Quy định chặt chẽ để thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu
20/05/2025 17:01
Về Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi), cơ quan soạn thảo đề xuất Ngân hàng Nhà nước quyết định cho vay đặc biệt có tài sản bảo đảm, không có tài sản bảo đảm đối với tổ chức tín dụng.
Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: TTXVN)
Sáng 20/5, tại Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng.
Điều chỉnh thẩm quyền quyết định cho vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, hiện nay, nợ xấu của hệ thống tín dụng vẫn tiếp tục ở mức cao và có xu hướng gia tăng đang là áp lực đối với lĩnh vực ngân hàng, đặc biệt đặt trong bối cảnh hiện tại khi năm 2025 được xác định là năm tăng tốc, bứt phá để về đích cả nhiệm kỳ 2021-2025 và Chính phủ đã đề ra mục tiêu đạt mức tăng trưởng ít nhất 8%, tạo thế, tạo đà, tạo lực để đất nước ta tăng trưởng 2 con số trong những năm tiếp theo.
Ngoài ra, việc hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại thông qua cho vay đặc biệt cần được quyết định một cách nhanh nhất. Việc chuyển thẩm quyền từ Thủ tướng Chính phủ thành Ngân hàng Nhà nước đáp ứng được yêu cầu nhanh chóng, khẩn cấp này trên thực tế.
Đi vào nội dung cụ thể, đại diện cơ quan soạn thảo cho biết Dự thảo luật đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 193 Luật các Tổ chức tín dụng, theo đó điều chỉnh thẩm quyền quyết định việc cho vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước theo hướng “Ngân hàng Nhà nước quyết định cho vay đặc biệt có tài sản bảo đảm, không có tài sản bảo đảm đối với tổ chức tín dụng. Tài sản bảo đảm của khoản vay đặc biệt từ Ngân hàng Nhà nước theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Lãi suất cho vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước là 0%/năm.”
Dự thảo luật cũng bổ sung Điều 198a vào sau Điều 198 Luật các Tổ chức tín dụng, cụ thể, Điều 198a quy định về quyền thu giữ tài sản bảo đảm của Tổ chức tín dụng và tổ chức mua bán, xử lý nợ trong trường hợp xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu với các nội dung chính như: Tổ chức tín dụng, tổ chức mua bán, xử lý nợ được quyền thu giữ tài sản bảo đảm. Việc thu giữ tài sản bảo đảm chỉ được thực hiện trong trường hợp hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm đồng ý cho bên nhận bảo đảm có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi phải xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, tại Điều 198a cũng quy định về thu giữ tài sản bảo đảm không phải là việc thu giữ đơn phương, vô điều kiện mà phải tuân thủ phạm vi, giới hạn, điều kiện thu giữ, đồng thời, quy định về trình tự, thủ tục thu giữ, công bằng, công khai, minh bạch, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của bên có nghĩa vụ, Tổ chức tín dụng và các bên có liên quan.
Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng. (Ảnh: TTXVN)
Bên cạnh đó, Dự thảo luật cũng bổ sung Điều 198b vào sau Điều 198 Luật các Tổ chức tín dụng, trong đó quy định theo hướng tài sản của người phải thi hành án đang được sử dụng làm tài sản bảo đảm cho khoản nợ xấu tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ bị kê biên, xử lý theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự trong trường hợp hợp đồng bảo đảm đã được ký kết và phát sinh hiệu lực sau thời điểm bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật; thi hành bản án, quyết định về cấp dưỡng, bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ hoặc trường hợp có sự đồng ý bằng văn bản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ.
Cùng với đó, dự thảo luật bổ sung Điều 198c vào sau Điều 198 Luật các Tổ chức tín dụng, trong đó quy định sau khi hoàn tất thủ tục xác định chứng cứ và xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án, cơ quan tiến hành tố tụng hoàn trả vật chứng trong vụ án hình sự là tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo đề nghị của bên nhận bảo đảm là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ.
Dự thảo Luật bổ sung điều khoản chuyển tiếp để xử lý các trường hợp Tổ chức tín dụng có khoản vay đặc biệt đã được Thủ tướng Chính phủ hoặc Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, đồng thời, bổ sung quy định chuyển tiếp để xử lý trường hợp tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu đã bị kê biên, xử lý theo Điều 90 Luật Thi hành án dân sự trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà chưa xử lý xong thì được tiếp tục áp dụng quy định của pháp luật về thi hành án dân sự để thực hiện.
