Điều đặc biệt của phim Việt Nam duy nhất dự Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội 2018

19/10/2018 13:03

Tại liên hoan phim quốc tế hà nội 2018 sẽ có 40 phim ngắn, 12 phim dài của các quốc gia và vùng lãnh thổ tranh giải.


Một cảnh trong phim “Nhắm mắt thấy mùa hè”.

Đáng chú ý, phim truyện dài duy nhất đại diện việt nam tranh giải là “Nhắm mắt thấy mùa hè”, tác phẩm điện ảnh đầu tay của nữ đạo diễn Cao Thúy Nhi, lại có tới 90% bối cảnh quay ở nhật bản, ê-kíp làm phim phần lớn là người trẻ tuổi theo đuổi dòng phim độc lập.

DẤU ẤN TRẺ VÀ MỚI

“Điện ảnh - Hội nhập và phát triển bền vững” là chủ đề của Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ năm được tổ chức từ ngày 27 đến ngày 31-10-2018 tại Hà Nội. Theo thông tin từ Cục Điện ảnh, dự kiến sự kiện sẽ thu hút gần 1.200 đại biểu và khách mời, trong đó có gần 200 khách quốc tế.

Bộ phim “Nhắm mắt thấy mùa hè” trước khi công chiếu chính thức tại Việt Nam vào tháng 5-2018 đã được giới thiệu tại Nhật Bản. Nhân vật chính của phim là Nhật Hạ, một cô gái trẻ trung, năng động và yêu thích nghệ thuật nhiếp ảnh. Sau biến cố gia đình, cô quyết định sang Nhật Bản tìm tung tích người cha thất lạc nhiều năm. Trong ký ức của người con, cha mình là người yêu nhiếp ảnh đến nỗi quên cả gia đình, thậm chí sẵn sàng từ bỏ vợ con để đến đất nước xa xôi chinh phục đam mê cá nhân. Nhờ hành trình tới xứ sở hoa anh đào, Nhật Hạ tình cờ gặp gỡ một chàng trai Nhật Bản lạnh lùng, ít nói. Run rủi, chàng trai ấy từng quen biết, là học trò của cha cô. Càng đi sâu tìm hiểu, cô gái trẻ càng phát hiện nhiều sự thật không như mong đợi.

Đây là bộ phim tâm lý, tình cảm với những câu chuyện giản dị về tình yêu, niềm tin, trách nhiệm cuộc sống. Mạch phim có tiết tấu chậm rãi, đời thường, dễ nắm bắt, không đi sâu khai thác từng nhân vật mà chú trọng gợi mở cảm xúc, nhận thức của người xem thông qua việc sắp đặt các chi tiết nhỏ được cài cắm tinh tế, lô-gích. Chủ đề thiên nhiên trong bộ phim cũng rất đáng quan tâm khi phác họa một bức tranh phong phú, tươi mới, nhiều chuyển biến của cuộc sống. Tình yêu nam nữ được đề cập trong “Nhắm mắt thấy mùa hè” vừa là thứ tình cảm mơ hồ trong quá khứ mà con người đang cố gắng quên đi, vừa là thứ tình cảm không tên, chớm nở, vừa có cả những tình bạn thuở học trò trong trẻo thơ ngây… Điểm hấp dẫn nhất trong phim xoay quanh những câu hỏi về niềm tin, cách những con người bước qua hành trình từ che giấu, chối bỏ bí mật cá nhân đến đối diện, trưởng thành. Về mặt diễn xuất, dàn diễn viên trong phim thể hiện tương đối trọn vẹn vai diễn, bất đồng ngôn ngữ được xử lý khéo léo, tránh được sự gượng gạo, không ăn nhập như một số bộ phim Việt Nam mời diễn viên nước ngoài tham gia.

Xét một cách tổng thể, đây là nỗ lực đáng ghi nhận ở đội ngũ những người làm phim còn trẻ, sẵn sàng theo đuổi dòng phim độc lập. Trước thềm liên hoan phim và đón nhận thông tin tác phẩm đầu tay sẽ là bộ phim dài duy nhất trong nước được chọn tranh giải, nữ đạo diễn Cao Thúy Nhi chia sẻ: “Chúng tôi đã chọn phong cách phim rất khác so với xu hướng phim Việt Nam thường thấy là nhẹ nhàng, trong lành, nhiều màu sắc, phong cách, đồng thời chấp nhận sự thách thức từ phía khán giả. Chính xác hơn, có thể gọi đó như một phép thử cho cả khán giả lẫn chúng tôi để chúng tôi bước tiếp những bước đi dài thay vì đi nhanh”. Đạo diễn trẻ này cho biết, nội dung phim bắt nguồn từ một câu chuyện có thật của một nhà sản xuất phim, cô đã từ chối tới ba lần khi được đề nghị làm đạo diễn và cuối cùng tự cho mình cơ hội thử nghiệm. Nhóm cốt lõi làm nên tổng thể bộ phim này gồm chín người trẻ tuổi, họ cùng nhau xây dựng kịch bản và mọi vấn đề lớn nhỏ liên quan tới phim. Với những người trẻ tuổi, đó là thử thách không hề nhỏ, buộc họ phải kiên trì, nỗ lực mỗi ngày.

