Bà Rịa - Vũng Tàu sẵn sàng trở thành trung tâm công nghiệp năng lượng tái tạo ngoài khơi

12/01/2025 11:17

Với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ nhân lực sẵn có và nhiều năm kinh nghiệm thi công, vận hành các công trình dầu khí biển, các doanh nghiệp dầu khí tại Bà Rịa - Vũng Tàu đang nỗ lực để trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng năng lượng tái tạo ngoài khơi toàn cầu, góp phần tích cực đưa tỉnh sớm trở thành một trung tâm kinh tế biển quốc gia như mục tiêu tỉnh đã đề ra.

Chú thích ảnh

Sản xuất chân đế tháp điện gió tại cảng Hạ lưu PTSC ở thành phố Vũng Tàu. 

Những hợp đồng "khủng"

Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) từng tham gia các dự án điện gió tại quần đảo Trường Sa (2008 - 2010) và huyện đảo Phú Quý (2010 - 2013). Trong khoảng 3 năm gần đây, thị trường điện gió thế giới và khu vực trở nên sôi động, PTSC đã kịp thời nắm bắt xu hướng, nhanh chóng nhập cuộc và đạt được bước tiến vượt bậc.

   

Ban đầu là các gói công việc nhỏ lẻ như vận chuyển thiết bị, lắp đặt tháp turbine gió, rải cáp ngầm; lắp đặt và vận hành thiết bị FLiDAR khảo sát, thu thập số liệu hải dương, thủy văn... cho một số dự án điện gió ngoài khơi của khách hàng ở Việt Nam. Tiếp đến là tham gia đấu thầu và trúng thầu quốc tế hợp đồng thiết kế, mua sắm và chế tạo 2 trạm biến áp dự án điện gió ngoài khơi cho khách hàng tại Đài Loan.

Cuối năm 2022, PTSC có bước chuyển mình mạnh mẽ khi đơn vị được khách hàng Orsted (Đan Mạch) - nhà đầu tư, phát triển điện gió ngoài khơi số một thế giới trao hợp đồng chế tạo và cung cấp 33 chân đế cho dự án trang trại điện gió Greater Changhua 2b & 4 có tổng công suất 920 MW ngoài khơi Đài Loan với tổng khối lượng khoảng 80.000 tấn. Đây là dự án có quy mô lớn nhất từ trước tới nay so với các dự án dầu khí đơn vị đã thực hiện, chính thức đưa PTSC đặt chân vào chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi toàn cầu, chuyển từ mô hình sản xuất đơn chiếc sang mô hình sản xuất hàng loạt theo từng lô trên quy mô lớn.

Năm 2024, PTSC tiếp tục trúng thầu các hợp đồng mới với quy mô lớn hơn gồm cung cấp chân đế điện gió ngoài khơi cho khách hàng quốc tế tại thị trường châu Á - Thái Bình Dương; các hợp đồng thiết kế, mua sắm, chế tạo và lắp đặt trạm biến áp cho dự án điện gió ngoài khơi của khách hàng tại châu Âu (Baltica 02) và châu Á - Thái Bình Dương.

Tổng Giám đốc PTSC Trần Hồ Bắc cho biết, các dự án trên có tổng giá trị hợp đồng hơn 2 tỷ đô la Mỹ và 100% được chế tạo tại Việt Nam để xuất khẩu ra nước ngoài. Với khối lượng công việc này, PTSC đảm bảo được công ăn việc làm cho khoảng 3.000 người lao động của PTSC và gần 100 doanh nghiệp trong khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu tới năm 2028. Hiện PTSC đang theo đuổi nhiều gói thầu chế tạo chân đế điện gió các dự án tại thị trường Đài Loan, Hàn Quốc, châu Âu, Australia… và đặt mục tiêu trở thành mắt xích không thể thay thế trong chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi toàn cầu.

Năng lực đủ mạnh

Chú thích ảnh

Công trình trên biển của Liên doanh Vietsovpetro ở mỏ Bạch Hổ. 

