Đề nghị bỏ tập tục đập đầu trâu, giết mổ trâu chọi sau trận đấu

22/05/2018 07:25

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có công văn gửi Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ và Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị khắc phục hạn chế ở một số lễ hội “điểm nóng” tại hai địa phương này.

Hội phết Hiền Quan 2018 vẫn diễn ra tình trạng bạo lực. (Ảnh: TTXVN)


Thay đổi hình thức tổ chức

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị thay đổi hình thức tổ chức lễ hội Đúc Bụt (xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc), hội Cầu trâu (xã Hương Nha và xã Xuân Quang, huyện Tam Nông, Phú Thọ) và hội phết Hiền Quan (Tam Nông, Phú Thọ).

Lễ hội Đúc Bụt 2018 (diễn ra từ mùng 7-9 tháng Giêng Âm lịch, tức ngày 22-24/2) xảy ra tình trạng chen lấn, tranh cướp chiếu cói.

Bởi vậy, tại Công văn 1894/BVHTTDL-VHCS, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Uỷ ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, xây dựng phương án chuyển đổi hình thức cướp chiếu manh thành nghi lễ rút chiếu tán lộc.

Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Uỷ ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ nghiên cứu xây dựng Đề án đổi mới hình thức tổ chức hội cầu trâu theo hướng: không thực hành tục đập đầu trâu; tuyên truyền, vận động cộng đồng địa phương thay đổi hình thức đập đầu trâu bằng nghi thức tượng trưng mang tính ước lệ, phù hợp với cuộc sống hiện đại, thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối cho người tham gia lễ hội.

Các "bụt" tỏ ra hoảng hốt và mệt mỏi sau màn giằng kéo của hàng trăm thanh niên tại lễ hội Đúc Bụt 2018. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)


Hội cầu trâu được tổ chức vào ngày mồng 2 tháng Giêng Âm lịch hàng năm để tưởng nhớ công đức tướng Xuân Nương dưới thời Hai Bà Trưng.

Đối với hội phết Hiền Quan (Tam Nông, Phú Thọ), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị chuyển đổi hình thức cướp phết sang hướng thực hành nghi lễ đánh phết truyền thống; chia đội, lựa chọn người tham gia thực hành nghi lễ đánh phết, hạn chế số lượng người tham gia; quy định trách nhiệm của ban tổ chức, người tham gia thực hành nghi lễ, người tham gia hội để tránh hiện tượng tranh cướp, ẩu đả, mất kiểm soát.

Đặc biệt, Công văn 1893/BVHTTDL-VHCS do Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy ký  nêu rõ, ban tổ chức phải có phương án đảm bảo an ninh, trật tự an toàn tuyệt đối cho người tham gia lễ hội; xây dựng hàng rào kiên cố quanh khu vực đánh phết; quy hoạch khu vực dịch vụ, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Sau khi hoàn thiện, dự thảo Đề án đổi mới công tác và tổ chức lễ hội phải được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho ý kiến trước khi phê duyệt. Trường hợp chưa xây dựng được Đề án đổi mới công tác và tổ chức lễ hội, Bộ sẽ đề nghị tạm dừng tổ chức hội phết Hiền Quan…

Mặc dù trong mùa lễ hội năm nay, ban tổ chức hội phết Hiền Quan đã có nhiều biện pháp tuyên truyền, thắt chặt an ninh và xây dựng kịch bản nhiều lớp nhưng tình trạng tranh cướp, ẩu đả bạo lực, đi ngược với giá trị truyền thống của một lễ hội văn hóa... vẫn xảy ra vào chiều 12 tháng Giêng Âm lịch (tức 27/2).

“Siết” quản lý lễ hội chọi trâu

Trong công văn gửi Uỷ ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ rõ, ban tổ chức lễ hội chọi trâu Hải Lựu (huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc) năm 2018 (diễn ra trong hai ngày 16, 17 tháng Giêng Âm lịch, tức 3,4/3) chưa đảm bảo công tác an toàn cho người tham gia.

Bởi vậy, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị ban tổ chức có phương án đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn tuyệt đối cho người tham gia lễ hội; xây dựng hàng rào kiên cố khu vực chọi trâu và có phương tiện chuyên dụng để phòng ngừa, xử lý tình huống phát sinh; có phương án kiểm soát và ngăn chặn tiêm chất kích thích cho trâu chọi; quy định chặt chẽ trách nhiệm của ban tổ chức, chủ trâu và người tham gia lễ hội.

Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đề nghị địa phương tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc, lịch sử và các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của di tích và lễ hội; bảo tồn có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp; vận động chủ trâu không giết mổ trâu chọi sau trận đấu.

“Trong trường hợp không đủ các tài liệu để chứng minh đây là lễ hội truyền thống và việc tổ chức lễ hội chưa mang lại những giá trị giáo dục truyền thống văn hóa cho cộng đồng, Bộ đề nghị tạm dừng tổ chức lễ hội chọi trâu xã Hải Lựu, huyện Sông Lô”, công văn nêu rõ.

 

Trong trường hợp không đủ các tài liệu để chứng minh đây là hội truyền thống và tổ chức hội chưa mang lại những giá trị giáo dục truyền thống văn hóa cho cộng đồng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị tạm dừng tổ chức hội chọi trâu xã Phù Ninh. (Ảnh: TTXVN)


Đối với hội chọi trâu Phù Ninh (Phú Thọ), Công văn số 1893/BVHTTDL-VHCS nêu rõ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng Đề án đổi mới công tác tổ chức và quản lý lễ hội theo hướng: giảm số lượng trâu chọi; không tổ chức vòng loại (thay vào đó, chỉ tổ chức một vòng đấu duy nhất); không bán vé thu tiền vào lễ hội; quy định chặt chẽ trách nhiệm của ban tổ chức, chủ trâu và người tham gia lễ hội; vận động chủ trâu không giết mổ trâu chọi sau trận đấu.

Trên thực tế, hội chọi trâu Phù Ninh 2018 (diễn ra trong hai ngày 8,9 tháng Giêng Âm lịch, tức 23,24,2), vẫn còn những hình ảnh chưa đẹp như có chủ trâu tiến hành giết mổ trâu thua cuộc tại khu vực gần nơi diễn ra hội chọi trâu để phục vụ nhu cầu mua thịt trâu chọi của nhân dân, du khách./.

Nguồn: vietnamplus.vn
 

 

 

Viết bình luận mới