Mái nhà chung của tuổi hai mươi

26/07/2021 11:19

Những ngày tháng 7 năm 2021, bên dòng sông Long Đại hiền hòa chảy về với biển, chúng tôi đến Nghĩa trang Liệt sĩ Thanh niên xung phong (TNXP) xã Vạn Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) kính cẩn thắp nén hương thơm viếng hương hồn các liệt sĩ đang an nghỉ tại đây, trong sự biết ơn vô bờ bến, chúng tôi được cựu chiến binh (CCB) Trần Sáng Tỏ, Quản trang kể cho nghe nhiều câu chuyện về sự hy sinh anh dũng của thế hệ TNXP trên mảnh đất Quảng Bình những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

 Cựu chiến binh Trần Sáng Tỏ thắp hương, chăm sóc các phần mộ tại Nghĩa trang TNXP xã Vạn Ninh, Quảng Ninh (Quảng Bình)

Có gần 15 năm làm Quản trang ở Nghĩa trang TNXP xã Vạn Ninh nên CCB Trần Sáng Tỏ biết rõ tên tuổi, quê quán của từng liệt sĩ an táng ở đây. Với giọng nói trầm nhẹ, bác Tỏ cho biết: “Nghĩa trang TNXP Vạn Ninh là nơi yên nghỉ của 258 liệt sĩ TNXP hy sinh trong lúc tham gia mở đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh, các anh, các chị là những người con ưu tú các tỉnh Hà Nam, Thái Bình, Hải Dương, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Phần lớn liệt sĩ ở đây ngã xuống khi tuổi còn rất trẻ. Chia tay gia đình, người thân lên đường ra trận theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Nhưng khi kết thúc chiến tranh, các anh, các chị không quay trở về nhà mà mãi mãi yên nghỉ ở nơi này”.

… Tuổi mười tám, đôi mươi của các anh, các chị được ghi trên những tấm bia mộ, làm tôi xúc động khôn nguôi. Bằng tuổi các anh, các chị ngày ấy, thế hệ chúng tôi được vô tư rong ruổi bao ước mơ nơi giảng đường. Vậy mà các anh, các chị đã đem tuổi xuân ấy đi thắp xanh cả vòm trời đất Việt, nối dài những dải bình yên Tổ quốc. Nhiều người trước khi hy sinh chưa từng nắm tay hay một lần hò hẹn với người mình thầm thương, trộm nhớ.

Dừng chân trước mộ liệt sĩ TNXP Hồ Hữu Quế, quê ở xã Sơn Hàm, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) chúng tôi được biết: Rời quê hương tham gia phục vụ chiến đấu và chiến đấu tại chiến trường Quảng Bình khi tuổi đời còn trẻ. Với nguyện ước cống hiến sức mình cho Tổ quốc thân yêu. Thế nhưng, ngày 10/6/1972 khi đang cùng đồng đội mở đường cho xe đi qua thì không may trúng bom của địch khiến anh và nhiều đồng đội hy sinh. Mãi sau này với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, đồng đội và gia đình, hài cốt Liệt sĩ Hồ Hữu Quế được quy tập về Nghĩa trang TNXP Vạn Ninh và yên nghỉ nơi đây.

Nghĩa trang TNXP xã Vạn Ninh còn có nhiều Liệt sĩ đươc quy tập về đây, nhưng nhiều lý do khác nhau mà một số mộ liệt sĩ “vẫn chưa biết tên” hoặc chưa tìm thấy gia đình, quê hương…

Cũng giống như Liệt sĩ Hồ Hữu Quế, ở nghĩa trang TNXP xã Vạn Ninh còn có nhiều Liệt sĩ đươc quy tập về đây, nhưng nhiều lý do khác nhau mà một số mộ liệt sĩ “vẫn chưa biết tên” hoặc chưa tìm thấy gia đình, quê hương… các anh, các chị được về yên nghỉ tại đây để hòa vào mảnh đất đã từng cưu mang mình trong những năm chiến tranh thật là điều đáng quý và thiêng liêng.

