Nhân Ngày Sách Việt Nam, nghĩ về văn hóa đọc

20/04/2019 13:46

Thế kỉ XXI dường như đang chứng kiến… sự suy tàn của văn hóa đọc khi mà Internet đang chiếm vai trò bá chủ. Có lẽ vì thế mà không ít người bắt đầu lo ngại về sự lấn sân của truyền thông đa phương tiện với việc đọc những con chữ in trong từng trang sách…

Tỷ phú Bill Gate và 5 cuốn sách yêu thích của ông trong năm 2017. Nguồn: VOA

 

Nhưng thật may là đã có 2 nhân vật nổi tiếng của thế giới hiện đại xuất hiện và họ góp phần cổ xúy mạnh mẽ cho việc đọc. 

Hai người ấy là Bill Gates và Joane Kathreen Rowling.

Bốn lời khuyên của Bill Gate

Hẳn là tất cả mọi người trên thế giới đều biết tới “hai ông Bill” nổi tiếng của nước Mỹ: Bill Clinton (Tổng thống từ 1992-2000) và Bill Gates (người sáng lập Tập đoàn Microsoft lừng lẫy).

Tuy nhiên, càng ngày Bill Gates càng được người ta biết đến nhiều hơn bởi công nghệ thông tin đã trở nên vô cùng thiết yếu với nhân loại và phần mềm Windows đã được cài đặt cho hơn 4 tỷ máy tính cá nhân trên thế giới.

Có người còn nói vui rằng nếu đang đi dạo mà bất chợt trông thấy tờ 100 USD rơi trên đường, Bill Gates sẽ không “bõ công” nhặt làm gì. Bởi thời gian để cúi xuống, lượm tờ bạc cho vào túi phải mất ít nhất 4 giây. Trong khi mỗi một tích tắc trôi qua, tài sản của Microsoft tăng lên 500 USD.

Nhưng Bill là một người thực tế và rất tiết kiệm. Trong chuyến thăm Việt Nam (4/2006), ông đã chân thành khuyên các bạn sinh viên Việt Nam 4 điều mà ông tâm đắc: 1. Good relax (thư giãn cho tốt); 2. Use computer and connect Internet (hãy sử dụng máy vi tính và kết nối với Internet); 3. Pursue something you enjoy doing (hãy theo đuổi đến cùng công việc bạn thích) và 4. Reading is a critical skill (đọc là kỹ năng quyết định).

Đọc là kỹ năng quyết định. Đó là một lời khuyên hay đúng hơn, là một bí quyết mà Bill Gates muốn ta nắm lấy. Đọc là nhu cầu, nhưng cũng là kỹ năng quan trọng nhất để chúng ta tiếp cận và thẩm thấu tri thức. Không có ai, dù là thiên tài, lại có thể biết tất cả mọi điều như V.I Lenin từng nói “Không có sách thì không có tri thức”.

Sách vở chính là nguồn tài nguyên chất xám vô tận để chúng ta học hỏi, trưởng thành và biến ta trở thành người khổng lồ (Người khổng lồ là người biết đứng trên vai người khác - I. Newton). Với Bill Gate, điều này đã được chứng thực. Dù chưa tốt nghiệp đại học (ông bỏ học giữa chừng), nhưng sự ham đọc, ham học hỏi, ham hiểu biết đã biến bộ óc của ông có một sức mạnh thần kỳ. Ngôi nhà thông minh do Bill Gates thiết kế cho phép ông đọc ngay cả khi ngồi trong nhà vệ sinh hay ngâm mình trong bồn tắm.

Với Bill Gates, đọc có thể là một hình phạt khổ sai (nếu không thích, không ham) hoặc là một trò giải trí tuyệt vời (nếu say mê và đọc có phương pháp).

 

Joane Kathreen Rowling. Nguồn: Wikipedia

Joane Kathreen Rowling làm “rung chuyển thế giới” bằng sách

Joane Kathreen Rowling, nhà văn người Anh, người đã viết bộ “Harry Potter” và bộ sách này đã trở thành sự kiện lớn nhất của văn hóa đọc trên toàn thế giới từ cuối thập kỷ 90 thế kỷ XX và thập kỷ đầu tiên thế kỷ XXI.

