Hè vui cùng thư viện: Để mùa hè có ý nghĩa

20/06/2018 09:50

Nằm trong kế hoạch phục vụ hè, các thư viện trong cả nước đã đồng loạt mang tới nhiều chương trình bổ ích, hấp dẫn nhằm thu hút sự tham gia của các em thiếu nhi.

 Thư viện văn hoá thiếu nhi Việt Nam là không gian đọc sách và thư giãn cho thiếu nhi trong khuôn viên Thư viện Quốc gia Việt Nam. Ảnh: VGP/Nhật Nam
 
Phát triển văn hoá đọc

Trẻ em là chủ thể đặc biệt trong việc tiếp cận thông tin. Thông tin cung cấp cho trẻ em phải đầy đủ, kịp thời, dễ hiểu, có thể tiếp cận được và phù hợp với khả năng hiểu biết, độ tuổi.

Thư viện công cộng hiện đang là hệ thống chủ yếu đảm bảo thực hiện, cung cấp dịch vụ thư viện cho người dân và được giao giữ vai trò trung tâm phối hợp hoạt động trao đổi tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ với các thư viện khác trên địa bàn.

Trong nhiều năm qua, hệ thống thư viện công cộng ở địa phương phối hợp với thư viện các trường phổ thông và cơ sở giáo dục khác, cung văn hóa thiếu nhi, nhà văn hóa thiếu nhi xây dựng bộ phận tài liệu phù hợp với khả năng, tâm sinh lý, lứa tuổi của trẻ em, tổ chức phòng đọc, mượn tài liệu dành riêng để phục vụ trẻ em. Đến nay 100% thư viện tỉnh, thành phố đã có bộ phận riêng phục vụ thiếu nhi.

Với việc triển khai các Đề án của Thủ tướng Chính phủ: “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ giai đoạn 2014-2020” và “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, Bộ VHTT&DL đã yêu cầu các Sở VHTT&DL, Sở VH&TT chỉ đạo hệ thống thư viện công cộng tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động phục vụ thiếu nhi.

Theo đó, các thư viện tiếp tục kiện toàn, củng cố và hiện đại hóa hệ thống thư viện, phòng đọc, tủ sách dành cho thiếu nhi, nâng cao chất lượng công tác xây dựng vốn tài liệu dành cho thiếu nhi, tăng tỷ lệ sách thiếu nhi trong tổng vốn tài liệu của thư viện. Chú trọng bổ sung sách tham khảo, sách văn học và sách hướng dẫn kỹ năng sống. Tăng cường phục vụ lưu động và luân chuyển sách, báo phục vụ thiếu nhi. Sáng tạo, linh hoạt trong việc tạo không gian, môi trường văn hóa thân thiện, sân chơi bổ ích và lý thú cho thiếu nhi đọc và học phù hợp với thời gian học tập, đặc biệt thời gian nghỉ hè. Huy động mọi nguồn lực tham gia phát triển văn hóa đọc cho thiếu nhi, triển khai các dịch vụ mới và làm mới các dịch vụ truyền thống, chú trọng phát triển các dịch vụ tăng cường hỗ trợ học tập và kỹ năng sống cho thiếu nhi phù hợp với lứa tuổi.

Đổi mới để thu hút thiếu nhi

Vụ Thư viện (Bộ VHTT&DL) cho biết, ngay từ đầu tháng 4, các hoạt động đã được chuẩn bị sẵn sàng cho hè 2018, 63/63 thư viện tỉnh, thành phố đã triển khai củng cố cơ sở vật chất, trang thiết bị phù hợp với đặc thù, tâm sinh lý và lứa tuổi, bố trí cán bộ chuyên trách, có kinh nghiệm và kỹ năng phục vụ thiếu nhi. Từ khi các em học sinh bế giảng năm học, toàn hệ thống thư viện công cộng đã đồng loạt đưa ra các chương trình phục vụ hè.

Theo Vụ Thư viện, các thư viện công cộng đều đã nâng cấp, sửa chữa các phòng đọc, hướng tới một thư viện hiện đại, thân thiện. Phòng đọc được thiết kế với không gian mở, không vách ngăn, tận dụng ánh sáng, không khí tự nhiên, trang trí nhiều hình ảnh màu sắc sinh động.

Nhiều thư viện đã xây dựng một không gian đa chức năng, có không gian nghe nhạc, phòng chiếu phim để thiếu nhi có thể đọc, nghe, xem và chơi, từ đó kích thích sự sáng tạo, tinh thần ham học của trẻ.

Nhiều thư viện đã đơn giản hóa thủ tục cấp thẻ và thay đổi phương thức cấp thẻ bằng cách đăng ký thẻ trực tuyến qua website thư viện tỉnh, thành phố, như Thư viện Hà Nội, Thư viện tỉnh Yên Bái, Quảng Ninh, Đồng Tháp, Cà Mau...

Ngoài các hoạt động phục vụ tại chỗ truyền thống như: đọc tại chỗ, mượn về nhà, tra cứu các cơ sở dữ liệu điện tử, truy cập internet… các thư viện còn tổ chức nhiều sinh hoạt chuyên đề, các hoạt động hướng dẫn, trang bị kỹ năng cho thiếu nhi như: hướng dẫn kỹ năng sử dụng thư viện, sử dụng máy tính và các phần mềm thông dụng, tra cứu thông tin;hướng dẫn kỹ năng và phương pháp đọc sách, báo phục vụ học tập, nghiên cứu và giải trí; tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ bạn đọc theo chủ đề, câu lạc bộ đọc sách cùng em; các buổi sinh hoạt, tọa đàm, giới thiệu sách, các cuộc thi lựa chọn đại sứ văn hóa đọc, viết cảm nhận… phù hợp với lứa tuổi.

