Phát hiện ‘tài liệu’ về quần thể Yên Tử trình UNESCO

17/01/2021 07:59

Cuộc thăm dò, khai quật tại Di tích chùa Ngũ Đài (tỉnh Hải Dương) cung cấp cứ liệu khoa học, đảm bảo tính chân xác, toàn vẹn để phục vụ cho việc xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử tại 3 tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương và Bắc Giang là Di sản văn hóa thế giới.

 Nhiều di vật quan trọng được tìm thấy tại khu khai quật. Ảnh TTXVN

 

Theo lý lịch di tích và truyền tụng trong dân gian, chùa Ngũ Đài (Kim Quang tự) nằm ở chân núi Đống Thóc, thuộc khu vực Ngũ Đài Sơn, phường Hoàng Tiến, thành phố Chí Linh do Thiền phái Trúc Lâm xây dựng dưới triều vua Trần Minh Tông (năm 1320) và trùng tu vào các thời Lê, Nguyễn, đã có một thời kỳ phát triển rực rỡ với quy mô nguy nga, tráng lệ.

Trong hơn 1 năm qua, được sự đồng ý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương đã phối hợp thăm dò và khai quật tại Di tích chùa Ngũ Đài với diện tích hơn 1.200 m2.

Kết quả, các cơ quan trên đã xác định được 4 lớp kiến trúc thuộc 4 giai đoạn xây dựng, trùng tu và biến đổi của di tích. Qua đó đã xác định được mặt bằng, quy mô, kết cấu của chùa Ngũ Đài qua các giai đoạn lịch sử, kéo dài từ đầu thế kỷ 14 (thời Trần) đến đầu thế kỷ 20 (thời Nguyễn).

Kết quả khai quật cũng đã thu được một khối lượng lớn các vật liệu kiến trúc và đồ thờ tự, đồ sinh hoạt, góp phần bổ sung cho việc nghiên cứu và giám định niên đại của di tích qua các thời kỳ lịch sử, giúp ích cho quá trình nhận thức và định hướng nghiên cứu, quy hoạch trong di tích thời gian tới.

Đoàn khai quật cũng đã mở rộng khảo sát và thám sát ở các khu vực xung quanh và đã phát hiện nhiều địa điểm có dấu tích của các công trình kiến trúc chùa, tháp có niên đại từ thời Trần đến thời Nguyễn phân bố khắp tại các khu vực núi Đống Thóc, Bát Hương, dãy Hang Khánh, khe Hang Mẳn…, tạo thành một quần thể chùa Phật rộng lớn, có mối quan hệ khăng khít với nhau.

Kết quả khai quật cũng cho thấy vào thời Trần, chùa Ngũ Đài là một trong những ngôi chùa thuộc Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm và có mối liên hệ mật thiết với hệ thống chùa ở Yên Tử, Quỳnh Lâm, Ngọa Vân (Quảng Ninh) cũng như Thanh Mai, Côn Sơn (Hải Dương) và Vĩnh Nghiêm, Mã Yên, Am Vãi, Khám Lạng (Bắc Giang), tạo thành một vùng “tam giác Phật Giáo Trúc Lâm Yên Tử” phát triển rực rỡ.

Đây là những thông tin quan trọng, giúp ích cho quá trình tìm hiểu, nghiên cứu về không gian phân bố của hệ thống di tích chùa, tháp Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử cũng như các vấn đề về an ninh quốc phòng của quốc gia Đại Việt thời Trần. Từ đó cung cấp cứ liệu khoa học, đảm bảo tính chân xác, toàn vẹn để phục vụ cho việc xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử tại 3 tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương và Bắc Giang là Di sản văn hóa thế giới.
 

NT
Nguồn chinhphu.vn
Viết bình luận mới