Làng nghề ở “đệ nhất cù lao” Nam Bộ

08/10/2018 15:39

Lặng lẽ giữa dòng Cửu Long, cù lao Giêng (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) hiện lên trên bản đồ dòng chảy như con tàu xanh um, chở đầy những giá trị văn hóa đậm đà. Có lẽ vậy mà từ rất lâu rồi, vùng đất bốn bề là sông, ngó đâu cũng thấy kênh rạch này được mệnh danh là “đệ nhất cù lao” của vùng Nam Bộ. Và cũng từ lâu, ở đó hình thành một làng nghề đóng xuồng nức tiếng...


Những chiếc xuồng gỗ là phương tiện mưu sinh của người nông dân mùa nước nổi. Ảnh: NGUYỄN CÔNG TOẠI

Làng nghề trăm tuổi

Cũng chính ở không gian trù phú ấy, “từ độ mang gươm đi mở cõi”, những lớp cư dân khẩn hoang đã biết tìm ra cách thích ứng với thiên nhiên, đúc kết kinh nghiệm đi lại trên sông rạch, sống chung với lũ. Xuồng cui, vỏ lãi, tắc ráng, ghe chày… dần dần ra đời, tham gia vào việc giao thương và hình thành nên một làng nghề truyền thống, nổi tiếng khắp vùng sông nước. Ngày nay, nhắc đến làng nghề đóng xuồng ở cù lao Giêng, dân sống bằng nghề sông nước ở đồng bằng sông Cửu Long và cả vùng ven biên giới phía đất bạn Cam-pu-chia đều tấm tắc khen ngợi và nể phục kỹ thuật đóng xuồng nơi đây: bền chắc, chay trét kín lường và uốn be vừa khít...

Để có danh tiếng vang xa như vậy, làng nghề đóng xuồng ở cù lao Giêng đã trải qua quá trình hơn 100 năm hình thành và phát triển với những thăng trầm. Ông Phạm Văn Hùng (ấp Tây Thượng, xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới) được xem là “già làng” của nghề đóng xuồng cho biết, gia đình ông có hơn năm đời theo nghề. Từ lúc 16 tuổi, ông bắt đầu học đóng xuồng, tính đến nay đã ngót gần 70 năm. Ông Hùng chia sẻ: “Thợ đóng xuồng ở đây không có tính giấu nghề, sẵn sàng dạy cho bất cứ ai muốn học, không lấy học phí, vừa học vừa làm thí công. Một số chủ trại tâm huyết, ngoài dạy không công còn lo cho chỗ ở và cơm nước. Nếu sáng dạ thì học chừng 4 - 6 tháng sẽ rành rẽ việc đóng xuồng, học thêm nữa thì sẽ đóng được các loại tàu ghe lớn hơn”.

Nói về nghề, “già làng” phấn khởi kể rành mạch từng công đoạn. Những công thức bất thành văn ấy đã ăn sâu vào ông, thành bài giảng truyền đạt cho hơn trăm đứa học trò thành thợ. Để làm ra một chiếc xuồng phải trải qua nhiều công đoạn như: chọn gỗ, xẻ gỗ, phơi gỗ. Sau đó tạo be, uốn và định hình be. Tiếp tục tạo bửng, ráp be, đóng chốt, đóng bửng và chán. Sau đó thực hiện khâu cuối cùng là trét dầu chai cho xuồng, đến đây thì được một chiếc xuồng thành phẩm.

