Triển lãm kết nối đền tháp Champa Nam Trung Bộ

24/11/2018 15:24

Nhân Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam, chiều 23/11, Sở VH&TT TP. Đà Nẵng phối hợp cùng Sở VH&TT tỉnh Bình Định tổ chức triển lãm kết nối đền tháp Champa Nam Trung Bộ và trưng bày gốm Champa Bình Định.

Khách tham quan triển lãm. Ảnh: VGP/Minh Trang

Bộ ảnh kết nối đền tháp Champa Nam Trung Bộ do Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng phối hợp với nhà khảo cổ Hồ Xuân Tịnh sưu tầm và thực hiện.

Triển lãm giới thiệu 120 bức ảnh dưới nhiều góc nhìn về các đền tháp Champa vùng duyên hải Nam Trung Bộ Việt Nam. 

Các đền tháp Champa trên dải đất miền Trung và Tây Nguyên là những di sản văn hóa có giá trị đặc sắc về lịch sử, nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc. Trải qua nhiều thế kỷ, lại chịu tác động của thiên nhiên khắc nghiệt nên nhiều công trình đã trở thành phế tích. Số lượng các đền tháp Champa còn lại cho đến ngày nay chỉ là một phần trong tổng thể các kiến trúc Champa đã được xây dựng trong lịch sử.

Tại cuộc trưng bày gốm Champa Bình Định, các nhà tổ chức trưng bày 80 hiện vật với 3 loại hình cơ bản: Gốm trang trí kiến trúc, gốm trang trí kiến trúc đền tháp và gốm gia dụng tráng men khai quật trong các khu lò gốm cổ Champa Bình Định.

Trong số này, hiện vật có niên đại sớm nhất là bộ sưu tập gốm đất nung trang trí kiến trúc, ngói âm dương, đầu ngói ống khai quật tại di tích Thành Cha (niên đại thế kỷ IV-VI); bộ sưu tập phù điêu gốm đất nung trang trí kiến trúc đền tháp như voi, sư tử, kala, tai lửa (niên đại thế kỷ XII), khai quật tại phế tích Lai Nghi, tháp Bánh Ít. Hiện vật có niên đại muộn nhất là bộ sưu tập gốm tráng men độc đáo đã từng xuất hiện trên thị trường thế giới trong giai đoạn thế kỷ XIV-XV. 

Bình Định là vùng đất gắn liền với lịch sử của Vương quốc Champa thời kỳ Vijaya. Từ thế kỷ XI đến thế kỷ XV, nơi đây là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của Vương quốc Champa ở miền Trung Việt Nam.

Hệ thống di sản văn hóa Champa ở Bình Định rất phong phú, đa dạng gồm: Thành lũy, đền tháp, cảng thị và cảc khu sản xuất gốm.

Với vị trí là trung tâm chính trị, từ thế kỷ XI đến thế kỷ XV, Vương triều Vijaya đã cho xây dựng tại Bình Định nhiều tòa tháp gạch có quy mô to lớn, theo thống kê, hiện còn 14 tòa tháp với 8 khu và 26 phế tích. 

Sau những đợt sưu tầm, khai quật khảo cổ học tại các di tích, các di chỉ đã đưa về Bảo tàng Bình Định với số lượng hiện vật tương đối lớn, hình thành nhiều bộ sưu tập, trong đó bộ sưu tập gốm Champa là loại hình độc đáo, có những tiêu bản đặc trưng riêng biệt lần đầu tiên phát hiện tại Bình Định. 

a

Viết bình luận mới