Hà Nội: Bảo vệ di tích trước nguy cơ bị xâm hại

17/04/2021 16:28

Thời gian gần đây, nhiều di tích tại Hà Nội liên tục bị xâm hại khiến những người quan tâm đến di sản không khỏi lo lắng.

Dù các cơ quan liên quan đã xử lý ngay sau đó, song nhiều di tích vẫn không tránh khỏi biến dạng. Vấn đề đặt ra, Hà Nội cần có giải pháp để bảo vệ di tích không bị xâm hại, tránh để làm mất đi những giá trị quý.

Di tích liên tiếp bị xâm hại

Vụ việc gần đây nhất là tại di tích quốc gia chùa Đậu, huyện Thường Tín, xảy ra tình trạng vi phạm Luật Di sản văn hóa và các quy định hiện hành của pháp luật, khi tự những người quản lý di tích ý xây dựng nhiều hạng mục công trình, không thông qua các cơ quan chức năng.

Cụ thể, khu sân vườn bên phải đường vào chùa đã làm đường vào di tích và có biển chỉ dẫn khu vực bãi để xe; đường vào phía trước hạng mục Tam quan gác chuông phía trước Tam bảo đã bị quây tôn bịt kín lối đi cũ. Vị trí lối đi phía sau bên trái khu vực nhà Tổ có xây dựng thêm một hạng mục cổng quy mô khá lớn. Khu vực phía sau hành lang gần với am thờ bên trái Tam bảo có xây một công trình, kết cấu cột tôn cuốn tròn, vì kèo sắt, mái lợp ngói tây. Nếu ai đã từng đến chùa Đậu nhiều năm trước, đều bị cuốn hút bởi di tích quy mô lớn nhuốm màu rêu phong, cổ kính, kiến trúc đẹp với kết cấu theo kiểu “nội công ngoại quốc”. Nhưng sự uy nghiêm, trầm mặc của di tích có tuổi đời hàng nghìn năm tuổi đã bị thay đổi khiến nhiều người ngỡ ngàng, nuối tiếc.

Chú thích ảnh

Cổng mới Di tích quốc gia đặc biệt đình Tây Đằng được tự lý lắp dựng. Ảnh: TTXVN phát

Không chỉ có di tích chùa Đậu, di tích quốc gia đặc biệt đình Tây Đằng, huyện Ba Vì dịp đầu năm cũng xảy ra tình trạng tự ý lắp cổng sắt mới với hoa văn và màu sắc hiện đại. Hạng mục mới này rất khập khiễng với tổng thể di tích vốn có kiến trúc cổ kính. Ngay sau đó, cơ quan quản lý văn hóa vào cuộc và yêu cầu trả lại nguyên trạng cho di tích.

Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ba Vì Lê Khắc Nhu cho biết, do cổng của đình bị cũ nên các cụ trong Ban Quản lý di tích để xuất với chính quyền thị trấn Tây Đằng cho lắp dựng cổng mới để đón Tết Nguyên đán. Lãnh đạo địa phương mới đảm nhiệm trọng trách chưa nắm rõ được những quy định trong bảo tồn di tích nên mới để xảy ra tình trạng trên. Ngay sau khi xảy ra sự việc, huyện Ba Vì cũng yêu cầu địa phương trả lại nguyên trạng cổng cho di tích.

Chú thích ảnh

Cổng cũ của Di tích quốc gia đặc biệt đình Tây Đằng đã được hoàn trả nguyên trạng. Ảnh: TTXVN phát

Tiếp đó là vụ việc tại di tích quốc gia chùa Vàng, huyện Gia Lâm xảy ra tình trạng người dân tự ý chặt cây, phá tường, lấn đất chùa để làm đường. Dù trước đó, sư trụ trì chùa Vàng đã cảnh báo người dân khu vực này đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử đụng đất cho chùa. Hay trước đó là tình trạng tháo dỡ, xây mới gác chuông tại chùa Bối Khê, huyện Thường Tín; kẻ gian đập phá 16 pho tượng bằng đá cẩm thạch ở chùa Khánh Long, huyện Đông Anh…

Nâng cao nhận thức là yếu tố quan trọng

Qua nhiều vụ việc xảy ra trên địa bàn Hà Nội cho thấy, di tích bị xâm hại đa phần do một số hạng mục đã cũ hoặc xuống cấp, các chủ thể đang nắm giữ di sản (cộng đồng làng xã) muốn bỏ đi để xây mới hoặc xây dựng thêm các công trình. Một số trường hợp do con người cố tình xâm hại để thực hiện mục đích riêng. Nhưng riêng với trường hợp bỏ yếu tố cũ đi thay thế bằng yếu tố mới đều xuất phát từ nhận thức chưa đúng của người dân. Họ chỉ nghĩ đơn giản bỏ cũ, làm mới cho tốt để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng tâm linh nhưng việc làm đó không thích ứng với nhu cầu bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống. Thực tế cho thấy, nhiều nơi người dân muốn phá đi xây mới hơn là bảo tồn. Nhất là trong quá trình đô thị hóa, di sản rất dễ bị biến dạng. Đó chính là mâu thuẫn thường xuyên xảy ra trong đời sống của cộng đồng làng xã.

Chú thích ảnh

Công an huyện Đông Anh tiến hành điều tra hành vi phá hoại tượng phật La Hán tại chùa Khánh Long. Ảnh tư liệu: Mạnh Khánh/TTXVN

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa cho rằng làm thế nào để những chủ thể văn hóa nhận thức được việc cần gìn giữ những yếu tố cổ, không nên thay đổi một cách thái quá thì không cách nào khác là nâng cao nhận thức cho cộng đồng. Chính họ phải có ý thức gìn giữ thì mới bền vững. Một mặt, các cơ quan quản lý ở địa phương phải tăng cường kiểm tra, giám sát mới kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý những trường hợp di sản bị xâm hại.

Hà Nội đã ban hành quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn, theo đó, hầu hết các di tích được phân cấp cho các quận, huyện, thị xã quản lý. Hàng năm, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng như các địa phương tổ chức các lớp tập huấn cho cộng đồng về công tác bảo vệ, phát huy giá trị di tích nhưng thực tế ý thức người dân trong bảo tồn di sản nhiều nơi vẫn chưa cao. Ông Nguyễn Doãn Văn, Trưởng ban Quản lý Di tích, Danh thắng Hà Nội cho biết, ngành văn hóa thành phố sẽ tiếp tục đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra hiện trạng các di tích, nâng cao nhận thức cho nhân dân để ngăn ngừa những trường hợp tương tự xảy ra. Đồng thời, các địa phương phải kiện toàn ban quản lý di tích, gắn trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi xảy ra sai phạm.

Di sản văn hóa được ví như tài sản quý của dân tộc, nếu làm biến dạng hoặc mất đi thì bề sâu của văn hóa không còn nữa. Vì vậy, hơn lúc nào hết, bảo vệ di sản không bị xâm hại là trách nhiệm chung của cả các cơ quan quản lý và cộng đồng, để di sản có sức sống lâu bền trong đời sống tinh thần nhân dân.

Đinh Thuận (TTXVN)
Nguồn baotintuc.vn
Viết bình luận mới