Riêng đạo diễn phim, trong hai năm thực hiện dự án, cô đã không làm được việc gì khác.

Nói về những khó khăn với người làm phim độc lập, Cao Thúy Nhi cho hay: “Cái khó đầu tiên đó là tìm nguồn đầu tư bởi nếu không tìm được thì chúng tôi phải tự chi tiền. Dự án này là một thí dụ. Do không thỏa hiệp được với nhà đầu tư, đội ngũ làm phim chúng tôi quyết định tự bỏ tiền túi. Thứ hai là đưa phim đến gần khán giả. Điều này nghịch lý ở chỗ, càng muốn gần khán giả thì càng không thể chú trọng quá mức vào doanh thu trong khi toàn bộ chi phí mình đã bỏ”.

QUẢNG BÁ ĐẤT NƯỚC THEO CÁCH RIÊNG

Với bộ phim dài duy nhất dự giải Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội 2018 lại có bối cảnh quay chủ yếu ở Nhật Bản, nội dung và hình ảnh không mang đậm bản sắc Việt, rất nhiều câu hỏi đã được đặt ra cho sự kiện này hướng tới nội dung quảng bá đất nước, con người và văn hóa Việt Nam. Trả lời vấn đề nêu trên, bà Ngô Phương Lan - Cục trưởng Cục Điện ảnh, Giám đốc Liên hoan phim nhấn mạnh: “Nhiệm vụ quảng bá Việt Nam tới bạn bè quốc tế là rất quan trọng, cho nên cần được xét ở bình diện lớn chứ không phải chỉ qua một bộ phim trong nước dự thi. Ngay cả việc chúng ta nỗ lực chọn được những bộ phim quốc tế chất lượng, đã đoạt giải danh tiếng, mời các đoàn làm phim ấy sang tham dự cũng là cách quảng bá tốt. Thí dụ, lần này sẽ có phim của Nhật Bản đoạt giải Cành cọ vàng Liên hoan phim Can 71, phim của Chi-lê giành giải Ô-xca - Phim nước ngoài hay nhất, phim Hun-ga-ri đã đoạt giải Gấu vàng - Liên hoan phim Béc-lin”.

Theo bà Ngô Phương Lan, bộ phim Việt Nam dự giải đã đạt được những tiêu chí cơ bản nhất do Hội đồng bình chọn, xem xét và bỏ phiếu kín đồng thời cũng phù hợp với chủ đề “Điện ảnh - Hội nhập và phát triển bền vững”. Những năm gần đây, chủ đề làm phim độc lập đã được bàn luận, giới thiệu ở quy mô hội thảo trong các kỳ liên hoan phim. Bộ phim Việt Nam tranh giải năm nay hẳn sẽ góp phần đẩy mạnh đề tài này ở cấp độ sâu rộng hơn, cụ thể hơn. Chia sẻ thêm về nỗ lực nâng cao chất lượng của liên hoan phim, Cục trưởng Ngô Phương Lan cho rằng, ngoài công tác tuyển chọn, những năm qua, ban tổ chức đã mở thêm hoạt động trại sáng tác tài năng trẻ, chợ dự án phim, tổ chức nhiều hội thảo nghề nghiệp chuyên sâu và một trong những nội dung được tập trung quảng bá chính là giới thiệu nét đặc sắc trong bức tranh tổng thể về điện ảnh Việt Nam, mời đồng nghiệp quốc tế xem phim, thưởng thức nền điện ảnh nước nhà. Bà Ngô Phương Lan nhấn mạnh, trên thực tế, nhờ vào nhiều liên hoan phim danh tiếng như Can của Pháp, Vơ-ni-dơ của I-ta-li-a mà những địa danh này càng trở nên nổi tiếng về văn hóa, du lịch. Việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chọn Hà Nội, Thủ đô nghìn năm văn hiến, vốn đã nói lên ý nghĩa đặc biệt trong giới thiệu những nét đặc sắc về văn hóa, đất nước, con người Việt Nam, đồng thời tạo cơ sở phát triển thêm nhiều loại hình kinh doanh dịch vụ.

Nguồn: nhandan.com.vn

Viết bình luận mới