 

Là cánh chim đầu đàn trong lĩnh vực dầu khí Việt Nam, tại kỳ họp thứ 53 của Hội đồng Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro vào tháng 12/2020 cũng đã thống nhất cho phép Vietsovpetro nghiên cứu các điều kiện về công nghệ, kỹ thuật, các vấn đề liên quan, nâng cấp cơ sở hạ tầng và thiết bị nhằm phục vụ dịch vụ ra bên ngoài cho các dự án điện gió ngoài khơi.

Theo đánh giá của Vietsovpetro, điện gió ngoài khơi cơ bản tương đồng với các công trình dầu khí biển và đây chính là thế mạnh của đơn vị với nguồn nhân lực gần 7.000 người bao gồm đầy đủ các trình độ từ tiến sỹ, thạc sỹ, kỹ sư đến đội ngũ công nhân lành nghề, cùng cơ sở vật chất, trang thiết bị hùng hậu và nhất là có hơn 40 năm kinh nghiệm.

Đến nay, Vietsovpetro đã xây dựng được cơ sở vật chất khổng lồ bao gồm cầu cảng, bãi chế tạo, nhà xưởng, máy móc, thiết bị siêu trường trên bờ tại thành phố Vũng Tàu cùng 70 công trình biển các loại ở độ sâu từ 50 - 110m nước và hàng trăm kilômét đường ống, cáp ngầm dưới biển, được vận hành hiệu quả trong nhiều năm qua.

Trong bản báo cáo "Lộ trình phát triển điện gió ngoài khơi ở Việt Nam", Công ty BVG Associates - tổ chức tư vấn độc lập có uy tín về năng lượng tái tạo đánh giá: cảng và bãi chế tạo kết cấu của Vietsovpetro đứng ở vị trí thứ 2 cảng cần ít đầu tư nhất ở Việt Nam (đứng sau cảng Hyundai Vinashin). Các đối tác quốc tế có nhiều kinh nghiệm như DEME hay Jan De Nul cũng đánh giá Vietsovpetro có đủ năng lực chế tạo trạm biến áp ngoài khơi.

Tổng Giám đốc Liên doanh Vietsovpetro Vũ Mai Khanh khẳng định, Vietsovpetro hoàn toàn đảm bảo năng lực, nguồn lực để có thể tham gia lĩnh vực dịch vụ điện gió ngoài khơi với tư cách là tổng thầu EPCI ngay từ giai đoạn đầu của dự án gồm khảo sát, thiết kế, mua sắm, thi công chế tạo bờ, vận chuyển và lắp đặt biển đến dịch vụ vận hành và bảo dưỡng.

Trong khi đó, PTSC hiện sở hữu hệ thống 8 căn cứ cảng trải dài từ Bắc vào Nam với tổng diện tích trên 320 ha và gần 3 km chiều dài cầu cảng; 26 tàu dịch vụ đa dạng chủng loại, công suất; cơ sở vật chất hoàn chỉnh phục vụ công tác khảo sát, chế tạo, đóng mới cũng như công tác vận chuyển, đấu nối, xây lắp, bảo dưỡng, sửa chữa, tháo dỡ các công trình dầu khí biển và các công trình năng lượng tái tạo ngoài khơi. Phần lớn cơ sở vật chất trên của PTSC đều đặt tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Năng lực của PTSC đã tiến thêm một bước lớn khi tham gia vào ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi với vai trò là nhà đầu tư, phát triển dự án. Mới đây, PTSC đã ký với đối tác Sembcorp thỏa thuận hợp tác đầu tư phát triển dự án điện gió ngoài khơi 2,3GW ở Việt Nam để xuất khẩu điện sang Singapore qua tuyến cáp cao áp ngầm dưới biển.

Cần hành lang pháp lý

Chú thích ảnh
Một góc cảng của Liên doanh Vietsovpetro tại thành phố Vũng Tàu. 
 

