật, có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (không tính thời gian tập sự, thử việc, nếu không liên tục và chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội 1 lần thì được cộng dồn), đang làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ yêu cầu trình độ đào tạo phù hợp với công việc ở vị trí việc làm dự kiến tiếp nhận.
Trường hợp là Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Thành viên Hội đồng thành viên, Thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng và người đang giữ chức vụ, chức danh quản lý từ cấp phòng trở lên trong doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, thì chỉ thực hiện việc tiếp nhận để bổ nhiệm làm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Ngoài ra, các trường hợp này phải có đủ 5 năm công tác trở lên, đang làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ yêu cầu trình độ đào tạo phù hợp với vị trí việc làm dự kiến tiếp nhận và phải được quy hoạch vào chức vụ bổ nhiệm hoặc chức vụ tương đương trở lên.
Trường hợp đã từng là cán bộ, công chức sau đó được cấp có thẩm quyền điều động, luân chuyển giữ các vị trí công tác không phải là công chức thì phải được cấp có thẩm quyền quyết định điều động, luân chuyển bằng văn bản đến làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác theo yêu cầu nhiệm vụ; không yêu cầu phải có đủ thời gian 5 năm công tác trở lên làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị được điều động, luân chuyển đến.
Trường hợp cán bộ, công chức cấp huyện trở lên được điều động, luân chuyển về làm cán bộ, công chức cấp xã thì căn cứ vào yêu cầu công tác, cấp có thẩm quyền quyết định điều động về làm cán bộ, công chức cấp huyện trở lên.
Không bố trí những người có quan hệ vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ; cha, mẹ (vợ hoặc chồng), cha nuôi, mẹ nuôi; con đẻ, con nuôi; anh, chị, em ruột; cô, dì, chú, bác, cậu ruột; anh, chị, em ruột của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng của anh, chị, em ruột của người dự tuyển; những người đang trong thời hạn xử lý kỷ luật hoặc đang thi hành quyết định kỷ luật; những người đã bị xử lý về hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ làm thành viên Hội đồng kiểm tra, sát hạch.
Khi tiếp nhận vào công chức để bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý thì không phải thành lập Hội đồng kiểm tra, sát hạch nhưng phải đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm và tiêu chuẩn, điều kiện tiếp nhận.
Tổ chức thi chuyên ngành khi yêu cầu trình độ ngoại ngữ, tin học cao hơn
Liên quan đến các đề xuất này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị cân nhắc đối tượng ưu tiên trong tuyển dụng công chức đối với “cán bộ Công đoàn trưởng thành từ cơ sở, trong phong trào công nhân” để bảo đảm phù hợp với nguyên tắc tuyển dụng công chức quy định tại khoản 4 Điều 38 Luật Cán bộ, công chức.
Bộ Nội vụ cho rằng, việc bổ sung đối tượng ưu tiên “cán bộ Công đoàn trưởng thành từ cơ sở” là để thể chế hóa Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới. Nội dung này cũng đã được bổ sung tại Nghị định số 85/2023/ND-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2020/NĐ-CP về tuyển dụng, quản lý, sử dụng viên chức. Bộ Nội vụ đã có văn bản gửi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để hướng dẫn bộ, ngành, địa phương thống nhất xác định đối tượng ưu tiên là cán bộ Công đoàn trưởng thành từ cơ sở.
Với đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về bổ sung quy định về hình thức đánh giá trình độ tin học theo yêu cầu của vị trí tuyển dụng trong trường hợp xét tuyển công chức, tiếp nhận vào công chức, theo Bộ Nội vụ, việc thống nhất bỏ thi tin học bắt buộc trong tuyển dụng công chức là phù hợp với xu thế phát triển của xã hội, cắt giảm thủ tục hành chính theo đúng chủ trương của Chính phủ. Do đó, đối với hình thức thi tuyển, xét tuyển, tiếp nhận vào công chức đều không yêu cầu hình thức đánh giá về trình độ tin học. Đối với những vị trí việc làm yêu cầu trình độ chuyên môn cao về tin học thì sẽ tổ chức trong phần thi chuyên ngành.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cũng có ý kiến đề nghị bổ sung quy định người đứng đầu cơ quan tuyển dụng quyết định việc yêu cầu thí sinh nộp chứng chỉ Ngoại ngữ khi ứng tuyển các vị trí việc làm yêu cầu trình độ ngoại ngữ đặc thù cao hơn khung quy định chung của Chính phủ.
Giải trình của Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho thấy, trường hợp vị trí việc làm yêu cầu trình độ ngoại ngữ đặc thù cao hơn quy định chung thì người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng quyết định tổ chức thi ngoại ngữ chuyên ngành. Trường hợp có văn bằng tương đương hoặc cao hơn so với trình độ theo yêu cầu của vị trí việc làm thì sẽ được miễn thi ngoại ngữ. Nội dung này được ghi rõ trong thông báo tuyển dụng và thuộc thẩm quyền của cơ quan tuyển dụng.
Nguồn: baotintuc.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
Tinh gọn bộ máy – Cuộc cách mạng lớn bắt đầu từ việc cụ thể
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ: Việc tinh gọn bộ máy cần tiến hành tổng thể, toàn diện, đồng bộ và khoa học
Nổi bật tuần qua: Tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị; Kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, ông Nguyễn Văn Thể
Thời tiết ngày 25/11: Bắc Bộ trời chuyển lạnh, chiều tối có mưa
Sản xuất các sản phẩm công nghiệp số trọng điểm của quốc gia
Sắp xếp, cơ cấu lại vốn đầu tư của Nhà nước tại doanh nghiệp
Nối dài tình nhân ái, san sẻ yêu thương
Thời tiết ngày 23/11: Mưa to khả năng gây ngập lụt tại vùng trũng Trung Bộ
Chủ tịch Đại hội đồng LHQ chúc mừng Việt Nam trúng cử UNCITRAL