Tôn vinh y đức của Thiền sư Tuệ Tĩnh
15/03/2025 15:16
Ngày 14/3, tại Di tích quốc gia đặc biệt đền Xưa, thuộc xã Cẩm Vũ, Ủy ban nhân dân huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương đã tổ chức Khai hội truyền thống đền Xưa và dâng hương tưởng niệm đại danh y - Thiền sư Tuệ Tĩnh, tôn vinh y đức, tri ân công lao của vị Thánh Thuốc Nam.

Nghi thức Cung tuyên chúc văn. Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN
Trong diễn văn khai hội, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân huyện Cẩm Giàng Nguyễn Văn Công cho biết, mỗi độ Xuân về, huyện tổ chức Lễ hội truyền thống đền Xưa để tỏ lòng tri ân, tôn vinh y đức, uống nước nhớ nguồn đối với bậc đại danh y.
Theo ông Nguyễn Văn Công, những năm qua, Đảng bộ và nhân dân huyện Cẩm Giàng luôn quan tâm gìn giữ và phát huy giá trị di tích, đưa di tích thành một địa chỉ để giáo dục lòng yêu nước, y đức và tinh thần tự tôn dân tộc.
Lễ hội truyền thống đền Xưa vào mỗi tháng 2 Âm lịch hằng năm được huyện tổ chức với mong muốn bảo tồn, phát huy, làm giàu thêm những giá trị di sản văn hóa của đền Xưa trao truyền qua nhiều thế hệ. Đây cũng là dịp để nhân dân và du khách bày tỏ lòng kính trọng, tôn vinh y đức của bậc đại danh y và thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn.
Trong thời gian diễn ra Lễ hội, tại di tích đền Xưa, nhiều hoạt động giao lưu văn nghệ giữa các câu lạc bộ hát chèo, hát dân ca, trò chơi dân gian, triển lãm thư pháp, bắt mạch kê đơn do Câu lạc bộ thư pháp và Hội Đông y huyện thực hiện.
Đền xưa tại thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, quê hương của đại danh y Tuệ Tĩnh. Tuệ Tĩnh tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh, sinh khoảng năm 1330. Năm 6 tuổi, ông mồ côi cả cha lẫn mẹ, được sư trụ trì chùa Nghiêm Quang Giám đưa về nuôi dạy. Năm 22 tuổi, ông thi đỗ Hoàng Giáp nhưng khước từ làm quan. Chứng kiến dịch bệnh làm nhân dân đói khổ, ông đã đi khắp nơi sưu tầm các bài thuốc, dốc lòng nghiên cứu các loại cây cỏ làm thuốc Nam để trị bệnh cứu người.
Theo nguồn tư liệu, ông đã tham gia xây dựng 24 ngôi chùa và làm nơi chữa bệnh để cứu được nhiều người. Ông đã dạy nhân dân trồng thuốc nam để chữa bệnh. Với khả năng chữa bệnh, ông đã được vua cử đi sứ nhà Minh, được phong chức "Y tư cửu phẩm". Khi chữa khỏi bệnh cho Tống Vương phi được phong chức Thái y Thiền sư và được giữ lại; sau đó, ông mất tại Giang Nam. Cuộc đời và sự nghiệp của đại danh y là tấm gương về y đức cho các thế hệ thầy thuốc trong sự nghiệp trị bệnh, cứu người, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.

Các đại biểu dâng hương tưởng niệm đại danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh. Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN
Đền Xưa là một trong 3 di tích thuộc Cụm di tích quốc gia đặc biệt tại huyện Cẩm Giàng gồm: Đền Xưa - chùa Giám - đền Bia thờ đại danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh. Đền Xưa được khởi dựng từ thế kỷ thứ XVII. Nơi đây hiện còn lưu giữ nhiều cổ vật có giá trị. Năm 2017, Cụm di tích đền Xưa - chùa Giám - đền Bia thờ đại danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh được xếp hạng là Cụm di tích quốc gia đặc biệt.
Các bài viết cùng chuyên mục
Hà Trúc Linh đăng quang Hoa hậu Việt Nam 2024
Phú Quốc, TP Hồ Chí Minh tỏa sáng trong top du lịch cao cấp châu Á - Thái Bình Dương 2025
Khơi gợi hồn thiêng phương Nam qua 'U Minh truyền kỳ'
Đưa du lịch Việt Nam tới gần hơn với người Séc
Khánh thành Tượng đài Trung tâm Khu tưởng niệm Chiến khu D ở Bình Dương
Huế và hành trình đánh thức tiềm năng du lịch xanh đầm phá
Dầu cho thức ăn chăn nuôi biến thành dầu ăn cho người nguy hại cỡ nào?
Hút khách du lịch mùa vải thiều
Bác sĩ nói gì về lời đồn uống nước lá ổi mỗi ngày bệnh tiểu đường sẽ khỏi?
Quảng bá du lịch di sản qua các sự kiện thể thao