Doctor Sleep: Hù dọa khán giả bằng câu chuyện về nỗi ám ảnh tâm lý

14/11/2019 06:20

Theo "ông hoàng truyện kinh dị" Stephen King, tất cả những điểm ông không thích ở phiên bản điện ảnh của "The Shining" đều đã được Flanagan "sửa chữa" với "Doctor Sleep."

Doctor Sleep: Hu doa khan gia bang cau chuyen ve noi am anh tam ly hinh anh 1
Một cảnh trong phim.

Năm 1980, bộ phim kinh dị "The Shining" dựa trên cuốn sách cùng tên xuất bản ba năm trước đó của Stephen King được khởi chiếu.

Bất chấp những đánh giá trái chiều ở thời điểm mới ra mắt và một giải Mâm Xôi Vàng dành cho đạo diễn cầu toàn Stanley Kubrick, theo thời gian "The Shining" đã được đông đảo người hâm mộ lẫn giới phê bình thừa nhận như một kiệt tác của dòng phim kinh dị.

Sau gần 40 năm, tập phim tiếp theo được ra mắt với tựa đề "Doctor Sleep" (tựa Việt là Ký Ức Kinh Hoàng).

Không đặt tham vọng vượt qua cái bóng quá lớn của "The Shining," tác phẩm kế thừa, tôn vinh những giá trị của phần đầu kinh điển đồng thời có hướng tiếp cận phù hợp với khán giả hiện đại hơn.

Nỗi ám ảnh tiếp diễn

Sau những sự kiện kinh hoàng trong phần đầu tiên tại khách sạn Overlook khi người cha Jack (Jack Nicholson thủ vai) trở nên điên rồ và tấn công chính gia đình mình, cậu bé Danny Torrance cùng mẹ cố gắng trở về cuộc sống bình thường.

Tuy nhiên, ngay cả khi đã trở thành một người trưởng thành, Danny (Ewan McGregor) vẫn bị những bóng ma của quá khứ ám ảnh. Anh tìm cách vùi mình trong men rượu để quên đi những ký ức kinh hoàng về người cha hay những sự kiện tâm linh bí hiểm đã xảy ra trong khách sạn hẻo lánh năm nào.

Trên đường bỏ trốn quá khứ và năng lực "thấu thị" đặc biệt, Danny tìm được chốn dừng chân tại một thị trấn hẻo lánh và có được một công việc phù hợp tại bệnh viện, đem về cho anh biệt danh "Doctor Sleep." Những tưởng Danny đã có thể có một cuộc sống mới bình yên và đoạn tuyệt với những hồn ma đeo bám thì cô bé Abra Stone (Cliff Curtis) lại xuất hiện.

Abra là một bé gái với năng lực ngoại cảm thậm chí còn mạnh hơn cả Danny. Trong nhiều năm, cô dùng năng lực thấu thị để giao tiếp với Danny dù chưa hề gặp nhau ngoài đời. Nhưng khi tính mạng Abra bị đe doạ bởi một nhóm digan có tên True Knot chuyên đi hãm hại những đứa trẻ với năng lực ngoại cảm để hấp thị sinh khí, Danny buộc phải ra mặt.

Bằng cách lựa chọn giúp đỡ Abra và đương đầu với nhóm True Knot, Danny một lần nữa phải đương đầu với những nỗi ám ảnh kinh hoàng mà anh từng rất vất vả để trốn chạy...

Khi "The Shining" ra mắt năm 1980, tác giả Stephen King từng bày tỏ sự thất vọng đối với đạo diễn Kubrick do có quá nhiều tình tiết bị nhà làm phim thay đổi so với cuốn tiểu thuyết.

Với King, dù có những cảnh quay đẹp nhưng "The Shining giống một chiếc xe hào nhoáng song lại thiếu đi động cơ." Trong khi đó, "Doctor Sleep" của đạo diễn Mike Flanagan lại được King đánh giá là "xuất sắc." Theo "ông hoàng truyện kinh dị," tất cả những điểm ông không thích ở phiên bản điện ảnh của "The Shining" đều đã được Flanagan "sửa chữa" với "Doctor Sleep."

 Đây có lẽ là nhờ nỗ lực của Flanagan trong việc không chỉ chuyển thể cuốn “Doctor Sleep” của King mà còn đưa vào những tình tiết bị lược bỏ trong cuốn “The Shining” trong phiên bản điện ảnh. Ông cũng khéo léo dẫn dắt câu chuyện để ngay cả những ai chưa từng xem qua “The Shining” cũng có thể hiểu và bị lôi cuốn bởi phần thứ hai.

