Tình cảm sắt son của Khu 5 với Bác Hồ

19/05/2020 14:14

“Bác nhớ miền Nam, nỗi nhớ nhà. Miền Nam mong Bác, nỗi mong cha”, 2 câu thơ trong bài thơ “Bác ơi!” của Tố Hữu đã nói lên được tình cảm sâu nặng, niềm day dứt khôn nguôi của Bác Hồ và nhân dân miền Nam.

Bảo tàng Hồ Chí Minh-chi nhánh Quân khu 5, nằm tại số 3 Duy Tân (TP. Đà Nẵng). Ảnh: VGP/Minh Trang

Nhân dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi về thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh-chi nhánh Quân khu 5, nơi có Nhà sàn Bác Hồ và lưu giữ những tư liệu, kỷ vật quý về Bác Hồ của nhân dân Khu 5 trong những năm tháng chiến tranh. Nơi đây, mỗi kỷ vật đều mang một câu chuyện thấm đẫm niềm kính yêu son sắt của nhân dân miền Nam nói chung và Khu 5 nói riêng đối với Người.

Nhà sàn Bác Hồ tại Khu 5

Sinh thời, Bác Hồ có một nguyện vọng tha thiết là vào thăm miền Nam, qua đó sẽ ghé thăm đồng bào Khu 5, thế nhưng trong những năm tháng Bác còn sống, tình hình đất nước ta chiến tranh rất ác liệt, hai miền Nam, Bắc bị chia cắt, máy bay Mỹ ngày đêm bắn phá Hà Nội, cộng với sức khỏe của Bác ngày một yếu, cho nên các đồng chí trong Bộ Chính trị chưa sắp xếp được thời gian để Bác vào thăm miền Nam.

Đối với đồng bào miền Nam nói chung và đồng bào Khu 5 nói riêng, lòng nhân dân luôn hướng về Đảng, về Bác Hồ kính yêu, ước nguyện của người dân Khu 5 là mong đến ngày thống nhất đất nước để đón Bác vào thăm. Thế nhưng năm 1975, ngày đất nước hoàn toàn giải phóng đã đến, Nam Bắc sum họp một nhà, Bác Hồ không còn nữa, Khu 5 chưa một lần được đón Bác vào thăm, nỗi nhớ Bác của người dân Khu 5 càng thêm da diết.

Xuất phát từ tình cảm đó, các đồng chí lãnh đạo Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã xin phép Bộ Chính trị được xây dựng một mô hình Nhà sàn Bác Hồ tại TP. Đà Nẵng. Sở dĩ có mô hình nhà sàn này là để đáp ứng phần nào tình cảm, tấm lòng của người dân Khu 5 đối với Bác, đồng thời thể theo nguyện vọng của đồng bào miền Nam nói chung và Khu 5 nói riêng, ai không có điều kiện ra thăm nơi ở và làm việc của Bác ở Thủ đô Hà Nội thì có thể tới đây, được tận mắt nhìn thấy ngôi nhà sàn mà Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã sống và làm việc ở Hà Nội.

Được sự nhất trí của Bộ Chính trị, ngày 12/9/1976, khu mô hình Nhà sàn Bác Hồ tại Đà Nẵng được khởi công xây dựng, đến ngày 17/5/1977 được khánh thành và bắt đầu đón khách tham quan.

 

Nhà sàn Bác Hồ được phục dựng theo tỉ lệ 1/1, bên ngoài là hàng cây, ao cá... đều giống với Nhà sàn Bác Hồ tại Hà Nội. Ảnh: VGP/Minh Trang

Khu mô hình Nhà sàn Bác Hồ được làm lại theo tỉ lệ 1:1 giống như Nhà sàn Bác Hồ tại Thủ đô Hà Nội. Tất cả các hiện vật ở mô hình nhà sàn như chiếc nón sắt, điện thoại, radio, sách báo... đều được phục chế giống như nguyên mẫu nhà sàn của Bác ở Hà Nội.

Là người trực tiếp hướng dẫn và thuyết minh cho khách tham quan tại Nhà sàn Bác Hồ, Trung úy Nguyễn Vũ Hoài Linh chia sẻ: “Nhiều khách tham quan, nhất là các cô chú cựu chiến binh, các em học sinh xúc động không cầm được nước mắt khi đến đây tham quan, tìm hiểu... Đến đây và cảm nhận, tất cả mọi người càng thêm yêu con người và nhân phẩm cao đẹp của Người”.

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: “Cái nhà sàn của Bác đơn sơ vỏn vẹn chỉ có vài phòng trong lúc tâm hồn của Bác lộng gió thời đại, thì cái nhà nho nhỏ đó cũng luôn lộng gió và ánh sáng, phảng phất hương thơm của hoa vườn. Một đời sống như vậy thật thanh bạch và tao nhã biết bao".