Tránh việc dựa vào quyền thu giữ tài sản bảo đảm nới lỏng điều kiện cho vay
Thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội tán thành sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, tuy vậy cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự thảo Luật để phù hợp với các chủ trương, quan điểm cụ thể của cấp có thẩm quyền; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật. Các quy định phải được đánh giá tác động đầy đủ, toàn diện, bảo đảm tính minh bạch, khách quan, nhân văn, khả thi, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.
Cụ thể, về phạm vi áp dụng 03 chính sách của Nghị quyết số 42 được đề xuất luật hóa, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi cho biết đa số ý kiến của Ủy ban nhất trí với giải trình của Chính phủ. Một số ý kiến đề nghị cân nhắc phạm vi áp dụng 03 chính sách; có phương án xử lý phù hợp để tránh việc các Tổ chức tín dụng dựa vào quyền thu giữ tài sản bảo đảm nới lỏng điều kiện cho vay, thẩm định tín dụng, dẫn đến rủi ro khoản tín dụng được cấp sai quy định mà vẫn cho phép áp dụng quyền thu giữ tài sản bảo đảm, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của các bên có liên quan.
Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội cũng tán thành việc điều chỉnh thẩm quyền quyết định việc cho vay đặc biệt đối với khoản vay có lãi suất 0%/năm, khoản vay không có tài sản bảo đảm từ Thủ tướng Chính phủ sang Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, song cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ rà soát các quy định hiện hành về cho vay đặc biệt; nghiên cứu quy định chi tiết tiêu chí, điều kiện cho vay đặc biệt đối với khoản vay có lãi suất 0%/năm, khoản vay không có tài sản bảo đảm; quy định rõ ràng, minh bạch trình tự, thủ tục cho vay và có các biện pháp tăng cường kiểm soát, ngăn ngừa và hạn chế tổn thất có thể xảy ra.
Cùng với đó, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ rà soát các quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 liên quan đến thẩm quyền quyết định cho vay đặc biệt để sửa đổi, bổ sung phù hợp với việc phân cấp thẩm quyền cho Ngân hàng Nhà nước, tránh phát sinh vướng mắc trong triển khai thực hiện.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng . (Ảnh: TTXVN)
Liên quan tới quyền thu giữ tài sản bảo đảm, Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội đánh giá việc bổ sung quy định về quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu là cần thiết, song cơ quan này đề nghị rà soát, bảo đảm quy định chặt chẽ các điều kiện để thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; vai trò, trách nhiệm của ủy ban nhân dân cấp xã và cơ quan Công an cấp xã trong bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong quá trình thu giữ tài sản bảo đảm; việc ủy quyền thu giữ tài sản bảo đảm.
Bên cạnh đó, Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội tán thành việc quy định các trường hợp kê biên tài sản của người phải thi hành án đang được sử dụng làm tài sản bảo đảm cho khoản nợ xấu, song cơ quan này đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát các trường hợp thi hành bản án liên quan đến quyền lợi của bên thứ ba (ngoài nội dung về cấp dưỡng, bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe đã được quy định); nghiên cứu giao Chính phủ quy định chi tiết cơ chế phối hợp xử lý giữa cơ quan thi hành án dân sự và các Tổ chức tín dụng khi xử lý tài sản bảo đảm./.
Nguồn: vietnamplus.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Bảo đảm cơ chế cho Trung tâm tài chính quốc tế mang tính đặc thù, vượt trội
Thủ tướng: Xây dựng cơ sở dữ liệu đo lường việc thực hiện giải ngân đầu tư công
VIB xác lập kỷ lục ngành tài chính - đánh thức dòng tiền nhàn rỗi
Chống lãng phí, ngăn thất thoát tài sản công khi hợp nhất
Việt Nam và Hoa Kỳ họp phiên đàm phán lần thứ 2 về thương mại đối ứng
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để tình trạng “có tiền mà không tiêu được”
Lãi suất ngân hàng ngày 19/5: Ngân hàng có lãi suất tiết kiệm cao nhất nhóm Big4
Giá vàng ngày 20/5: Bảng giá tại các công ty vàng bạc đá quý
Thoát “bẫy phụ thuộc,” thủy sản Việt Nam đối mặt với thách thức và cơ hội mới
Tâm lý giao dịch được “cởi trói,” hàng tỷ USD chảy vào chứng khoán