Bên cạnh đó, các thư viện đã tổ chức nhiều hoạt động phong phú để thu hút các độc giả “nhí”: Giao lưu văn hóa, văn nghệ, cùng với những trải nghiệm thú vị như Hè vui cùng Câu lạc bộ Khoa học ứng dụng-STEM (Thư viện KHTH TP. Đà Nẵng); các hoạt động phát triển năng khiếu như: Tập làm hoạ sĩ, Nhà hùng biện tý hon, Sân khấu cho bé tập làm ca sĩ, Rung chuông vàng, Đại sứ văn hóa đọc thủ đô (Thư viện Hà Nội, Thư viện tỉnh Điện Biên, Bình Dương, ); kể chuyện sách, vẽ tranh theo sách (Thư viện tỉnh Hải Dương, Quảng Bình, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Tháp…), Câu lạc bộ Tiếng Anh, các hoạt động sáng tạo khác như tập làm các sản phẩm bằng thủ công (Thư viện Quốc gia Việt Nam, Thư viện Hà Nội, Thư viện KHTH TPHCM, Thư viện KHTH TP. Đà Nẵng, Thư viện tỉnh Quảng Ninh, Bình Dương...).

Chương trình thi kể chuyện theo sách thường niên cũng được các thư viện phát động ngay từ đầu hè với các chủ đề “Cùng đọc sách hay, hè vui khám phá”, “Hè vui cùng sách”, “Hè vui đọc sách-Thắp sáng ước mơ”, “Hè vui cùng thư viện”…


Ô tô thư viện lưu động được thiết kế là xe tải có sách báo, máy tính. Ảnh: VGP/Nhật Nam

 

Những chuyến xe chở nguồn tri thức lưu động

Thư viện lưu động phục vụ lưu thiếu nhi cũng là một hướng đi mới trong việc đổi mới phương thức phục vụ thiếu nhi trong kỳ nghỉ hè của học sinh các cấp. Bằng những chuyến xe thư viện lưu động đa phương tiện sách đã đến gần hơn với đông đảo bạn đọc nhỏ tuổi, đặc biệt là thiếu nhi vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi và những vùng đặc biệt khó khăn khi điều kiện được tiếp cận sách, báo chưa nhiều.

Công tác luân chuyển sách, báo từ thư viện tỉnh, thành phố về các thư viện quận, huyện, phòng đọc sách xã cũng được các thư viện tăng cường triển khai khi các em thiếu nhi có 3 tháng nghỉ hè tại địa phương.

Các thư viện tỉnh Yên Bái, Điện Biên, Sơn La, Lạng Sơn, Hòa Bình, Nam Định, Ninh Bình, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Nam, Gia Lai, Lâm Đồng, An Giang, Cà Mau, Hà Nội và TPHCM là những địa phương hiện đang có xe thư viên đa lưu động đa phương tiện đều tích cực triển khai hoạt động phục vụ lưu động cho thiếu nhi tại các điểm sinh hoạt hè.

Bằng những chuyến xe thư viện lưu động đa phương tiện, sách đã đến gần hơn với đông đảo bạn đọc nhỏ tuổi, đặc biệt là thiếu nhi vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi và những vùng đặc biệt khó khăn khi điều kiện được tiếp cận sách, báo chưa nhiều. Mỗi xe thư viện lưu động có hơn 3.000 cuốn sách, máy tính xách tay và máy chủ, máy chiếu, vô tuyến, tài liệu điện tử, sách nói và cả các thiết bị phục vụ cho người khiếm thị. Mỗi chuyến xe không chỉ mang kiến thức, công nghệ thông tin mà còn mang cả niềm vui, niềm hy vọng đến với các em.

Ngay từ đầu hè, nhiều thư viện tỉnh đã phối hợp Cung Thiếu nhi tỉnh, Nhà Văn hóa Thiếu nhi, Trung tâm văn hóa, Trung tâm hoạt động Thanh thiếu niên tỉnh đưa xe thư viện lưu động tới phục vụ và tổ chức sân chơi cho thiếu nhi, mở rộng phục vụ tạicác cụm sinh hoạt hè tại các xóm, làng, bảncác quận huyện và tại các xã Nông thôn mới…(Thư viện tỉnh Yên Bái, Lạng Sơn, Hòa Bình, Nam Định, Ninh Bình, Sơn La, Nghệ An, Quảng Nam, An Giang, Cà Mau). Còn có nhiều chuyến xe đến với bệnh viện Nhi Đồng 2, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, Làng trẻ em S.O.S (Thư viện KHTH TPHCM, tỉnh Điện Biên, Nghệ An, Quảng Bình).

Bà Vũ Dương Thúy Ngà, Vụ trưởng Vụ Thư viện cho hay, tất cả sách đều được lựa chọn và đặt mua theo từng lứa tuổi, cấp học, việc lựa chọn sách được thực hiện kỹ lưỡng để chọn lựa chọn được sách hay đem tới nguồn cảm hứng cho các em khi tiếp cận với sách.Cả hệ thống thư viện công cộng đang nỗ lực củng cố thói quen đọc sách ở trẻ em ngay từ lứa tuổi sớm nhất, hỗ trợ việc học ở các cấp độ khác nhau và tạo điều kiện để nâng cao sự sáng tạo ở trẻ em và thanh thiếu niên.

Nguồn: baochinhphu.vn

Viết bình luận mới