An Giang nỗ lực “về đích” những tháng cuối năm 2024
04/07/2024 17:28
Vượt qua nhiều khó khăn, tình hình kinh tế - xã hội (KTXH) của An Giang trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt nhiều kết quả tích cực, với mức tăng trưởng 6,6% (cao hơn cùng kỳ). Đây là cơ sở để tỉnh đạt được mục tiêu tăng trưởng từ 7,5 - 8,5% năm 2024, là năm “bản lề” của nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Giữ ổn định phát triển
Trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm, tình hình chính trị một số khu vực bất ổn, nhưng các tổ chức quốc tế đã đưa ra dự báo kinh tế Việt Nam năm 2024 có thể đạt mức tăng trưởng cao hơn năm 2023. Thực tế, KTXH quý I/2024 của cả nước đạt kết quả tích cực, khẳng định chính sách quản lý, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương từng bước phát huy hiệu quả, giữ ổn định để phát triển.
Tại An Giang, với mục tiêu tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và triển khai các nhiệm vụ đột phá, trọng tâm, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch phát triển KTXH và kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2024; giao nhiệm vụ cho các sở, ngành, địa phương triển khai phù hợp thực tế. Nhờ vậy, KTXH 6 tháng của tỉnh tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực, hầu hết các ngành, lĩnh vực đều tăng trưởng tốt.
Cục Thống kê tỉnh cho biết, tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2024 ước tăng 6,6% so cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ tăng 6,5%). Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,84% (cùng kỳ 3,29%), khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 12,13% (cùng kỳ tăng 9,51%), khu vực dịch vụ tăng 7,61% (cùng kỳ tăng 8,17%), thuế sản phẩm tăng 5,32%.
Lĩnh vực nông nghiệp, bên cạnh lợi thế cây lúa được phát huy, lĩnh vực khai thác và nuôi trồng thủy sản phục hồi với mức tăng 6,92% (cùng kỳ tăng 6,83%), sản lượng thu hoạch 357.000 tấn, tăng 5,42% (tăng 18.400 tấn) so cùng kỳ.
Trong khi đó, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng trưởng tích cực, đặc biệt là ngành xây dựng tăng trưởng 11,6%, khi hàng loạt công trình trọng điểm được khởi công (cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng) hoặc hoàn thành (cầu Châu Đốc, tuyến tránh Long Xuyên)...
Trong mức tăng 7,61% của khu vực dịch vụ, ngành bán buôn và bán lẻ tăng 9,33%, ngành dịch vụ có đóng góp lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế; còn dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 12,64%; vận tải kho bãi tăng 13,52%...
Kích cầu tiêu dùng
An Giang là tỉnh có thị trường tiêu dùng sôi động bậc nhất vùng ĐBSCL, bởi bên cạnh dân số đông (đứng thứ 6 cả nước và đứng đầu ĐBSCL), còn có khoảng 9 triệu lượt du khách đến với tỉnh hàng năm. Do vậy, nhiều hoạt động thương mại - dịch vụ được tỉnh quan tâm tổ chức, góp phần kích cầu thị trường.
Trong đó, Hội chợ thương mại quốc tế Tịnh Biên - An Giang diễn ra từ ngày 27/5 - 2/6, thu hút 300 gian hàng của 120 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động tại Việt Nam, DN các tỉnh Takeo, Kandal (Vương quốc Campuchia) và tỉnh Champasak (Lào).
Thông qua hội chợ, An Giang và DN các nước đã có những gian hàng giới thiệu thành tựu KTXH, các sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), sản phẩm tiêu biểu của địa phương.
Với sự chuẩn bị chu đáo của các khu, điểm du lịch, cùng nhiều sự kiện văn hóa, lịch sử được tổ chức bài bản, hấp dẫn, trong 6 tháng qua, có khoảng 7 triệu lượt du khách đến An Giang, tăng 16% so cùng kỳ 2023 và đạt 78% kế hoạch năm 2024. Các dịch vụ ăn uống, lưu trú, hoạt động du lịch được mở rộng về quy mô và chất lượng, thu hút nhiều lượt khách lưu trú và chi tiêu so các năm trước.
