Khí nhạc Việt Nam qua những năm tháng

29/11/2021 07:44

Ngày nay, bên cạnh kho tàng ca khúc đồ sộ, chúng ta có một nền khí nhạc khá phát triển, đóng góp vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của dân tộc ta. Chính nó đã cùng ca khúc và các loại hình nghệ thuật khác phản ánh cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc ta, cổ vũ nhân dân ta trong đấu tranh và xây dựng đất nước, giới thiệu văn hóa của đất nước ta với cộng đồng quốc tế. Để có một nền khí nhạc như vậy, chúng ta đã phải trải qua một chặng đường dài.

Ảnh minh họa (Theo vanhien.vn) 

Những năm trước cách mạng tháng 8, số người biết nhạc ở nước ta còn rất ít, đa số học qua các nhạc cụ phổ biến như harmonica, mandoline, guitar…Những nơi học tập có bài bản là các trường dòng và nhà thờ. Chỉ có một cơ sở âm nhạc duy nhất là Nhạc viện Viễn Đông mở ra từ 1927 đến 1930, đào tạo được một số  ít nhạc sĩ sau này trở thành nòng cốt của phong trào đầu cách mạng như Nguyễn Xuân Khoát(contrebase), Nguyễn Hữu Hiếu (piano), Đỗ Tình (violon). Bên cạnh đó là phương pháp học gửi thư qua nhạc viện Pháp. Số người học được theo cách này cũng không nhiều. Một số ít bản nhạc chịu ảnh hưởng của phương Tây lẻ tẻ xuất hiện trong thời gian này  “Trống Tràng thành” viết cho piano của Nguyễn Xuân Khoát, “Ra khơi” của Tạ Phước…

Đầu cách mạng tháng 8, không khí sôi sục của những ngày khởi nghĩa đã tập hợp nhiều ban nhạc nhỏ của các địa phương phục vụ cho hoạt động cách mạng rất đa dạng; accordion (hoặc harmonica thay thế)+ banjo+violon+trống+ghita và đôi khi có cả những chiếc thìa. Số người sử dụng thành thạo nhạc cụ  phương Tây có thể đếm trên đầu ngón tay: Nguyễn Xuân Khoát (contrebase), Nguyễn Hữu Hiếu ( piano)… Đất nước bị chia rẽ nên đã hình thành những nhóm nhạc sĩ hoạt động ở các miền khác nhau. Ở Việt Bắc có những nòng cốt là Nguyễn Xuân Khoát, Văn Cao, Đỗ Nhuận. Khu 3 có Huy Du, Tạ Phước, Vũ Trọng Hối. (Tạ Phước mở rất nhiều lớp huấn luyện violon cho các đoàn văn công). Miền trung có Phan Huỳnh Điểu, Nguyễn Văn Thương. Miền Nam có Trần Kiết Tường, Hoàng Việt. Trong vùng tạm chiếm, hoạt động âm nhạc tập trung ở các tiệm nhảy và một số câu lạc bộ.

Từ năm 1954, hòa bình được lập lại, nền khí nhạc có điều kiện phát triển toàn diện, cân đối, hài hòa trên các mặt sáng tác, biểu diễn và thưởng thức. Nhiều lớp bồi dưỡng ngắn hạn về âm nhạc được tổ chức. Một số cán bộ được cử đi học nhạc ở các nước xã hội chủ nghĩa. Năm 1956, trường âm nhạc Việt Nam, cái nôi  âm nhạc của cách mạng khai giảng, đào tạo lớp nhạc sĩ có bằng cấp đầu tiên với đầy đủ các bộ môn lý luận, sáng tác, chỉ huy, nhạc cụ Phương Tây, nhạc cụ dân tộc. Nhạc cụ dân tộc lấy đà phát triển từ đây. Tiếp đó, Nhà hát Vũ Kịch, Nhà hát Giao hưởng được thành lập, đã góp phần nâng cao trình độ biểu diễn của  nhạc công và trình độ thưởng thức của toàn xã hội

Năm 1962, nghệ sĩ Tạ Bôn đoạt giải nhì thi violon liên hoan Thanh niên sinh viên thế giới tại Henxinhki, Phần Lan. Năm 1974, Tôn Nữ Nguyệt Minh, Ngô Văn Thành được vào vòng 2 thi piano và violon giải Trai cốpxki.

