Giải bài toán ‘thừa, thiếu’ nhà văn hóa sau sáp nhập thôn, bản

05/03/2021 10:10

Để giải bài toán ‘thừa, thiếu’ nhà văn hóa sau sáp nhập thôn, bản, cần có chủ trương về cơ chế, chính sách chung để các địa phương giải quyết vấn đề này.

NVH thôn đã phát huy hiệu quả, là nơi sinh hoạt cộng đồng của người dân địa phương. Ảnh internet

Số liệu trong báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (2010 - 2020) cho thấy, tính đến thời điểm tháng 9/2019, cả nước có gần 73.000 NVH thôn, làng, tổ dân phố, ấp, bản, bon, buôn. Số NVH thôn này là kết quả từ việc huy động sự đóng góp của nhân dân và nguồn ngân sách nhà nước trong 10 năm xây dựng nông thôn mới . Tuy nhiên,  trong số này, hiện nay chỉ có gần 48.000 công trình đạt chuẩn theo quy định, chiếm tỷ lệ khoảng 65,7%; đồng nghĩa số còn lại “dưới chuẩn”.

NVH thôn đã phát huy hiệu quả, là nơi sinh hoạt cộng đồng của người dân địa phương, kết nối tình đoàn kết. Nhưng hiện nay, sau khi thực hiện sáp nhập, hầu hết các thôn có từ 2 - 4 NVH. Tưởng rằng là “thừa” nhưng thực tế, thôn mới sáp nhập lại thiếu NVH, vì NVH cũ diện tích cũng như quy mô không thể đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho cộng đồng khi mà số lượng dân cư đã tăng lên rất nhiều.

Đơn cử như tại Lạng Sơn, từ tháng 1/2018 đến tháng 12/2019, toàn tỉnh có 878 thôn sáp nhập thành 414 thôn với tổng số 867 NVH. Sau sáp nhập, toàn tỉnh dư thừa 453 NVH thôn. Hiện tại, cả tỉnh có 401 thôn sử dụng 2 hoặc 3 NVH, thậm chí có thôn cùng lúc sử dụng đến 4 NVH.

Việc dư thừa NVH thôn, khối phố là rất rõ nhưng cái “thiếu” ở đây là còn ít NVH đạt chuẩn. Theo thống kê của Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh, tính đến tháng 6/2020, toàn tỉnh có 1.819/1.850 thôn, khối phố có NVH (đạt 98,3%), còn 31 thôn chưa có NVH (đang xây mới 14 nhà). Trong tổng số 1.819 thôn, khối phố có NVH thì chỉ có 733 thôn, khối phố có NVH đạt chuẩn theo quy định, chiếm hơn 40%; 1.086 thôn, khối phố còn lại có NVH chưa đạt chuẩn, chiếm gần 60% (377 NVH cần được mở rộng, 351 NVH đã hỏng, xuống cấp trầm trọng cần được xây mới). Điều đáng nói là thực trạng vừa thừa, vừa thiếu NVH thôn đang là nghịch lý diễn ra trên địa bàn 11 huyện, thành phố trong cả tỉnh.

Thôn Đồng Văn (xã Đồng Giáp, huyện Văn Quan) hình thành trên cơ sở sáp nhập thôn Khuổi Nọi và thôn Bắc Nam. Sau sáp nhập, thôn Đồng Văn có 2 NVH. Hiện nay, 2 NVH này đều trong tình trạng xuống cấp, không đủ sức chứa so với quy mô dân số của thôn tăng sau sáp nhập. Ông Nguyễn Văn Dũng, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đồng Văn cho biết: “Cả thôn hiện có 150 hộ dân, trong khi đó 2 NVH của thôn chỉ có sức chứa gần 90 người/nhà. Mỗi lần sinh hoạt thôn hoặc triển khai hoạt động thì thôn không thể tổ chức cùng lúc mà phải tổ chức làm 2 lần ở 2 NVH, rất mất thời gian. Không chỉ chật chội, hiện cả 2 NVH đều bị hư hỏng cửa, mái, nền… lúc trời mưa bị dột nên không tổ chức được hoạt động”. Được biết, xã Đồng Giáp hiện có 7 thôn thì có tới 9 NVH thôn. Mặc dù có nhiều NVH hơn số thôn song các NVH này được xây dựng đã lâu, theo quy mô dân số thôn cũ nên hầu hết là không đủ sức chứa, xuống cấp.

Tại thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên, từ năm 2020 đã sắp xếp, sáp nhập 58 xóm, tổ dân phố không đảm bảo về quy mô số hộ để thành lập 26 xóm, tổ dân phố mới. Tổng số giảm từ 328 xuống còn 296 xóm, tổ dân phố cũng đồng nghĩa với chừng ấy NVH thừa ra. Để có nơi sinh hoạt cộng đồng đáp ứng quy mô dân số, những nơi này cần xây mới hoặc lựa chọn cơi nới, mở rộng một trong số công trình NVH hiện có.

Ông Trần Văn Toan, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Cao (thị xã Phổ Yên) cho rằng: Cả hai phương án nói trên đều vướng mắc. Chọn cơi nới, sửa chữa công trình cũ thì không đồng bộ thiết kế, chưa kể lựa chọn NVH cũ nào cũng không thể nằm ở trung tâm của xóm mới, xây mới lại tốn kém. Trước đây, để có một công trình NVH đạt chuẩn, bà con đã phải đối ứng số tiền khá lớn, giờ lại vận động đóng góp làm công trình khác không dễ, nhất là ở nơi điều kiện kinh tế còn khó khăn.

Theo chỉ đạo của cấp trên, các xóm, tổ dân phố sau khi sáp nhập ở Phổ Yên đang giữ nguyên hiện trạng và cơ sở vật chất trong các NVH cũ. Thực trạng này về lâu dài rõ ràng là một sự lãng phí. Do vậy, rất cần sớm rà soát và có phương án cụ thể đối với từng công trình, nơi nào phải xây mới; nơi nào có thể sửa chữa, nâng cấp để sử dụng, từ đó tránh lãng phí, thất thoát tiền hỗ trợ của Nhà nước và nguồn lực đóng góp của nhân dân.

Trần Tiệp

Nguồn chinhphu.vn

Viết bình luận mới