Điều gì xảy ra với sức khỏe khi bạn ăn rau mồng tơi hằng ngày?
13/06/2025 13:34
Vào mùa hè, nhiều người thích ăn cơm với canh mồng tơi, cà muối và các món cá, thịt. Loại rau này đem lại cảm giác ngon miệng, có một số tác dụng nhưng bạn cần cân nhắc khi muốn ăn hằng ngày.
Rau mồng tơi cung cấp nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, cũng như bất kỳ loại thực phẩm nào, nếu dùng quá nhiều hoặc thiếu cân đối trong chế độ ăn uống, rau mồng tơi có thể mang lại một số tác dụng phụ.
Thành phần dinh dưỡng
Rau mồng tơi ít calo nhưng giàu vitamin A, C, nhóm B; khoáng chất như sắt, canxi, magiê, kali; chất chống oxy hóa gồm beta-carotene, lutein, zeaxanthin; chất xơ; chất nhầy (làm dịu đường tiêu hóa).
Theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ, 100g mồng tơi chứa khoảng 19 calo, 3,4g carbohydrate, 1,8g protein, 0,3g chất béo, 0,7g chất xơ, 8000 IU vitamin A và 102mg vitamin C.

Ăn rau mồng tơi mỗi ngày mang lại lợi ích gì?
- Cải thiện hệ tiêu hóa: Theo thông tin của Thư viện Y khoa Mỹ, nhờ lượng chất xơ và chất nhầy cao, mồng tơi giúp nhuận tràng, hỗ trợ tiêu hóa, giảm táo bón, làm dịu niêm mạc dạ dày. Đây là món ăn lý tưởng cho người bị nóng trong hoặc rối loạn tiêu hóa nhẹ.
- Tốt cho da và mắt: Mồng tơi giàu vitamin A và các chất chống oxy hóa như beta-carotene và lutein, giúp nuôi dưỡng làn da, hỗ trợ làm lành vết thương, bảo vệ mắt khỏi các bệnh liên quan đến tuổi tác như thoái hóa điểm vàng.
- Tăng cường miễn dịch: Vitamin C trong mồng tơi tăng cường sản sinh tế bào bạch cầu, nâng cao sức đề kháng, thúc đẩy tổng hợp collagen - quan trọng cho sự phục hồi mô và da.
- Tốt cho tim mạch: Kali trong mồng tơi hỗ trợ điều hòa huyết áp bằng cách cân bằng tác động của natri. Các chất chống oxy hóa giúp giảm viêm và căng thẳng oxy hóa - yếu tố góp phần gây bệnh tim.
- Hỗ trợ xương chắc khỏe: Hàm lượng canxi, magie và vitamin K có tác dụng duy trì sức khỏe xương, giảm nguy cơ loãng xương, đặc biệt ở phụ nữ mãn kinh.
- Ngăn ngừa thiếu máu: Sắt trong mồng tơi góp phần hình thành hồng cầu. Khi ăn loại rau này kèm với thực phẩm giàu vitamin C, cơ thể hấp thụ sắt tốt hơn - từ đó phòng ngừa thiếu máu.
Tác dụng phụ khi ăn quá nhiều rau mồng tơi
- Nguy cơ hình thành sỏi thận: Tương tự nhiều loại rau xanh khác, mồng tơi chứa oxalat - chất có thể góp phần hình thành sỏi thận nếu ăn quá nhiều, đặc biệt ở người có tiền sử sỏi thận.
- Ảnh hưởng đến hấp thu khoáng chất: Oxalat và phytate trong mồng tơi có thể kết hợp với canxi, sắt làm giảm khả năng hấp thụ các khoáng chất này. Dù không nghiêm trọng nhưng bạn cần lưu ý không ăn quá nhiều mồng tơi trong thời gian dài.
- Có thể gây khó chịu tiêu hóa: Một số người bị đầy hơi hoặc đi ngoài nếu ăn quá nhiều mồng tơi sống do hàm lượng chất xơ và chất nhầy cao.
Khuyến nghị khi ăn rau mồng tơi mỗi ngày
Nên nấu chín: Luộc hoặc xào giúp giảm chất gây cản trở hấp thu.
Kết hợp với thực phẩm giàu vitamin C: Hỗ trợ hấp thụ sắt tốt hơn.
Xen kẽ với các loại rau khác: Đảm bảo cân bằng dinh dưỡng và tránh dư thừa hợp chất nào đó.
Nguồn vietnamnet.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Hà Trúc Linh đăng quang Hoa hậu Việt Nam 2024
Phú Quốc, TP Hồ Chí Minh tỏa sáng trong top du lịch cao cấp châu Á - Thái Bình Dương 2025
Khơi gợi hồn thiêng phương Nam qua 'U Minh truyền kỳ'
Đưa du lịch Việt Nam tới gần hơn với người Séc
Khánh thành Tượng đài Trung tâm Khu tưởng niệm Chiến khu D ở Bình Dương
Huế và hành trình đánh thức tiềm năng du lịch xanh đầm phá
Dầu cho thức ăn chăn nuôi biến thành dầu ăn cho người nguy hại cỡ nào?
Hút khách du lịch mùa vải thiều
Bác sĩ nói gì về lời đồn uống nước lá ổi mỗi ngày bệnh tiểu đường sẽ khỏi?
Quảng bá du lịch di sản qua các sự kiện thể thao