Năm 1975, Đại thắng mang lại hòa bình, độc lập, tự do cho tổ quốc đồng thời cũng mang lại sức sống mãnh liệt cho nền âm nhạc nói chung và nhạc khí nói  riêng. Nhiều trường nhạc được mở ra ở cả 3 miền. Các nhạc viện đều có dàn nhạc giao hưởng. Hội nhạc sĩ hoạt động mạnh mẽ. Điều kiện ấn loát mới cho phép in ấn hàng loạt tác phẩm dạy đàn (Ghita của Tạ Tấn, Phạm Ngữ, Mandolin của Trần Kiết Tường...) Các chương trình biểu diễn nhất là của vô tuyến truyền hình đã đưa các hình thức nhạc dân tộc, thính phòng, giao hưởng lại gần với đông đảo quần chúng.

 Hòa nhạc dân tộc (Ảnh: TH)

Trong hoàn cảnh mới, ngoài nền âm nhạc xã hội chủ nghĩa, chúng ta được tiếp xúc với nền âm nhạc thế giới, học hỏi được nhiều và cũng có điều kiện để giới thiệu nền âm nhạc Việt Nam với nước ngoài. Nhiều cuộc trình diễn ở nước ngoài (nhất là nhạc cụ dân tộc) được hoan nghênh nhiệt liệt với những nhạc công được nhiều người biết đến như Bá Phổ (đàn nguyệt), Đinh Thìn (sáo), Thao Giang (nhị)…

Năm 1985, Đỗ Phượng Như thi violon quốc tế đoạt giải cao tại Ba Lan. Năm 1995, sinh viên Việt Nam đoạt giải cao thi sáng tác tại Pháp. Đỉnh cao là Đặng Thái Sơn  đã  đoạt giải nhất kỳ thi piano quốc tế mang tên Sô panh tại Ba lan.

Về tác phẩm nhạc đàn, ta gặt hái được nhiều nếu như không muốn nói là được mùa. chất liệu chắt chưu từ hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ được viết thành tác phẩm trong những năm tháng đó đã cùng những tác phẩm viết về đề tài hòa bình đã đến với quảng đại quần chúng. Nhiều nhất là thể loại nhạc thính phòng với đủ thể loại. Bài ca không lời mang tính chất êm ả: “Câu chuyện về một dòng sông” - Minh Khang viết cho violon và piano, “Trở về đất mẹ”- Nguyễn Văn Thương viết cho piano và viloncello, “Miền nam quê hương ta ơi” - Huy Du, “Đau thương và phẫn nộ” - Nguyễn Thị Nhung. Hát ru: “Khúc hát ru”- Ngô Sĩ Hiển, Rhapsodie mang  tính chất tự do, khoáng đạt, mang nhiều chất liệu dân gian: “Rhapsodie cho violon” (Hoàng Vân), “Bài ca chim ưng” (Đàm Linh). Fantasie mang tính chất ngẫu hứng:  “Anh vẫn hành quân” (Huy Du)- Xuân Tứ chuyển soạn cho đàn  accordeon. Chủ đề và biến tấu: “Biến tấu trên chủ đề dân ca Thái” (Hoàng Dương), “Bèo dạt mây trôi” (Đặng Ngọc Long chuyển soạn cho ghita). Concerto cho piano, cello (Nguyễn Đình Phúc). Sonatine và Sonate: “Vì  độc lập tự do”(Trần Tất Toại), tổ khúc sonate “Tuổi trẻ anh hùng” (Minh Khang). Tam tứ tấu: Tứ tấu dây (Đỗ Hồng Quân). Thể loại nhạc giao hưởng tuy ít hơn song đã được đặt nền móng từ cuộc kháng chiến chống Mỹ. Giao hưởng “Quê hương” (Hoàng Việt), giao hưởng số 1 của Vĩnh Cát, giao hưởng 1 chương “Người về đem tới niềm vui” (Trọng Bằng), Thơ giao hưởng “Khát vọng” (Nguyễn Thị  Nhung), “Việt Nam, đất nước của niềm tin và hy vọng” (Minh Khang), “Tháng 8 lịch sử” của Doãn Nho... Nhìn chung, những tác phẩm trước 1975, các tác giả đã sử dụng hòa thanh cổ điển cùng những quãng đặc trưng của nhạc dân tộc bên cạnh hình thức tiến hành theo kiểu bè tòng. Về sau, các thủ pháp  được sử dụng một cách phong phú hơn. Về điệu thức, thường kết hợp điệu thức 7 âm và 5 âm. Ít dùng quãng 8, sử dụng nhiều quãng 5, 4 đúng. Về tiết tấu, ứng dụng những tiết tấu đã từng gặp trong dân vũ. Về phần phát triển chủ đề, ứng dụng đầy đủ các thủ pháp: giữ nguyên dạng, biến dạng, đổi mới, đổi mới từng phần…Về màu sắc, phát huy tính năng các nhạc cụ, nhất là nhạc cụ gõ, đưa cả nhạc cụ dân tộc vào giao hưởng.

