CPI tháng 9/2024 tăng 0,29% do giá lương thực, thực phẩm tăng cao sau bão lũ
07/10/2024 12:47
Giá lương thực, thực phẩm tăng cao tại các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng trực tiếp bởi bão và hoàn lưu bão; một số địa phương thực hiện tăng học phí; giá thuê nhà ở tăng là những nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2024 tăng 0,29% so với tháng trước.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong mức tăng 0,29% của CPI tháng 9/2024 so với tháng trước, có 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 2 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.
Cụ thể, nhóm giáo dục tăng mạnh nhất 2,09%, trong đó giá dịch vụ giáo dục tăng 2,33% do một số địa phương điều chỉnh học phí áp dụng cho năm học 2024-2025 ở một số trường dân lập, tư thục các cấp và các trường đào tạo nghề, cao đẳng, đại học và sau đại học để đảm bảo thu chi thường xuyên. Bên cạnh đó, tháng 9 là thời điểm bắt đầu năm học mới nên nhu cầu đối với các mặt hàng đồ dùng học tập tăng.
Tiếp theo là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,92% làm CPI chung tăng 0,31 điểm phần trăm, trong đó, lương thực tăng 0,77%; thực phẩm tăng 1,06%; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,65%, do nhiều địa phương bị ảnh hưởng của bão số 3 và hoàn lưu sau bão.
Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,52% chủ yếu do giá thuê nhà tăng 0,42% bởi nhu cầu thuê nhà tại một số địa phương tăng khi bước vào năm học mới; giá điện sinh hoạt tăng 0,37%; nước sinh hoạt tăng 0,16% ; giá gas tăng 1,45% do từ ngày 1/9/2024, giá gas trong nước điều chỉnh tăng theo giá gas thế giới.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2024 tăng 0,29% so với tháng trước.
CPI bình quân quý III/2024 tăng 3,48% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 8,24%; hàng hóa và dịch khác tăng 6,94%; giáo dục tăng 5,4%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 4,98%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,98%; đồ uống và thuốc lá tăng 2,4%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 2,21%; may mặc, mũ nón và giày dép tăng 1,24%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,15%.
Tính chung 9 tháng năm 2024, CPI tăng 3,88% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng giá khi giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu, thiên tai bão lũ và nhu cầu tiêu dùng tăng trong dịp Lễ, Tết cùng với giá thịt lợn tăng; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng; trong năm học 2023-2024 và 2024-2025, một số địa phương đã tăng mức học phí theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế và bảo hiểm y tế tăng theo lương cơ sở.
Lạm phát cơ bản tháng 9/2024 tăng 0,27% so với tháng trước, tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 9 tháng năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,69% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức tăng CPI bình quân chung (3,88%), chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế và xăng dầu là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.
Nguồn: baotintuc.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Doanh nghiệp châu Âu lạc quan vào tiềm năng tăng trưởng dài hạn của Việt Nam
Thị trường hàng hóa tiếp tục biến động mạnh, kim loại đồng loạt tăng giá
Truy quét hàng gian, hàng giả: Không để đánh trống bỏ dùi
Lãi suất ngân hàng ngày 30/6: Gửi tiết kiệm ở đâu lãi cao nhất?
Algeria tham vọng trở thành nhà cung cấp năng lượng sạch chủ chốt cho châu Âu
G7 ủng hộ đề xuất tránh mức thuế cao hơn cho các công ty Mỹ
Đề nghị JBIC hỗ trợ vốn và xử lý vướng mắc tại dự án lọc dầu tại Nghi Sơn
Dòng tiền luân chuyển tích cực giúp VN-Index vượt mốc 1.370 điểm
Giá vàng ngày 29/6: Bảng giá tại các công ty vàng bạc đá quý
Thủ tướng: Tiếp tục xem xét, giải quyết các quan tâm của phía Hoa Kỳ