Trưng bày 'Áo dài Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử' bên bờ Di sản vịnh Hạ Long
30/05/2025 08:09
Ngày 29/5, Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Bảo tàng lịch sử thành phố Huế tổ chức trưng bày chuyên đề “Áo dài Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử”.

Đây là hoạt động văn hóa chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước, kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025), 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), 70 năm Ngày Giải phóng khu Mỏ (25/4/1955 - 25/4/2025) và hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia Huế 2025.
Giám đốc Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh Đỗ Quyết Tiến chia sẻ, với tinh thần hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, phát huy thế mạnh của mỗi đơn vị bảo tàng trong cả nước, đơn vị và Bảo tàng Lịch sử thành phố Huế đã xây dựng kế hoạch phối hợp trưng bày chuyên đề như một hoạt động thiết thực nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo tồn, giáo dục và truyền thông di sản. Đây là dịp để công chúng hiểu sâu sắc hơn lịch sử của áo dài Việt Nam, trực tiếp trải nghiệm hoạt động văn hóa truyền thống như, nghề làm hoa giấy Thanh Tiên, nghề làm ông Táo làng Địa Linh của thành phố Huế hay các công đoạn may áo dài.
Tà áo dài Việt Nam không chỉ là biểu tượng thẩm mỹ mà còn là hiện thân văn hóa mang đậm hồn cốt dân tộc. Qua mỗi thời kỳ lịch sử, áo dài không ngừng được gìn giữ, sáng tạo và phát triển, kế thừa truyền thống, thể hiện hơi thở hiện đại của đời sống văn hóa Việt Nam. Đặc biệt, vùng đất cố đô Huế, nơi được tôn vinh là “Kinh đô áo dài” chính là một trung tâm văn hóa tiêu biểu, lưu giữ giá trị cốt lõi, tinh hoa về trang phục truyền thống.

Giám đốc Bảo tàng lịch sử thành phố Huế Nguyễn Đức Lộc cho hay, những năm qua, Huế không chỉ là nơi bảo tồn, gìn giữ áo dài truyền thống mà còn tiên phong đưa áo dài trở lại với đời sống đương đại. Năm 1989, ở Huế, áo dài phụ nữ được đưa vào môi trường làm việc, giảng đường. Đến năm 2020, áo dài nam đã được ngành văn hóa, thể thao đưa vào công sở như một loại hình nghệ thuật công chúng. Tháng 8/2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chính thức công nhận "Tri thức may, mặc áo dài Huế" là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Trưng bày chuyên đề lần này được tổ chức theo phương thức hiện đại, ứng dụng công nghệ số trong thuyết minh, tương tác. Toàn bộ không gian được đầu tư công phu, khoa học, đảm bảo tính thẩm mỹ, phù hợp các nhóm công chúng tham quan, nghiên cứu, học tập, trải nghiệm.
Thông qua sự kiện, tình cảm và sự gắn bó giữa các bảo tàng địa phương, trong đó giữa Huế - Quảng Ninh tiếp tục được củng cố, phát triển, góp phần xây dựng cộng đồng di sản bền vững, sáng tạo, lan tỏa trong tương lai.
Chương trình nghệ thuật trình diễn trang phục áo dài truyền thống, áo dài hiện đại của thành phố Huế được tổ chức bên bờ vịnh Hạ Long tạo sự hấp dẫn đối với người dân, du khách tới xem không gian trưng bày “Áo dài Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử”.
Các bài viết cùng chuyên mục
Hà Trúc Linh đăng quang Hoa hậu Việt Nam 2024
Phú Quốc, TP Hồ Chí Minh tỏa sáng trong top du lịch cao cấp châu Á - Thái Bình Dương 2025
Khơi gợi hồn thiêng phương Nam qua 'U Minh truyền kỳ'
Đưa du lịch Việt Nam tới gần hơn với người Séc
Khánh thành Tượng đài Trung tâm Khu tưởng niệm Chiến khu D ở Bình Dương
Huế và hành trình đánh thức tiềm năng du lịch xanh đầm phá
Dầu cho thức ăn chăn nuôi biến thành dầu ăn cho người nguy hại cỡ nào?
Hút khách du lịch mùa vải thiều
Bác sĩ nói gì về lời đồn uống nước lá ổi mỗi ngày bệnh tiểu đường sẽ khỏi?
Quảng bá du lịch di sản qua các sự kiện thể thao