Trải nghiệm văn hóa Hội An tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam
19/02/2024 11:00
Vào ngày 17 và 18/2 (mùng 8 và 9 tháng Giêng), Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam phối hợp với Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh - Truyền hình Hội An tổ chức “Vui Xuân Giáp Thìn - Sắc thái văn hóa Hội An”.
Chương trình nhằm quảng bá hình ảnh Hội An đến du khách trong nước và bạn bè quốc tế.
Chuỗi các hoạt động năm nay được Bảo tàng dân tộc học Việt Năm mang đến vô cùng đa dạng, phong phú.
Theo đó, hơn 40 nghệ nhân các nghề thủ công truyền thống đến từ Hà Nội và đặc biệt ở Hội An sẽ trực tiếp hướng dẫn du khách làm đèn lồng, làm gốm Thanh Hà, làm mộc Kim Bồng… Bên cạnh đó, du khách còn được thưởng thức hò xứ Quảng, hát sắc bùa, diễn xướng Bả trạo cầu Ngư, trò chơi bài chòi của người dân đến từ Hội An. Các món ăn truyền thống cũng được giới thiệu đến công chúng qua hương vị của mỳ Quảng, Cao lầu, bánh đập, bánh bông hồng,...
Vui xuân Giáp Thìn - Sắc thái văn hoá Hội An. (Ảnh: Hải Hà) |
Trong hai ngày mồng 8 và 9 tháng Giêng, từ 17 giờ 30 đến 21 giờ, chương trình “Đêm Hội An - Cùng thắp sáng di sản” sẽ tái hiện không gian phố cổ Hội An với ánh đèn lồng rực rỡ cùng các hoạt động trình diễn nghề, trò chơi dân gian bịt bắt đập niêu, hô bài chòi, tập hát dân ca… Cùng với đó, Tết truyền thống và văn hóa của Hội An được thể hiện qua màn hình tương tác…
Tại Vườn Kiến trúc dân gian, các em nhỏ được tham gia các trò chơi dân gian như: nhảy bao bố, gánh lúa qua cầu, kéo co, đi cà kheo, rồng rắn lên mây, múa sạp, tung còn, ném pao, đẩy gậy, đánh cầu lông gà, đánh mảng,... Du khách còn có cơ hội tham quan không gian văn hóa và thưởng thức các món ăn đặc trưng của ẩm thực Mường.
Các em nhỏ trải nghiệm làm gốm. (Ảnh: Hải Hà) |
Năm nay, bảo tàng đẩy mạnh áp dụng công nghệ để hướng tới đối tượng trẻ. Du khách được khám phá di sản văn hóa truyền thống, có cơ hội được tham gia Vui đón quà khám phá ý nghĩa Tết; QR Tour: Khám phá Tết Rồng trong không gian trưng bày của Bảo tàng; Tranh tài họa rồng và khám phá những đứa con của rồng,....
Ngoài ra, hoạt động STEM giúp các em nhỏ vận dụng kiến thức khoa học để làm một số đồ chơi gắn với chủ đề Tết. Nhờ đó dễ dàng thu hút lứa tuổi trẻ tiếp cận các di sản văn hóa.
Tiến sĩ Bùi Ngọc Quang - Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam chia sẻ: “Lần thứ hai bảo tàng phối hợp với thành phố Hội An, chúng tôi hi vọng với chuỗi hoạt động phong phú trong dịp xuân Giáp Thìn sẽ tạo nên không gian văn hóa Hội An đặc sắc, truyền tải thông điệp và văn hóa xứ Quảng đến mọi người.”
Chương trình “Vui Xuân Giáp Thìn - Sắc thái văn hóa Hội An” mong muốn du khách, nhất là các bạn trẻ đến gần hơn với Tết cổ truyền, tìm hiểu về các ý nghĩa và nét đẹp các di sản văn hóa của Hội An. Từ đó, bản thân mỗi người sẽ biết giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống trong đời sống hiện đại.
Các bài viết cùng chuyên mục
Bức tường đất chùa Bổ Đà - kiến trúc dân gian hòa quyện con người và thiên nhiên
Tác dụng của quả chuối 'đặc biệt' nhất Việt Nam
Tuần phim kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam
TS. Ngô Phương Lan tái đắc cử Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam
Kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số
Hơn 50 đầu sách được lựa chọn tham dự Hội chợ sách thiếu nhi quốc tế Busan
Người Nhật ăn cơm đều đặn nhưng không béo: 5 thói quen cần học tập
Tổ chức xây dựng mô hình bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số
Thêm 6 di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt
Xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ đợt 7