Harry Potter ra đời năm 1997 (Tập 1: Harry Potter và Hòn đá phù thủy) và kết thúc cuộc phiêu lưu của mình vào năm 2007 (Tập 7: Harry Potter và Bảo bối tử thần).

Bộ sách đã trở thành một sự kiện lớn nhất của văn hóa đọc trên thế giới khi nó được dịch ra 120 thứ tiếng và có tới 330 triệu bản đã được ấn hành trên toàn cầu (tính đến 30/7/2007).

Nhưng trong khi hàng tỷ người say sưa ngây ngất thì bộ sách cũng có một làn sóng phản đối khá mạnh mẽ.

Không kể những quan điểm mang tính tôn giáo, ngay một số học giả cũng lên tiếng “bài xích” bộ sách này. Một vị giám đốc thư viện ở Đại học Illinois (Mỹ) còn thẳng thừng tuyên bố “Harry Potter ư? Nó này chỉ xứng đáng ném vào sọt rác. Thư viện chúng tôi không nhập những loại sách vớ vẩn như vậy”. Rồi cũng có không ít ông bố bà mẹ cấm con cái làm quen với nhân vật đeo kính cận đầy ma thuật kia vì cho là “nhảm nhí, mê hoặc trẻ con bằng những trò vô bổ”...

Nhưng bất chấp, càng ngày Harry Potter càng cuốn hút tất cả mọi người, nhất là giới trẻ. Cốt truyện li kì, trí tưởng tượng siêu việt và sự hồn nhiên, giàu lòng trắc ẩn của nhân vật “phù thủy” được thể hiện bằng một lối kể hết sức đặc sắc đã làm mê mẩn người đọc.

Nhiều tình tiết trong cuốn truyện đã khiến bao trẻ em bị hút hồn, nhiều đứa trẻ nhịn ăn, nhịn chơi để đọc... Rồi hàng ngàn người xếp hàng dài để chờ đón tập sách kế tiếp về Harry Potter…

Có thể nói chẳng có bộ tiểu thuyết nào lôi cuốn người ta đọc nhanh khủng khiếp như Harry Porter. Người Đức đã kịp dịch tập 7 trong vòng 48 tiếng đồng hồ (kể từ 7h ngày 20/7/2007 giờ GMT) để phục vụ độc giả. Người Mỹ mua hết veo 12 triệu cuốn tập 7. Ngay cả thiếu nhi Trung Quốc cũng say đọc Harry Potter hơn cả Tây Du Ký… Chưa hết, nhiều lĩnh vực... ăn theo Harry Potter như sách, băng đĩa, phim ảnh cũng đều hút khách.

Rõ ràng, Harry Potter lôi cuốn vì có tư tưởng giàu tính nhân văn. Nó mở cho người ta trí tưởng tượng và sự bay bổng diệu kỳ. Mà trí tưởng tượng, theo nhà bác học A. Einstein, còn quan trọng hơn cả tri thức.

Harry Potter ra đời, lại được chính công nghệ tin học hỗ trợ trong xu hướng toàn cầu hóa, đã làm hồi sinh văn hóa đọc đang đứng trước nguy cơ mai một.

Như vậy có thể thấy hai nhân vật sống rất gần nhau (J. K. Rowling sinh 1965, kém Bill Gates đúng 10 tuổi) đã góp phần không nhỏ trong việc khẳng định vai trò và vị thế của văn hóa đọc thời hiện đại.

Điều đó cũng cho thấy loài người vẫn thích đọc và ham đọc nhưng  vấn đề là ở chỗ các nhà viết sách, truyền bá sách phải cung cấp cho người đọc hôm nay những “món ăn” hợp với khẩu vị của họ.

Điều đó có thể là rất khó nhưng không phải không làm được!

Nguồn chinhphu.vn

Viết bình luận mới