Theo dòng ký ức, câu chuyện về nghĩa trang, về các Liệt sĩ TNXP Vạn Ninh chúng tôi được biết: Ngày 23/04/1967, Ban Xây dựng 67 (thuộc Bộ Giao thông vận tải) được thành lập nhằm đáp ứng những yêu cầu mới trên tuyến đường Trường Sơn chi viện cho chiến trường miền Nam. Các anh, các chị là những người ở nhiều tỉnh thành khác nhau, nhiều quân chủng hợp thành như các Đội TNXP 23, 25, 15, Đội TNXP 34, 44 của Binh trạm 16... Trên tuyến đường qua tỉnh Quảng Bình nhiều nơi trở thành “túi bom”, “tọa độ lửa” đánh phá của đế quốc Mỹ. Nhưng với quyết tâm “Tim có thể ngừng đập, nhưng đường không thể tắc”, “Sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, lực lượng TNXP thuộc Ban Xây dựng 67 đã anh dũng chiến đấu, vừa bạt núi, mở đường, thông tuyến cho hàng chục ngàn chuyến xe qua, nối liền hậu phương với tiền tuyến… Qua 8 năm chiến đấu dưới bom đạn đã có 1.088 chiến sĩ hy sinh, 3.200 người bị thương.

Để tưởng nhớ sự hy sinh to lớn của các liệt sĩ TNXP, sau ngày thống nhất đất nước, các thế hệ lãnh đạo của Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5 ngày nay (tiền thân là Ban Xây dựng 67) đã cùng với các cấp, các ngành trong cả nước tìm kiếm, quy tập các liệt sĩ về tại các nghĩa trang. Riêng tỉnh Quảng Bình, các liệt sỹ thuộc Ban xây dựng 67 được quy tập về an nghỉ tại ba nghĩa trang gồm: Tân Ấp (Tuyên Hóa), Thọ Lộc (Bố Trạch) và Vạn Ninh (Quảng Ninh). Hiện nay, ba nghĩa trang đã được xếp hạng Nghĩa trang liệt sĩ cấp tỉnh. Đây là những công trình thể hiện lòng biết ơn, sự tôn vinh, tri ân đối với những người con đã không tiếc máu xương cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện nay tiếp nối đạo lý, truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 5 đang tiếp tục phối hợp với nhiều cơ quan chức năng, tiến hành quy tập các hài cốt liệt sĩ TNXP đang nằm lại ở chiến trường về các nghĩa trang trên địa bàn. Đó là một sự tri ân với những hy sinh của các thế hệ cán bộ, nhân viên tổng công ty trong kháng chiến chống Mỹ. Cùng với đó, phối hợp với cấp ủy, chính quyền và các chính trị, xã hội ở địa phương chung sức đồng lòng nâng cấp các nghĩa trang TNXP, chăm sóc các phần mộ chu đáo; thường xuyên tổ chức cho cán bộ, nhân viên và thế hệ trẻ hành trình về các “địa chỉ đỏ”, nghĩa trang TNXP có cán bộ, nhân viên tổng công ty hy sinh để giáo dục truyền thống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng…”.

Trong cái nắng miền Trung như đổ lửa xuống mảnh đất Quảng Bình, nhìn những ngôi mộ thẳng hàng cùng hướng về tượng đài Tổ quốc ghi công. Dưới những tán cây xanh, tượng trưng cho những cánh rừng đã che chở các anh, các chị năm xưa khiến ai có mặt ở đây cũng yên lòng. Bởi sau bao nhiêu năm nằm lại trên những cung đường ác liệt do chiến tranh gây ra hôm nay những người con ưu tú của quê hương đã được quy tập về “mái nhà chung” để được bên những đồng đội của mình. Những hàng cây nơi nghĩa trang đang tỏa bóng mát, đơm bông, kết trái tỏa hương thơm hát ru các anh, các chị yên giấc ngủ./. 

 
Bài, ảnh: Võ Đông
Nguồn dangcongsan.vn
Viết bình luận mới