Có định vị toàn cầu khi tập luyện, thi đấu môn Dù lượn và Diều bay

22/03/2018 10:21

Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã ban hành Thông tư 06/2018/TT-BVHTTDL quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị và tập huấn nhân viên chuyên môn đối với môn Dù lượn và môn Diều bay.

 Diều bay - Internet

Cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện, thi đấu và biểu diễn được quy định như sau: Có khu vực xuất phát và khu vực đỗ đáp ứng yêu cầu: a- Độ cao chênh lệch giữa khu vực xuất phát cao hơn khu vực đỗ ít nhất là 70m; b- Kích thước khu vực xuất phát: đối với môn dù lượn ít nhất là 15m chiều ngang và 10m chiều dọc, đối với môn diều bay ít nhất là 10m chiều ngang và 10m chiều dọc; c- Kích thước khu vực đỗ: với môn dù lượn ít nhất là 30m chiều ngang và 30m chiều dọc, với môn diều bay ít nhất là 15m chiều ngang và 60m chiều dọc.

Điều kiện gió phù hợp để cất cánh: a- Dù lượn cấp độ thấp (cấp độ EN A, EN B) là 0-5,5m/s; b- Dù lượn cấp độ cao, dù lượn thi đấu là từ 0-8,8 m/s; c- Diều bay không có động cơ là từ 6,6-8,8 m/s; d- Diều bay có động cơ là từ 0-8,8 m/s.

Có các bảng nội quy, bảng chỉ dẫn được đặt ở những vị trí dễ nhận biết trong khu vực xuất phát và khu vực đỗ. Bảng nội quy quy định về: Giờ tập luyện, đối tượng được tham gia tập luyện, thi đấu, biểu diễn; trang phục; biện pháp đảm bảo an toàn và các quy định khác.

Bảng chỉ dẫn quy định về: Bản đồ khu vực bay, giới hạn khu vực bay, các quy định về khu vực bay, số điện thoại của người có trách nhiệm quản lý bay, tần số bộ đàm và cách thức liên lạc khi cần thiết.

Ngoài ra, cần có kế hoạch an toàn, tìm kiếm và cứu nạn.

Trang thiết bị tập luyện, thi đấu, biểu diễn

 Dù lượn - Ảnh Internet

Thông tư quy định, trang thiết bị tập luyện, thi đấu, biểu diễn gồm: dù chính, dù phụ (đối với môn Dù lượn) và diều, dù phụ (đối với môn Diều bay), đai ngồi, hệ thống dây an toàn, bộ đàm, mũ bảo hiểm, giầy, thiết bị đo độ cao, định vị toàn cầu.

Phải có phương tiện thông tin, liên lạc đảm bảo yêu cầu liên lạc thông suốt từ bộ phận điều hành đến quản lý bay khu vực, các vùng hoạt động dù lượn và diều bay thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý của cơ sở thể thao và các cơ quan quản lý có thẩm quyền.

Hình thức dù lượn và diều bay phải bảo đảm phù hợp với phong tục tập quán, truyền thống văn hóa dân tộc.

Khoảng thời gian cất cánh giữa các lượt bay tối thiểu là 90 giây. Mỗi người hướng dẫn tập luyện phải bảo đảm: hướng dẫn không quá 5 người trong 1 giờ học; bay kèm không quá 01 người/01 lượt bay. Một người tập bay không quá 02 chuyến/01 ban bay.

Tổng cục Thể dục thể thao, Tổ chức xã hội - nghề nghiệp về Dù lượn và Diều bay cấp quốc gia hoặc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức tập huấn chuyên môn cho người hướng dẫn tập luyện, nhân viên cứu hộ môn Dù lượn và Diều bay. Giấy chứng nhận tập huấn chuyên môn do cơ quan tổ chức tập huấn cấp.

Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4/2018.

Nguồn chinhphu.vn

Viết bình luận mới