Tuy nhiên, để đạt độ tinh xảo và bền chắc, những người thợ có những bí quyết riêng, được đúc kết và truyền lại từ nhiều đời. Yếu tố đầu tiên là ở chất liệu gỗ, phần lớn ghe, xuồng được làm bằng gỗ sao lâu năm, một loại gỗ có khả năng bền chắc và chịu nước. Gỗ sao được chọn kỹ lưỡng, ngâm và phơi hợp lý, tuyệt đối không pha gỗ tạp... Những nguyên tắc ấy được người thợ đặt lên hàng đầu, xem đó là đạo đức và uy tín của làng nghề. Xuồng đóng ở đây cùng kích cỡ với xuồng truyền thống nhưng phần mũi thon nhỏ và độ dày của ván lườn vừa vặn nên xuồng vừa nhẹ, bơi lại vững vàng hơn. Ngoài ra, thợ đóng xuồng thường xẻ gỗ theo thế cong của cây, nên dù cây có cong quẹo đến mấy cũng cho ra những tấm ván nguyên vẹn, mà vẫn bảo đảm cắt thành những tấm gỗ tốt. Do đó, giá thành sản phẩm ở làng nghề đóng xuồng trên cù lao Giêng thấp hơn khoảng 10% so với nơi khác, nhưng vẫn bảo đảm chất lượng.

Theo các cụ cao tuổi kể lại, làng nghề trước đây làm ra nhiều sản phẩm đa dạng như: Xuồng cui, xuồng ba lá, xuồng năm lá, tam bản, xuồng Cần Thơ, xuồng Ông Chưởng, vỏ gòn, vỏ lãi, ghe lườn, ghe bầu, ghe đục, ghe chài, ghe be, tắc ráng… Những năm 1960 – 1970, làng nghề phát triển mạnh, có khi nhận đóng cả ghe tàu đi sông biển, tải trọng từ 50 đến 100 tấn. Tuy nhiên khoảng 10 năm trở lại đây, mùa nước về thất thường, có xu hướng ngày một ít; phần lớn các địa phương đã xây dựng hệ thống đê bao ngăn lũ vào đồng ruộng, đường bộ ngày một khang trang. Ghe sắt và xuồng composite ra đời đã dần thay thế ghe xuồng gỗ truyền thống. Do đó có một khoảng thời gian dài làng nghề đứng trước nguy cơ mai một. Các trại xuồng chỉ tập trung mỗi năm đóng “cầm chừng” vài tháng trước khi nước lên.

Anh Ngô Văn Thảnh, chủ trại xuồng ở xã Mỹ Hiệp (cù lao Giêng, huyện Chợ Mới) phấn khởi cho biết, năm nay con nước đột ngột về sớm hơn mọi năm một tháng và cao hơn cùng kỳ các năm trước nên xuồng rất khan hàng. Làng nghề đóng xuồng cũng được mùa “trúng” lớn. Từ cuối tháng 6 âm lịch, nhiều thương lái ở các huyện đầu nguồn và vùng ven biên giới đã đến đặt hàng. Đón đầu con nước lớn từ hai tháng trước, trại xuồng của anh Thảnh đã tập trung nhân công đóng gấp rút mới kịp số lượng giao cho khách. Ngoài loại xuồng Ông Chưởng thông dụng ở địa phương, các trại còn nhận làm thêm theo đơn đặt hàng mẫu mã xuồng lườn Cam-pu-chia. Hiện nay, giá tại trại của xuồng lườn kích thước 5,5 m x 8,2 m là 1,2 triệu đồng/chiếc. Trại của anh Thảnh hiện có sáu nhân công, mỗi ngày cho xuất xưởng từ ba đến bốn chiếc xuồng nhưng vẫn không đủ giao cho thương lái.

Ông Phan Văn Leo, 62 tuổi, nhân công lớn tuổi nhất của trại anh Thảnh cho biết, ngày trước những công đoạn cưa, bào phải làm bằng tay thì nay các dụng cụ đã được cơ giới hóa, rút ngắn thời gian làm ra sản phẩm, giảm sức lao động cho thợ. Trước đây, muốn hoàn thành một chiếc xuồng phải mất từ hai đến ba ngày, nay chỉ mất một ngày. Tiền công thợ bình quân từ 200.000 - 250.000 đồng/ngày. Với số tiền ấy, ông có thể trang trải sinh hoạt gia đình và dành dụm cho những tháng sau mùa đóng xuồng, thường khi con nước bắt đầu rút cho đến giữa năm sau.