Điện gió ngoài khơi là một lĩnh vực hoàn toàn mới ở Việt Nam và nước ta hiện còn thiếu cơ chế, chính sách, quy hoạch… về biển khiến nhiều dự án đầu tư lớn đang phải dừng lại chờ. Trước nhu cầu cần thiết, cấp bách hiện nay, nhằm tháo gỡ những vướng mắc chưa được pháp luật quy định, theo PTSC, cơ chế thí điểm hoặc đặc thù cho các doanh nghiệp đủ điều kiện triển khai một số dự án điện gió ngoài khơi rất cần được Chính phủ xem xét, cho phép.

Theo Tổng Giám đốc Liên doanh Vietsovpetro Vũ Mai Khanh, đơn vị mong muốn được cùng Tập đoàn Dầu khí tham gia xây dựng các chính sách Pháp luật, để sớm tạo hành lang pháp lý cho điện gió ngoài khơi; tham gia xây dựng Quy hoạch không gian biển, khảo sát và vẽ bản đồ đáy biển... để sẵn sàng cho thúc đẩy ngành công nghiệp mới này.

Hiện Vietsovpetro đã chủ động xây dựng chuỗi dịch vụ để cung cấp dịch vụ kỹ thuật cho mảng điện gió ngoài khơi của Việt Nam và khu vực, đồng thời kết nối với các đối tác chiến lược có kinh nghiệm để sẵn sàng cung cấp dịch vụ hoặc thực hiện dự án khi có cơ hội.

Ông Vũ Mai Khanh cho rằng, khi ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi của Việt Nam phát triển, các doanh nghiệp liên kết tham gia sâu vào chuỗi cung ứng điện gió toàn cầu sẽ tạo ra khối lượng công việc khổng lồ cho doanh nghiệp và người lao động ở trong nước.

Tổng Giám đốc PTSC Trần Hồ Bắc cho biết, từ kinh nghiệm hoạt động thực tế 3 năm qua của PTSC nhận thấy chuỗi cung ứng toàn cầu cho công nghiệp điện gió ngoài khơi trên thế giới hiện khá mong manh, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng khi nhu cầu thị trường tăng mạnh. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam với lợi thế kinh nghiệm sẵn có trong lĩnh vực dầu khí ngoài khơi đang có cơ hội rất lớn để làm chủ chuỗi cung ứng, mà thành công bước đầu của PTSC trong thời gian qua là minh chứng rõ ràng. Do vậy, các đơn vị, doanh nghiệp trong nước cần nhanh chóng nâng cao năng lực, hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau để hoàn thiện chuỗi cung ứng, đáp ứng điều kiện của Nhà đầu tư/phát triển trang trại điện gió ngoài khơi. Chính phủ và các Bộ ngành, địa phương sớm có cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn, khuyến khích, thu hút đầu tư, hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nước nhanh chóng nâng cao năng lực để chiếm lĩnh chuỗi dịch vụ cung ứng quan trọng này.

Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ cho biết, với lợi thế về điều kiện tự nhiên và hạ tầng sẵn có, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được nhận định là khu vực có tiềm năng lớn để xây dựng và phát triển Trung tâm cung ứng năng lượng tái tạo ngoài khơi/điện gió ngoài khơi, không chỉ đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội tại chỗ cho vùng Đông Nam Bộ mà còn là một mắt xích quan trọng thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng năng lượng tái tạo tại Việt Nam và khu vực. Mới đây, ngày 1/12/2024, tại chuỗi sự kiện về dầu khí và điện gió ngoài khơi, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục nhấn mạnh định hướng đưa Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành một trong những trung tâm năng lượng, trung tâm điện gió ngoài khơi không chỉ của quốc gia mà còn của khu vực, thế giới. Trên tinh thần đó, tỉnh sẽ tập trung triển khai các giải pháp thúc đẩy ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi trong chiến lược chung phát triển tỉnh trở thành Trung tâm kinh tế biển quốc gia cũng như thực hiện các cam kết về Net-zero của nước ta với thế giới.

Nguồn: baotintuc.vn

Viết bình luận mới