Dài nhưng lôi cuốn

Những khán giả đã thưởng thức cả hai phiên bản “The Shining” và “Doctor Sleep” sẽ nhận ra sự giống và khác biệt. Để có thể tái hiện khách sạn Overlook như phiên bản gốc, đạo diễn Flanagan đã liên hệ gia đình Kubrick để có được bản vẽ sơ đồ thiết kế. Đó là lý do tại sao sau 39 năm, những hành lang quen thuộc đầy ám ảnh, căn phòng đại sảnh u ám hay quầy rượu khách sạn... lại trở lại màn ảnh giống đúng nguyên tác.

Là một người hâm mộ cuồng nhiệt Stephen King, Flanagan không chỉ tri ân “The Shining” bằng những tình tiết lồng vào khéo léo mà còn đưa các chi tiết từ các tác phẩm khác của nhà văn này vào “Doctor Sleep.”

 Cũng như Stanley Kubrick, tác phẩm của Mike Flanagan dù lấy đề tài kinh dị song không hề hù dọa khán giả bằng những màn “jump-scare” giật mình. Thay vào đó, nỗi sợ tới từ yếu tố tâm lý, với những góc khuất, những cảm giác mơ hồ của các nhân vật mà người xem dễ dàng liên hệ tới.

Hiệu ứng thị giác và âm thanh cũng là một điểm cộng của phim, với những cảnh quay góc rộng ấn tượng, đem lại cảm giác nhỏ bé cho các nhân vật và được cộng hưởng cùng phần âm nhạc kỳ bí.

Sự khác biệt lớn tới từ việc “Doctor Sleep” có một câu chuyện với nhiều nhân vật, bối cảnh và thoại hơn, trong khi “The Shining” chủ yếu kể về những sự việc diễn ra trong khách sạn Overlook.

Sau một khởi đầu tương đối chậm rãi, hồi hai và ba của "Doctor Sleep" được đẩy nhịp độ lên cao và mang tính giải trí với sự đối đầu giữa hai phe Thiện-Ác. Diễn xuất thuyết phục của Ewan McGregor, Rebecca Ferguson (trong vai thủ lĩnh phe ác Rose) và đặc biệt là nữ diễn viên trẻ Cliff Curtis khiến người xem khó lòng có thể rời mắt khỏi màn hình.

Đôi lúc, khán giả có cảm tưởng mình đang được xem một bộ phim với motif siêu anh hùng được đặt trong vũ trụ “The Shining,” với các màn phô diễn siêu năng lực. Đây có thể là cách tiếp cận giúp khán giả đương đại dễ xem phim hơn, nhưng cũng phần nào đem tới sự hụt hẫng cho những fan trung thành của “The Shining.”

Giống với series đình đám “The Haunting of Hill House” do chính Flanagan đạo diễn, ẩn đằng sau lớp vỏ bọc kinh dị-tâm linh của “Doctor Sleep” là câu chuyện về những nỗi ám ảnh tâm lý, về sự buông bỏ hay quyết định đương đầu với thực tại của các nhân vật.

Như chính nhân vật Danny Torrance đã phải vật lộn trong trí óc và tìm tới rượu để tạm quên đi cảnh gia đình tan nát còn bản thân sở hữu một thứ năng lực đầy ám ảnh. Trong suốt nhiều năm liền, Danny chưa thể hoàn toàn bước qua quá khứ, cho tới khi gặp Abra và nhận ra sứ mệnh của mình. Khi Danny chọn cách giúp đỡ cô bé với tư cách một người từng trải và đương đầu với quá khứ, ấy cũng là lúc anh trưởng thành.

Sự trưởng thành là một đề tài thường xuyên được khai thác trong các tác phẩm của Stephen King, và không ngạc nhiên khi ông dành những lời khen ngợi cho “Doctor Sleep” bởi bộ phim đã viết tiếp hành trình còn dang dở của Danny sau “The Shining.” Thời lượng dài cộng thêm những nhân vật phản diện “đầu voi đuôi chuột” là những điểm trừ của “Doctor Sleep,” song đây vẫn là một tác phẩm khá và mang tính giải trí.

Không phải ngẫu nhiên mà trong số ba tác phẩm điện ảnh chuyển thể từ sách của Stephen King ra mắt năm 2019 là “Pet Semetary” và “It Chapter Two,” “Doctor Sleep” là tác phẩm được đánh giá cao nhất từ cả giới phê bình lẫn người hâm mộ, theo điểm số trên IMDB và Metacritic.

 

Nguồn: vietnamplus.vn

Viết bình luận mới