Nhiều tác phẩm đã được đánh giá cao về nội dung tư tưởng và nghê thuật (phần lớn các tác phẩm đều mang tiêu đề). Riêng về nhạc cụ dân tộc,số lượng sưu tầm được ngày càng tăng. Chúng ta đã có những cố gắng cải tiến đến mức tối đa khả năng diễn tấu của nó, cải tiến cây sáo Mèo để thổi từ âm thấp đến âm cao được chuẩn xác...vv và còn sáng chế ra đàn “tre lắc” của Đồng Văn Minh.

Trong quá trình phát triển đã có nhiều bài bản được các thính giả đánh giá cao về mặt nghệ thuật như “Cung đàn đất nước”(đàn bầu) của Xuân Khải, “Kể chuyện ngày mùa” (nhị) của Thao Giang…Trong lĩnh vực sáng tác và phối khí, các giáo viên và học sinh của khoa nhạc cụ dân tộc cổ truyền  Học viện âm nhạc quốc gia có những đóng góp đáng kể.Đội ngũ nghiên cứu với lớp người đi trước như Trần Văn Khê, Nguyễn Hữu Ba,Tô Ngọc Thanh, Đặng Hoành Loan, Bùi Trọng Hiền…ngày càng đông đảo. Đội ngũ biểu diễn ngày càng phát triển. Dưới sự dìu dắt của các nghệ nhân và của các thầy, hàng loạt các diễn viên trẻ tuổi từ các nơi đào tạo của khoa Nhạc cụ dân tộc Học viên âm nhạc quốc gia và một số cơ sở khác đã như những cánh chim bay khắp mọi miền làm nòng cốt cho các nhà hát và các đoàn chuyên nghiệp. Qua các kỳ liên hoan văn nghệ chuyên nghiệp ta thấy rất nhiều tài năng như  Bá Nha, Võ Vân Ánh…Những tiết mục độc tấu và hòa tấu nhạc cụ cổ truyền đã chiếm một tỷ lệ thích đáng trong truyền hình và truyền thanh, tạo điều kiện cho quần chúng hiểu biết và yêu thích nhạc cụ cổ truyền.

Sẽ là thiếu sót nếu không nói đến nhạc khí với phong trào quần chúng.Quần chúng rất yêu thích cây đàn ghita. Nó đã cùng cây đàn organ và bộ trống  chiếm lĩnh các sân khấu văn nghệ  quần chúng và nằm trong biên chế  chính của nhiều ban nhạc.Cây đàn organ với chức năng đa dạng là thay thế cây đàn accordion (được rất nhiều người hâm mộ trong kháng chiến), đến với từng gia đình, đem lại niềm vui cho mọi nhà.

Nền nhạc khí của chúng ta đang trên đà phát triển. Hướng đi đúng đắn là bước những bước vững chắc trên cả đôi chân dân tộc và hiện đại bằng cách nâng cao trình độ sáng tác và biểu diện các nhạc cụ dân tộc và  phương Tây, để nó trở thành những món ăn tinh thần không thể thiếu được của nhân dân ta.

 
Trần Hùng- Giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội
Nguồn dangcongsan.vn
Viết bình luận mới