Khu trưng bày những tư liệu, hình ảnh, kỷ vật quý giá của nhân dân Khu 5 đối với Bác Hồ. Ảnh: VGP/Minh Trang

Những kỷ vật vô giá

Trong khu trưng bày của Bảo tàng Hồ Chí Minh-chi nhánh Quân khu 5, mỗi hiện vật đều mang một câu chuyện xúc động, thể hiện lòng kính yêu của mỗi người con Khu 5 đối với vị lãnh tụ vĩ đại, như câu chuyện về tấm ảnh Bác Hồ được giấu trong ống tre của bà Đặng Thị Kiểm và chiếc khăn của đồng chí Trần Thị Kim Cúc.

Bà Đặng Thị Kiểm là cơ sở cách mạng ở xã Kỳ Xuân (nay là Tam Giang, Núi Thành, Quảng Nam). Tháng 2/1965, con trai bà là anh Nguyễn Như Lâm là xã đội trưởng Kỳ Xuân lên chiến khu tham gia khóa học 20 ngày về cách đánh Mỹ. Kết thúc khóa học, với kết quả xuất sắc, anh được cấp trên tặng thưởng tấm ảnh Bác Hồ. Anh đem ảnh này về trao lại cho mẹ mình là bà Kiểm cất giữ. Thời ấy, tai mắt địch khắp nơi, đồn Kỳ Xuân cũng sát bên cạnh, nếu lộ ra thì khó mà bảo đảm an toàn tính mạng. Sau khi suy nghĩ, bà Kiểm nảy ra ý tưởng cuốn bức hình vào trong một đoạn ống tre và đậy kỹ lại. Bà làm một mình trong đêm, sau đó mới báo cho chồng con biết.
Tấm ảnh Bác Hồ và ống tre của bà Đặng Thị Kiểm. Ảnh: VGP/Minh Trang

Có lần, nghi ngờ gia đình nuôi giấu cách mạng, bọn địch cho quân càn quét, lục soát rất kỹ và phát hiện 3 căn hầm bí mật trong nhà và ngoài vườn, cũng may cán bộ đã được đưa đi nơi khác. Giặc bắt vợ chồng bà xuống Kỳ Hải tra tấn dã man, chồng bà hy sinh. Chúng phá nhà cửa tan hoang, chum sành đựng gạo khoai thì đập nát, nồi đồng dùng súng bắn lủng để không nấu được. Tấm phên nhà bếp bị giật tung, các ống tre rơi xuống đất, chúng lấy chân đá qua lại vì nghĩ rằng đây là đồ dùng đựng hạt giống rau quả mà người dân trong xóm vẫn hay cất giữ. Địch đi khỏi, con bà lấy ống tre chôn cất trong vườn. Sau này bà được thả về, dựng lại nhà, các ống tre lại được đặt trên gác bếp. Bà tiếp tục cất giấu ống tre trong suốt khoảng thời gian chiến tranh ác liệt đó.

Ngày 24/3/1975, Kỳ Xuân được giải phóng, Ủy ban tự quản được thành lập và ra mắt nhân dân tại trường Hòa An. Khi nghe các anh tiếc rẻ là không có ảnh Bác Hồ treo cho trang trọng, bà Kiểm đã rút trong ống tre ra tấm ảnh Bác Hồ và đưa cho anh Nguyễn Đình Nam là cán bộ binh vận của Khu 5 mượn để làm lễ. Năm 1983, đoàn công tác Bảo tàng Khu 5 khi nghe câu chuyện cảm động đã đến vận động bà Kiểm tặng cho bảo tàng, bà đã vui lòng trao lại từ đó đến nay.

Ngoài tấm ảnh của Bác Hồ, chúng tôi còn được nghe kể câu chuyện về chiếc khăn quàng cổ của bà Trần Thị Kim Cúc. Bà Trần Thị Kim Cúc nguyên là Đội trưởng Đội công tác biệt động thành Đà Nẵng, người đã 7 lần được gặp Bác Hồ. Do bị địch bắt và tra tấn dã man, để bảo đảm sức khoẻ, ngày 10/6/1966, bà được Trung ương Đảng cho qua Bắc Kinh - Trung Quốc điều trị. Sau hơn 18 tháng chữa bệnh ở nước ngoài ngày 27/1/1967, bà Trần Thị Kim Cúc về nước và được thăm Bác.

Đó là vào buổi chiều cuối năm 1967, lái xe của Bác đón và đưa bà Trần Thị Kim Cúc vào tận nhà sàn. Bác quan tâm thăm hỏi, dặn dò những điều nhỏ nhặt nhất rồi lấy chiếc khăn đang quàng trên cổ của mình quàng vào cổ của Trần Thị Kim Cúc. 

Chiếc khăn quàng cổ của bà Trần Thị Kim Cúc. Ảnh: VGP/Minh Trang

 

Bà Trần Thị Kim Cúc đã giữ chiếc khăn suốt từ năm 1967 như một báu vật không thể xa rời cho đến khi trao tặng lại cho Bảo tàng Hồ Chí Minh-chi nhánh Quân khu 5 làm hiện vật trưng bày.

Bảo tàng Hồ Chí Minh không chỉ là nơi người dân, du khách được tìm hiểu về con người, sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn giúp các thế hệ sau có cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc đấu tranh của nhân dân Đà Nẵng trong quá trình bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như tình cảm của nhân dân nơi này dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Minh Trang

Nguồn chinhphu.vn

Viết bình luận mới