Hầu hết các chỉ số lĩnh vực nội dung của PAPI năm 2017 được cải thiện

05/04/2018 11:28

Sự kiện công bố Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2017 diễn ra vào sáng 4/4 tại Hà Nội.

Tham dự sự kiện có lãnh đạo, diện của nhiều bộ, ngành, địa phương và các tổ chức quốc tế, các cơ quan nước ngoài tại Việt Nam.

Chỉ số PAPI cấp tỉnh được đo lường qua các chỉ tiêu cấu thành 6 chỉ số nội dung về quản trị và hành chính công.

Kết quả phân tích dữ liệu thống kê PAPI năm 2017 được công bố cho thấy một số xu thế tích cực, đó là cải thiện được ghi nhận ở 5 trong 6 chỉ số lĩnh vực nội dung, gồm: “Công khai, minh bạch”, “Trách nhiệm giải trình với người dân”, “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”. “Thủ tục hành chính công” và “Cung ứng dịch vụ công”, mặc dù mức cải thiện ở từng chỉ số nội dung là khác nhau.

Đặc biệt, năm 2017, chứng kiến sự gia tăng về điểm ở chỉ số lĩnh vực “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”, từ 5,8 điểm năm 2016 lên 6,15 điểm năm 2017. Mức gia tăng này có ý nghĩa đáng kể bởi nếu so với kết quả năm 2013, thì chỉ số này liên tục giảm qua các năm cho tới năm 2017 mới có dấu hiệu cải thiện. Người dân đánh giá nỗ lực kiểm soát tham nhũng của các cấp chính quyền năm 2017 là tốt hơn so với vài năm trước.

Bên cạnh đó, kết quả phân tích dữ liệu cũng cho thấy khoảng cách về giới trong việc đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được thu hẹp hơn; tỷ lệ người dân có bảo hiểm y tế cũng gia tăng so với năm 2016; người dân hài lòng hơn với những kết quả trong cải cách hành chính…

Ngoài những điểm sáng và thay đổi tích cực, năm 2017 vẫn ghi nhận một số vấn đề đáng lo ngại. Trong lĩnh vực quản trị đất đai, mức độ hài lòng của người dân với giá trị bồi thường thu hồi đất tiếp tục thuyên giảm. Bên cạnh đó, tinh thần lạc quan về triển vọng kinh tế hộ gia đình trong nhóm người có thu nhập thấp giảm sút trong năm 2017. Khoảng cách giữa điểm PAPI cao nhất so với điểm tối đa mong đợi còn lớn. Khoảng cách giữa địa phương có điểm số cao nhất và địa phương có điểm số thấp nhất còn tương đối lớn…

Báo cáo cũng cho biết, đặc điểm phân bố số điểm theo vùng, miền dường như ít thay đổi qua các năm ở cấp độ chỉ số nội dung. Các tỉnh phía Bắc, nhất là ở khu vực đồng bằng sông Hồng có xu hướng đạt điểm cao ở các chỉ số nội dung “Tham gia của người dân cơ sở”, “Công khai, minh bạch” hơn so với các tỉnh phía Nam. Ngược lại, các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long và vùng Đông Nam Bộ tiếp tục đạt điểm cao hơn ở các khu vực khác ở các chỉ số nội dung “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”. “Thủ tục hành chính công” và “Cung ứng dịch vụ công”. Những phát hiện này cho thấy, mỗi vùng, miền có những thách thức khác nhau.

Phân bố vùng, miền cân đối hơn ở chỉ số nội dung “Trách nhiệm giải trình với người dân”.

Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (với tên viết tắt bằng tiếng Anh là PAPI) là công cụ giám sát thực thi chính sách thường niên. Chỉ số này được thực hiện lặp lại qua nhiều năm, tập trung thu thập ý kiến của người dân trên phạm vi toàn quốc qua khảo sát xã hội học với quy mô lớn nhất ở Việt Nam.

Từ năm 2009 đến năm 2017, có trên 103.000 người dân được chọn ngẫu nhiên trên phạm vi toàn quốc đã tham giá đánh giá hiệu quả quản trị và hành chính công từ trải nghiệm tương tác trực tiếp với chính quyền các cấp. Dữ liệu và thông tin thực chứng từ chỉ số PAPI cho thấy bức tranh thực tế về hiệu quả của các cấp chính quyền trong đáp ứng các yêu cầu của người dân.

Từ đó, chỉ số PAPI tạo tập quán cạnh tranh lành mạnh, văn hóa học hỏi kinh nghiệm giữa các chính quyền địa phương; đồng thời, tạo cơ hội cho người dân tham gia đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền, vận động chính quyền cải thiện cung cách phục vụ người dân.

Báo cáo chỉ số PAPI năm 2017 phản ánh ý kiến đánh giá của 14.097 người dân được ngẫu nhiện chọn để hỏi từ toàn bộ 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc./.

Nguồn: baochinhphu.vn

Viết bình luận mới