An Giang hợp nhất Kiên Giang - cực tăng trưởng mới cho ĐBSCL
23/05/2025 17:31
Với những lợi thế vượt trội về vị trí địa lý, tiềm năng kinh tế đa dạng, bản sắc văn hóa phong phú và nguồn lực xã hội dồi dào, việc “hợp nhất” tỉnh An Giang và Kiên Giang hứa hẹn sẽ tạo nên “cực tăng trưởng” mới cho khu vực ĐBSCL. Khi 2 địa phương giàu tiềm năng này chính thức “về chung một nhà”, một thực thể hành chính mới với quy mô và sức mạnh tổng hợp vượt trội sẽ ra đời. Tỉnh An Giang “mới” sẽ sở hữu những tiềm năng và lợi thế phát triển mang lại những cơ hội cho sự thịnh vượng của vùng đất và người dân nơi đây.
Bệ phóng cho tăng trưởng
An Giang và Kiên Giang sở hữu vị trí địa lý rất đắc địa. An Giang với đường biên giới dài giáp Campuchia, là cửa ngõ quan trọng trong giao thương quốc tế và phát triển kinh tế biên mậu. Năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh đạt 1,22 tỷ USD, cho thấy tiềm năng lớn trong việc mở rộng thị trường và thu hút đầu tư. An Giang nổi tiếng là vựa lúa lớn của cả nước, với diện tích gieo trồng lúa hàng năm đạt trên 650.000ha, sản lượng lúa trên 4 triệu tấn. Tỉnh còn có tiềm năng phát triển các loại cây công nghiệp, cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Diện tích nuôi trồng thủy sản cả năm 2024 ước đạt 2.010ha, tổng sản lượng gần 701.000 tấn.

Hòn Sơn - điểm du lịch nổi tiếng của Kiên Giang
Trong khi đó, Kiên Giang với bờ biển dài hơn 200km, hệ thống đảo phong phú, như: Phú Quốc, Nam Du, Thổ Chu... có thế mạnh vượt trội về kinh tế biển, đặc biệt là nuôi trồng và khai thác thủy sản. Năm 2024, tổng sản lượng lúa đạt 4,7 triệu tấn, sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản gần 815.000 tấn, đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Kiên Giang còn có tiềm năng lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, nhất là điện gió và điện mặt trời.
Bên cạnh đó, An Giang là vùng đất giàu truyền thống văn hóa với nhiều di tích lịch sử, lễ hội đặc sắc, mang đậm dấu ấn của các dân tộc Kinh, Khmer, Chăm, Hoa. Kiên Giang cũng sở hữu bản sắc văn hóa biển độc đáo, thể hiện qua lễ hội nghinh Ông, các làng nghề truyền thống và ẩm thực đặc trưng. Sự đa dạng văn hóa của 2 tỉnh là tiềm năng vô giá để phát triển du lịch (DL) văn hóa, lịch sử và tâm linh.
Cộng hưởng nhiều “mũi nhọn”
Không chỉ đơn thuần là sự hợp nhất về mặt địa lý và hành chính, việc hợp nhất này hứa hẹn sẽ tạo ra một thực thể kinh tế - xã hội mạnh mẽ, khai phóng những tiềm năng và kiến tạo một cực tăng trưởng mới, đóng vai trò đầu tàu thúc đẩy sự phát triển của toàn vùng ĐBSCL. Sau khi sáp nhập, tỉnh An Giang mới sẽ trở thành một trong những địa phương có diện tích tự nhiên lớn nhất khu vực, với tổng diện tích gần 9.900km², dân số trên 4,95 triệu người; có 102 xã, phường và đặc khu. Quy mô hành chính lớn hơn tạo điều kiện thuận lợi cho việc quy hoạch tổng thể, đồng bộ hóa các chính sách phát triển.

Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam (Châu Đốc, An Giang) thu hút hàng triệu du khách mỗi năm
Đặc biệt, với tiềm năng phát triển kinh tế cửa khẩu mạnh mẽ của An Giang và lợi thế kinh tế biển, DL đảo của Kiên Giang, tỉnh An Giang mới hoàn toàn có cơ sở để đề xuất xây dựng một hoặc nhiều đặc khu kinh tế ven biển hoặc khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm. Các đặc khu này sẽ được hưởng những cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt, thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào các lĩnh vực: Công nghệ cao, logistics, chế biến sâu, DL phức hợp... tạo động lực cho toàn vùng.
Sự hợp nhất An Giang - Kiên Giang mang đến một bức tranh kinh tế đa dạng và đầy hứa hẹn. Nông nghiệp công nghệ cao và chế biến sâu, An Giang tiếp tục khẳng định vị thế là trung tâm sản xuất nông nghiệp hàng đầu với diện tích lúa chất lượng cao, cây ăn trái đặc sản và tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Việc kết nối với Kiên Giang, địa phương có thế mạnh về chế biến và xuất khẩu thủy sản, sẽ tạo ra chuỗi giá trị liên kết mạnh mẽ từ sản xuất nguyên liệu đến chế biến và tiêu thụ, nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản của vùng. Với sản lượng lúa và thủy sản lớn, An Giang mới có tiềm năng trở thành trung tâm chế biến nông, thủy sản lớn nhất khu vực, hướng đến xuất khẩu các sản phẩm giá trị cao.

Với vị trí địa lý chiến lược của tỉnh An Giang mới với các cửa khẩu quốc tế quan trọng, như: Tịnh Biên, Hà Tiên... mở ra cơ hội lớn cho phát triển kinh tế biên mậu và dịch vụ logistics. Việc kết nối với hệ thống cảng biển của Kiên Giang sẽ tạo thành một hành lang kinh tế hiệu quả, giảm chi phí vận chuyển, tăng cường giao thương với các nước trong khu vực ASEAN và tiểu vùng sông Mekong mở rộng. Tổng kim ngạch xuất khẩu qua các cửa khẩu năm 2024 của An Giang và Kiên Giang cộng lại đạt trên 2,3 tỷ USD, cho thấy tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ. Về năng lượng tái tạo và kinh tế xanh, cả An Giang và Kiên Giang đều có tiềm năng lớn trong phát triển năng lượng tái tạo, nhất là điện mặt trời và điện gió. Việc hợp nhất sẽ tạo điều kiện để quy hoạch các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn, cung cấp nguồn năng lượng sạch cho phát triển kinh tế và góp phần bảo vệ môi trường.

Hội đua bò Bảy Núi - nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer (An Giang)
Bên cạnh đó, An Giang có các điểm DL tâm linh nổi tiếng, như: Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam, Khu Du lịch núi Cấm… thu hút hàng triệu lượt khách mỗi năm. Kiên Giang với bờ biển dài và hệ thống đảo ngọc Phú Quốc, Nam Du... là điểm đến DL hàng đầu. Năm 2024, An Giang đón 9,1 triệu lượt khách, trong đó có 25.000 lượt khách quốc tế, với tổng doanh thu DL đạt 10.250 tỷ đồng. Là trung tâm DL biển đảo hàng đầu cả nước, năm 2024, Kiên Giang đón gần 10 triệu lượt du khách, trong đó gần 980.000 lượt khách quốc tế, doanh thu DL trên 25.100 tỷ đồng. Qua đó cho thấy, tiềm năng DL của tỉnh An Giang mới là rất lớn. Sau hợp nhất, tổng lượng khách DL có thể vượt 20 triệu lượt, tổng doanh thu ước đạt 35.350 tỷ đồng, đưa tỉnh mới trở thành cực tăng trưởng DL quan trọng của khu vực. Sự đa dạng trong sản phẩm DL, từ DL văn hóa tâm linh ở An Giang đến DL biển đảo ở Kiên Giang, sẽ thu hút nhiều đối tượng du khách hơn, kéo dài thời gian lưu trú và tăng chi tiêu. Tỉnh An Giang mới có đủ tiềm năng để phát triển các khu nghỉ dưỡng, dịch vụ DL cao cấp, thu hút đầu tư vào cơ sở hạ tầng DL hiện đại.
Nguồn: baoangiang.com.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Tăng cường phòng, chống dịch bệnh
Nỗi lo sạt lở mùa mưa
Tiềm năng nuôi và chế biến thủy sản
Cửu vạn non cao
Từ ngày 1/6, triển khai chiến dịch bổ sung Vitamin A cho trẻ
An Giang quyết liệt ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại
Đa dạng hoạt động chăm lo cho đoàn viên
Tịnh Biên phát triển sản phẩm OCOP
Trầm tích văn hóa - Động lực phát triển
Chuyện tử tế nơi công cộng