Ăn thịt gà sai cách dễ rước họa, 4 lưu ý khi dùng
22/05/2025 11:20
Thịt gà là nguồn cung cấp phong phú các chất dinh dưỡng như đạm, các khoáng chất sắt, kẽm, phốt pho. Tuy nhiên, ăn thực phẩm này sai cách có thể gây rắc rối cho sức khỏe.
Thịt gà là thực phẩm quen thuộc, được ưa chuộng trong bữa ăn hằng ngày của nhiều gia đình Việt Nam. Tuy nhiên, lương y Đỗ Minh Tuấn - Hội Đông Y Hà Nội lưu ý, theo y học cổ truyền, việc sử dụng thịt gà không đúng cách trong mùa hè có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, làm gia tăng các vấn đề liên quan đến nhiệt trong cơ thể.
Nguy cơ khi sử dụng không hợp lý
Theo y học cổ truyền, mùa hè thuộc hành Hỏa, ứng với tạng Tâm, liên hệ mật thiết với can (gan) và tỳ (lá lách). Thực phẩm được xem là phương pháp dưỡng sinh, cần phù hợp với thời điểm và cơ địa. Thịt gà, đặc biệt là gà ta, có vị cam, tính ôn, không độc, tác động vào kinh tỳ và vị, một số tài liệu còn ghi nhận tác dụng đến can và thận.
Thịt gà được xem là vị thuốc bổ khí huyết, kiện tỳ, ích vị, ôn trung, trừ hư hàn, rất phù hợp với người khí hư, tỳ vị hư nhược hoặc đang hồi phục sau bệnh. Do tính ôn sinh nhiệt, việc tiêu thụ quá nhiều thịt gà vào mùa hè - thời điểm dương khí thịnh, hỏa vượng - có thể gây mất cân bằng âm dương, dẫn đến các triệu chứng như bốc hỏa, cáu gắt, nóng trong, đỏ mắt, mất ngủ, hồi hộp, đầy bụng hoặc sinh thấp nhiệt.
Lương y Tuấn cho biết, mùa hè, khi cơ thể dễ bị ảnh hưởng bởi dương khí mạnh, việc ăn nhiều thịt gà có thể làm tăng nhiệt nội sinh, gây ra các vấn đề như mề đay, mẩn ngứa (do phong nhiệt hoặc dị ứng đạm), mụn nhọt, viêm da cơ địa (nhiệt độc) hoặc rối loạn tiêu hóa (do tỳ vị hư yếu không chuyển hóa được chất bổ). Đặc biệt, thịt gà có thể làm trầm trọng thêm các bệnh lý như phong ngứa, phong thấp (đau nhức khớp, cơ, gân) hoặc các bệnh truyền nhiễm.

Ăn thịt gà đúng cách
Mặc dù thịt gà không cần kiêng tuyệt đối trong mùa hè, việc sử dụng đúng cách sẽ giúp phát huy tối đa lợi ích và hạn chế tác hại. Dưới đây là những nguyên tắc được khuyến nghị:
Kết hợp thực phẩm thanh nhiệt, sinh tân: Nên chế biến thịt gà cùng các nguyên liệu như bí đao, mướp, củ sen, atiso, rau má hoặc ý dĩ để cân bằng tính ôn, dưỡng tâm âm và làm mát huyết. Các món như gà hầm củ sen, bách hợp hoặc cháo gà rau má, đậu xanh giúp lợi thấp, thanh nhiệt và kiện tỳ.
Chế biến thanh đạm: Ưu tiên các món luộc, hầm, hạn chế chiên rán nhiều dầu mỡ để tránh làm tăng nhiệt trong cơ thể.
Ăn vừa đủ, đúng thời điểm: Người khí hư, tỳ hư hoặc đang hồi phục sức khỏe chỉ nên ăn lượng nhỏ. Tránh ăn thịt gà vào buổi chiều muộn, khi dương khí đang thịnh, để không làm gia tăng nhiệt nội sinh.
Một số nhóm người nên thận trọng: Những người có dấu hiệu nhiệt chứng (cảm nhiệt, viêm họng, nổi mụn, bứt rứt, đỏ mắt), mắc các bệnh phong ngứa, mề đay, dị ứng, hoặc gặp vấn đề tiêu hóa như đầy bụng, táo bón kéo dài cần hạn chế ăn thịt gà.
Thịt gà là thực phẩm bổ dưỡng, nhưng việc sử dụng trong mùa hè cần được điều chỉnh phù hợp với cơ địa và thời tiết. Bằng cách kết hợp đúng nguyên liệu, chế biến hợp lý và ăn uống điều độ, người tiêu dùng có thể tận dụng lợi ích của thịt gà mà không lo ảnh hưởng đến sức khỏe. Hiểu rõ bản chất “tính ôn - bổ khí - dưỡng dương” của thịt gà sẽ giúp mỗi người xây dựng chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh trong mùa hè.
Nguồn vietnamnet.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Hà Trúc Linh đăng quang Hoa hậu Việt Nam 2024
Phú Quốc, TP Hồ Chí Minh tỏa sáng trong top du lịch cao cấp châu Á - Thái Bình Dương 2025
Khơi gợi hồn thiêng phương Nam qua 'U Minh truyền kỳ'
Đưa du lịch Việt Nam tới gần hơn với người Séc
Khánh thành Tượng đài Trung tâm Khu tưởng niệm Chiến khu D ở Bình Dương
Huế và hành trình đánh thức tiềm năng du lịch xanh đầm phá
Dầu cho thức ăn chăn nuôi biến thành dầu ăn cho người nguy hại cỡ nào?
Hút khách du lịch mùa vải thiều
Bác sĩ nói gì về lời đồn uống nước lá ổi mỗi ngày bệnh tiểu đường sẽ khỏi?
Quảng bá du lịch di sản qua các sự kiện thể thao