Chia sẻ kinh nghiệm bảo tồn đô thị cổ, làng cổ

19/08/2018 11:21

Ngày 18/8 tại TP. Hội An, Quảng Nam, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An phối hợp với Trường Đại học Nữ Chiêu Hòa (Showa, Nhật Bản) tổ chức tọa đàm “Những vấn đề đặt ra trong công tác bảo tồn di sản Đô thị cổ - Làng cổ Việt Nam”.

Ảnh VGP/Lưu Hương

Theo thống kê, hiện Việt Nam có hơn 40.000 di tích, trong đó khoảng 3.300 di tích đã được xếp hạng Quốc gia và 13 di tích xếp hạng Quốc gia đặc biệt. Việt Nam cũng là quốc gia có 25 di sản thế giới được UNESCO công nhận.

Với sự nỗ lực của nhà nước, chính quyền địa phương và cộng đồng nhân dân nhiều di tích đã được bảo tồn và phát huy giá trị. Tuy nhiên công tác bảo tồn và phát huy di tích hiện nay vẫn còn nhiều vần đề thách thức về kinh phí, tác động của tự nhiên…

Tại buổi tọa đàm, các đại diện Ban quản lý đô thị cổ, làng cổ Việt Nam đã cùng nhau trao đổi, chia sẻ những bài học kinh nghiệm, những khó khăn, thách thức gặp phải trong quá trình quản lý và bảo tồn di sản của các làng cổ, đô thị cổ, như: Tác động của các yếu tố tự nhiên và xã hội, sự hạn hẹp về nguồn vốn đầu tư, vật tư, vật liệu trùng tu… Đặc biệt, bài toán giữa bảo tồn trùng tu và phát triển gắn với nhu cầu thiết yếu của người dân bản địa và lợi ích cộng đồng là điều hầu như các di sản làng cổ đều gặp phải.

Từ đó, các đại biểu đưa ra các giải pháp trong công tác quản lý, bảo tồn di sản ở Việt Nam như: Nhận diện những ưu tiên cho bảo tồn, xác định trách nhiệm của các bên liên quan; tổ chức bộ máy quản lý phù hợp với tầm vóc di tích, làng cổ; xây dựng chiến lược, chính sách phát triển du lịch, chuẩn bị ứng phó với thạm họa thiên nhiên; sự hỗ trợ của các tổ chức ở Nhật Bản trong các vấn đề về kỹ thuật Trùng…

Theo ông Phạm Hùng Sơn, Trưởng Ban Quản lý Di tích làng cổ Đường Lâm, song song với công tác bảo tồn, tu bổ các loại hình giá trị văn hóa vật thể, Ban quản lý còn chú trọng đến công tác phục hồi các giá trị văn hóa phi vật thể truyền thống như lễ hội, các trò chơi dân gian, sưu tầm trang phục cổ, khám phá và đề xuất các sản phẩm mới để phục vụ phát triển du lịch, tăng nguồn thu nhập cho người dân, góp phần quảng bá, thu hút khách du lịch tới tham quan tìm hiểu về di tích tăng nhanh.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Hiroyuki Toyoki, Cục Văn hóa thuộc Cơ quan Văn hóa Nhật Bản cho biết: Nhật Bản chia sẻ những khó khăn, thách thức mà các di sản làng cổ - đô thị cổ Việt Nam đang gặp phải. Đồng thời cho biết sẽ tiếp tục huy động sự hỗ trợ của các tổ chức ở Nhật Bản trong các vấn đề về kỹ thuật trùng tu, phát triển các chương trình cộng đồng mang lại lợi ích cho người dân…

Ông Phạm Phú Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An cho biết, hiện nay các di sản làng cổ đều đang có mối quan hệ hợp tác tốt đẹp với Nhật Bản trong công tác bảo tồn. Với kinh nghiệm, giúp đỡ từ các quốc gia đạt nhiều thành quả trong công tác bảo tồn di sản như Nhật Bản là hết sức cần thiết, để từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm có thể áp dụng trong từng điều kiện cụ thể ở Việt Nam./.

Nguồn chinhphu.vn

Viết bình luận mới