Thực hư căn bệnh khiến tóc đột nhiên bạc trắng

17/02/2024 13:45

Các nhà khoa học lý giải câu chuyện về một số nhân vật nổi tiếng đột nhiên đổi màu tóc bạc trắng khi gặp biến cố.

Hội chứng Marie Antoinette đề cập đến tình trạng tóc của một người đột nhiên chuyển sang màu trắng. Tên của hội chứng này xuất phát từ câu chuyện về Hoàng hậu Pháp Marie Antoinette, người có mái tóc đột ngột chuyển sang màu trắng trước khi bị hành quyết vào năm 1793. Khi đó, Antoinette mới 38 tuổi. 

Tóc ngả bạc là hiện tượng tự nhiên thay đổi khi tuổi tác nhiều hơn. Khi già đi, mọi người có thể bắt đầu mất đi các sắc tố melanin tạo nên màu tóc.

toc bac.jpg
Hoàng hậu Pháp Marie Antoinette. Ảnh: Collector

Mặc dù tóc của bạn có thể chuyển sang màu trắng trong khoảng thời gian tương đối ngắn, nhưng điều này không có khả năng xảy ra trong vài giờ, qua đêm. Dưới đây là những nghiên cứu đánh giá thực hư về hội chứng Marie Antoinette: 

Truyền thuyết và sự thực 

Các nghiên cứu không ủng hộ quan điểm cho rằng tóc có thể bạc trắng đột ngột. Tuy nhiên, những câu chuyện về hiện tượng đó trong lịch sử vẫn tiếp tục lan tràn. Ngoài Hoa hậu Antoinette, những nhân vật nổi tiếng khác trong lịch sử cũng được cho đã trải qua những thay đổi đột ngột về màu tóc. Trong đó có luật sư người Anh Thomas More đã bị bạc tóc đột ngột trước khi bị hành quyết năm 1535.

Báo cáo được công bố trên Archives of Dermatology ghi nhận lời kể của nhân chứng về những người sống sót sau vụ đánh bom từ Thế chiến thứ hai bị bạc tóc nhanh bất ngờ. Sự thay đổi màu tóc như vậy cũng được phản ánh trong văn học và khoa học viễn tưởng, thường do tâm lý.

Tuy nhiên, như Tiến sĩ Murray Feingold viết trên MetroWest Daily News, cho đến nay, không có nghiên cứu nào cho thấy bạn có thể đổi màu tóc qua đêm. Bài báo đăng trên tạp chí của Hiệp hội Y học Hoàng gia lập luận rằng các tài liệu lịch sử về việc tóc trắng đột ngột có thể liên quan đến chứng rụng tóc từng vùng hoặc do gội sạch thuốc nhuộm tóc tạm thời.

Căng thẳng có khiến tóc bạc trắng? 

Hội chứng Marie Antoinette trong lịch sử được miêu tả do căng thẳng đột ngột gây ra. Marie Antoinette và Thomas More đã thay đổi màu tóc trong tù vào những ngày cuối đời. Stress không gây bạc tóc đột ngột. Tuy nhiên, theo thời gian, căng thẳng mạn tính có thể dẫn đến tóc bạc sớm, rụng tóc. 

Nguyên nhân của hiện tượng tương tự

Theo Healthline, các trường hợp gọi là hội chứng Marie Antoinette thường được cho do rối loạn tự miễn gây ra. Tình trạng đó làm thay đổi cách cơ thể chuyển sang tấn công các tế bào khỏe mạnh. Trong trường hợp có các triệu chứng giống hội chứng Marie Antoinette, cơ thể sẽ ngừng tạo ra sắc tố tóc bình thường. Kết quả là tóc tiếp tục phát triển nhưng sẽ có màu xám hoặc trắng.

Những nguyên nhân có thể khiến tóc bạc sớm dễ bị nhầm lẫn với hội chứng Marie Antoinette như sau: 

Rụng tóc từng vùng: Đây là một trong những nguyên nhân đáng chú ý nhất gây ra chứng hói đầu. Các triệu chứng của rụng tóc từng vùng liên quan tình trạng viêm tiềm ẩn. Khi đó, tóc hiện tại rụng còn các nang tóc ngừng phát triển tóc mới. 

Nếu bạn đã có một số sợi tóc màu xám hoặc trắng, các mảng hói làm cho tình trạng mất sắc tố trở nên rõ ràng hơn, gây ảo giác rằng tóc bạn bạc trắng. Khi điều trị, tóc mới mọc ra có thể giúp che đi những sợi tóc bạc. 

Gene: Nếu gia đình có tiền sử tóc bạc sớm thì bạn dễ có nguy cơ mắc bệnh này. Theo Mayo Clinic, gene IRF4 có thể đóng một vai trò nào đó. Khuynh hướng di truyền khiến việc đảo ngược màu tóc trở nên khó khăn.

Thay đổi nội tiết tố: Các vấn đề bao gồm bệnh tuyến giáp, mãn kinh và giảm nồng độ testosterone. Bác sĩ có thể kê các loại thuốc giúp cân bằng lượng hormone của bạn và ngăn chặn tình trạng tóc bạc sớm hơn nữa.

Thiếu dinh dưỡng: Đặc biệt là thiếu vitamin B-12. Bạn có thể đẩy lùi tình trạng bạc tóc liên quan đến dinh dưỡng bằng cách bổ sung đủ các chất dinh dưỡng mà bạn đang thiếu. Xét nghiệm máu có thể giúp phát hiện các thiếu hụt. 

Bệnh bạch biến: Bệnh tự miễn này gây mất sắc tố trên da, làm xuất hiện các mảng trắng. Những tác động như vậy có thể ảnh hưởng đến sắc tố tóc khiến tóc bạn cũng chuyển sang màu xám. Bệnh bạch biến rất khó điều trị, đặc biệt là ở trẻ em. Trong số các lựa chọn có corticosteroid, phẫu thuật và liệu pháp ánh sáng. 

Nguồn vietnamnet.vn

Viết bình luận mới