Gia đình ông Nguyễn Thành Góc ngụ ở ấp Tây Thượng, xã Mỹ Hiệp, mọi năm chỉ đóng mỗi ngày một chiếc, có khi cả tuần mới đóng một chiếc. Nhưng năm nay ông đã bắt đầu đóng xuồng ngay sau Tết Nguyên đán, dự trù sẵn cho con nước lớn về. Nếu như mọi năm ông Góc đóng 50 chiếc/năm thì năm nay, đến giữa tháng 8, gia đình ông đã cho xuất xưởng 100 chiếc và còn gần 30 chiếc nữa theo đơn đặt hàng đang hoàn thành… Ông Góc nói: “Nghề này buồn vui theo con nước, năm nào nước lớn thì trúng, nước nhỏ thì thất. Vậy nên thợ ở làng nghề cứ trông đến tháng 5, tháng 6 là nôn nao chờ con nước”.

Làng nghề thành làng du lịch

Những năm gần đây, các tuyến du lịch sinh thái kết hợp làng nghề được mở rộng về cù lao Giêng. Làng nghề đóng xuồng được các đoàn khách trong nước và nước ngoài chọn đến thăm và tìm hiểu, trải nghiệm. Làng như được bồi thêm động lực và sức sống. Ông Nguyễn Thành Góc nói, trại của ông mỗi tháng đón bốn đoàn khách du lịch nước ngoài, mỗi đoàn trung bình khoảng 50 - 100 khách. Mỗi chuyến tham quan, ông giới thiệu và thực hiện đóng ghe xuồng cho khách xem, đoàn sẽ hỗ trợ ông 20 USD. Ngoài ra, ông tranh thủ những lúc nhàn rỗi, đóng những chiếc ghe xuồng mô hình thu nhỏ, làm đồ lưu niệm bán cho khách. Ông nói, “rảnh rỗi làm mấy chiếc xuồng nhỏ này, cũng kiếm được tiền trà nước hằng ngày”...

Anh Trần Công Danh – đại diện làng nghề đóng xuồng ở cù lao Giêng cho biết, làng nghề được UBND tỉnh An Giang công nhận là làng nghề truyền thống từ năm 2006, khi đó cả làng có khoảng 170 - 200 hộ làm nghề. Nhưng hiện nay còn khoảng 20 hộ với khoảng 15 trại đóng xuồng, giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động. Bình quân trong mùa cao điểm từ tháng 8 đến tháng 11, mỗi trại cho xuất xưởng từ năm đến sáu chiếc mỗi ngày; cung ứng cho hầu hết các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là các khu vực ven biên giới như Long An, Đồng Tháp, An Giang… Anh Danh cũng cho biết thêm, theo con nước lớn năm nay, hy vọng làng nghề sẽ được một năm khá giả.

Dạo quanh một vòng cù lao Giêng, du khách sẽ không khỏi ngạc nhiên với những công trình kiến trúc văn hóa lâu đời, mang đậm dấu ấn lịch sử của một vùng đất địa linh nhân kiệt. Và bên cạnh những thánh đường cổ kính, những lăng mộ uy nghiêm, đã từ lâu vang vọng tiếng cưa bào của những người thợ đóng xuồng, những người đã làm nên danh tiếng một làng nghề, lặng lẽ. Khách du lịch đến đây ngày càng nhiều, trong đó làng nghề đóng xuồng cù lao Giêng là một địa chỉ hấp dẫn. Để rồi khi nhắc đến “đệ nhất cù lao”, người ta không thể nào không nhắc đến làng nghề đóng xuồng nổi tiếng, nơi đã cho ra đời biết bao sản phẩm, theo chân người dân mưu sinh khắp miền sông nước Cửu Long...

Nguồn: nhandan.com.vn

Viết bình luận mới