Tính riêng tháng 6/2024, doanh thu bán buôn, bán lẻ hàng hóa, dịch vụ ước đạt 18.946,7 tỷ đồng, tăng 14,66% so cùng kỳ; lũy kế 6 tháng đầu năm ước đạt 112.016,5 tỷ đồng, tăng 14,28%. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng ước đạt 56.039,4 tỷ đồng, tăng 14,44% so cùng kỳ.
Bên cạnh tiêu dùng nội địa, hoạt động xuất, nhập khẩu trên địa bàn An Giang đạt được những kết quả tích cực, những mặt hàng chủ lực của tỉnh đều xuất khẩu tăng so cùng kỳ. Ước tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đạt 753,7 triệu USD, tăng 6,65%.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 642,9 triệu USD, tăng 6,45%, gồm: Thủy sản xuất khẩu 80.900 tấn, tương đương 152,7 triệu USD, tăng 1,2% về lượng và tăng 2,1% về kim ngạch; gạo xuất khẩu 231.100 tấn, tương đương 143,3 triệu USD, tăng 4% về lượng và tăng 14% về kim ngạch; rau quả đông lạnh xuất khẩu 68.100 tấn, tương đương 34,9 triệu USD, tăng 14,7%; hàng may mặc xuất khẩu 118,2 triệu USD, tăng 10,3%; giày dép xuất khẩu 96,7 triệu USD, tăng 12,3%...
Tạo động lực tăng trưởng
Theo UBND tỉnh An Giang, kết quả tăng trưởng kinh tế 6,6% trong 6 tháng đầu năm là nỗ lực đáng ghi nhận. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2024 từ 7,5 - 8,5% là thách thức không nhỏ, đòi hỏi sự chung sức, đồng lòng của các cấp, ngành, cộng đồng DN và người dân.
Trong đó, các cấp, ngành tăng cường dự báo, chủ động điều hành linh hoạt, kịp thời ứng phó với những tình huống phát sinh, tập trung triển khai hiệu quả, đồng bộ các chính sách hỗ trợ phục hồi phát triển KTXH.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho biết, cùng với đẩy nhanh tiến độ thi công và hoàn thành một số công trình trọng điểm, tạo kết nối giao thông, tỉnh đã tổ chức Lễ công bố Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch tạo động lực mới để thu hút đầu tư, mở ra cơ hội phát triển cho tỉnh.
Cùng với triển khai quy hoạch chi tiết theo hướng lâu dài, ổn định, tỉnh tập trung thực hiện chương trình xúc tiến đầu tư, đặc biệt là các hoạt động xúc tiến, mời gọi đầu tư vào 6 lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên, có nhiều tiềm năng, thế mạnh đã xác định trong quy hoạch tỉnh.
Cùng với đó, các cấp, ngành tăng cường xây dựng và phát triển những chuỗi giá trị mới, chuỗi sản xuất tuần hoàn; thực hiện các giải pháp kích cầu nội địa, kích thích tiêu dùng, hỗ trợ DN phân phối nguồn hàng. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai các chính sách, giải pháp khuyến khích DN chuyển đổi số, phát triển kinh tế số nhằm góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, đưa kinh tế An Giang phát triển theo hướng bền vững.
Nguồn: baoangiang.com.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Đã xử lý nghiêm nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng
Tạo nền hành chính thông thoáng, thuận tiện, vì nhân dân phục vụ
Quốc hội nghe báo cáo về phòng chống tham nhũng năm 2024
Không khí lạnh gây mưa lớn diện rộng ở khu vực Trung Bộ
Khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
Tinh gọn bộ máy – Cuộc cách mạng lớn bắt đầu từ việc cụ thể
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ: Việc tinh gọn bộ máy cần tiến hành tổng thể, toàn diện, đồng bộ và khoa học
Nổi bật tuần qua: Tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị; Kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, ông Nguyễn Văn Thể
Thời tiết ngày 25/11: Bắc Bộ trời chuyển lạnh, chiều tối có mưa
Sản xuất các sản phẩm công nghiệp số trọng điểm của quốc gia