Viện Văn học - 65 năm xây dựng, phát triển và đổi mới

26/11/2018 08:19

Trải qua hành trình 65 năm xây dựng và phát triển, Viện Văn học đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao; không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Ngày 25/11, tại Hà Nội, Viện Văn học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức kỷ niệm 65 ngày thành lập (1953 – 2018).

Tham dự buổi lễ có: PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, đại diện một số cơ quan liên quan.

 
 

Lễ kỷ niệm 65 năm thành lập Viện văn học

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Viện trưởng Viện Văn học, PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp cho biết, tiền thân của Viện Văn học là Tổ Văn trong Ban nghiên cứu lịch sử, địa lý, văn học (sau đổi thành Ban Văn Sử Địa), do Ban Bí thư Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ra quyết định thành lập ngày 2/12/1953, tại chiến khu Việt Bắc. Ngày 6/2/1960, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 038-TTg thành lập Viện Văn học trực thuộc Uỷ ban Khoa học Nhà nước.

Trải qua hành trình 65 năm xây dựng và phát triển, Viện Văn học đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao; không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Viện Văn học đã khẳng định được vị thế là trung tâm nghiên cứu văn học hàng đầu của đất nước; tích cực hợp tác, trao đổi khoa học với các trung tâm học thuật trong khu vực và trên thế giới có thể sánh vai với những trung tâm nghiên cứu văn học của nhiều quốc gia trong khu vực.

Trong giai đoạn đổi mới và hội nhập quốc tế, phát huy các thành tựu đã đạt được, Viện Văn học đã và đang hoàn thiện các nghiên cứu trọng điểm như biên soạn các bộ “Lịch sử văn học Việt Nam”, nghiên cứu liên ngành , tiếp cận văn học từ góc nhìn văn hóa; phát triển các khu vực nghiên cứu: nghiên cứu văn học dân gian Việt Nam, nghiên cứu văn học Việt Nam cổ - trung đại, nghiên cứu văn học Việt Nam cận - hiện đại, nghiên cứu lý luận văn học…

Viện Văn học cũng đặc biệt chú ý công tác đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho các thế hệ nghiên cứu qua các thời kỳ; đẩy mạnh liên kết, hợp tác đào tạo và nghiên cứu khoa học với các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu trong và ngoài nước; chú trọng giới thiệu những tinh hoa của văn hóa nhân loại, từ đó tiếp thu có chọn lọc những giá trị quý báu của các nền văn học lớn trên thế giới.

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đề nghị, Viện cần phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, lực lượng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xây dựng và khẳng định các giá trị to lớn của văn hóa, văn học nước nhà, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

GS.TS Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, thời gian tới, Viện cần tiếp tục trao đổi thông tin khoa học với các cơ quan trong nước và nước ngoài, xây dựng và quản lý thông tin, tư liệu của Viện; xuất bản các ấn phẩm khoa học; phổ biến các kết quả nghiên cứu và phê bình văn học; truyền bá tri thức văn học, hướng dẫn dư luận công chúng văn học, cung cấp những luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối phát triển đất nước nói chung và văn học, nghệ thuật nói riêng.

Trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm đã diễn ra hội thảo khoa học nhằm đánh giá những thành tựu và hạn chế trong chặng đường xây dựng, phát triển và đổi mới qua 65 năm của Viện Văn học./.

Nguồn dangcongsan.vn

Viết bình luận mới