Nét độc đáo của cặp rồng đá thành bậc đền Thượng

23/01/2024 13:55

Ngày 18/01/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 73/QĐ-TTg công nhận bảo vật quốc gia (Đợt 12), trong đó có hiện vật cặp rồng đá thành bậc đền Thượng (Cổ Loa) thời Lê Trung Hưng, hiện đang được lưu giữ tại Khu di tích Cổ Loa (xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội).

Bộ thành bậc bằng đá được đặt trước nghi môn ngoại, đền Cổ Loa - hay còn được gọi là đền Thượng, đền thờ vua An Dương Vương, "Chính pháp điện", tọa lạc trên một khu đất cao, thuộc góc Tây Nam thành Nội.

Đôi rồng được chạm trên một khối đá nguyên. Hai bên thành bậc có cấu trúc và hoa văn trang trí tương đối giống nhau. Đề tài chủ đạo là hình rồng được chạm ở tư thế vận động từ trên xuống dưới theo chiều dọc của thành bậc. Đầu rồng ngẩng cao, trán dô, tạo thành u, má hóp, mũi sư tử, mắt tròn, tai thú, đôi sừng có nhánh dài, chạm tới cả khúc thân thứ nhất; miệng rộng, ngậm ngọc, lưỡi ngắn, nanh nhọn, viền xung quanh hàm rồng dưới trang trí họa tiết dải mây xoắn nhỏ, râu mép uốn lượn trải dài từ mắt tới thân, lượn sóng bay về phía sau gáy.

Cặp rồng đá ở đền Thượng (Ảnh: Hoàng thành Thăng Long)

Với lối tạo tác kết hợp giữa tượng tròn và phù điêu, biểu tượng rồng cùng văn mây, đã tạo nên sự sống động, uyển chuyển, nhưng cũng đầy mạnh mẽ trên không gian dày đặc mây bay.

Bộ thành bậc đền Cổ Loa niên đại 1732 là bộ thành bậc duy nhất trên cả nước gắn với di tích nổi tiếng, thờ Đức vua An Dương Vương - vị vua lập nên nhà nước Âu Lạc, thế kỷ 3 trước Công nguyên. Đó là bộ thành bậc thuộc thành phần kiến trúc của đền thờ Đức vua, nằm trong khu di tích Quốc gia đặc biệt Cổ Loa. Kích thước, cấu trúc và hoa văn trang trí của thành bậc không lặp lại ở bất kỳ di tích nào ở Việt Nam có cùng chức năng và niên đại.

 Hình thức độc đáo của cặp rồng đá thành bậc đền Thượng (Cổ Loa) thể hiện ở việc chạm khắc hoa văn rất đặc biệt. (Ảnh: Hoàng thành Thăng Long)

Hình thức độc đáo của cặp rồng đá thành bậc đền Thượng (Cổ Loa) thể hiện ở việc chạm khắc hoa văn rất đặc biệt, mang những nét điển hình của nghệ thuật điêu khắc thời Lê Trung Hưng đầu thế kỷ 18. Khác với đôi rồng thành bậc phía sau của điện Kính Thiên hay thành bậc rồng ở Lam Kinh mang dáng dấp đặc trưng của thành bậc cung điện, biểu trưng cho vương quyền, thì cặp rồng đá thành bậc đền Thượng (Cổ Loa) lại có nét độc đáo riêng, tạo nên sự đặc biệt, đó là, do đền Thượng là Quốc từ, nên có sự kết hợp giữa biểu tượng vương quyền (rồng 5 móng) và rồng 4 móng. Đó còn là biểu trưng cho quan niệm "tả nam, hữu nữ", tượng trưng cho âm, dương; có sự phát sinh, phát triển, vốn là một quan niệm có ý nghĩa triết học, khởi nguồn từ thời dựng nước của người Việt.

Các hình tượng của "bát bửu" thể hiện trên bệ rồng phía Tây, có sự kết hợp giữa Đạo giáo và Phật giáo, đã tạo nên những hòa điệu tâm linh và triết lý tôn giáo, phản ánh tư tưởng nghệ thuật mang tính thời đại, gắn liền với mong ước về một cuộc sống viên mãn, hạnh phúc, gửi gắm ước vọng của người xưa tới thần linh. Chính từ những hoa văn trang trí này đã tạo nên sự khác biệt của thành bậc đền Thượng với những thành bậc đã biết trong các di tích tôn giáo và tâm linh ở Việt Nam.

Nét đặc biệt của cặp rồng đá đền Thượng (Cổ Loa) là có sự kết hợp với ba cây hương đá phía trước ("Thiên thạch trụ" - ba trụ chuyển nguồn sinh học của tầng trời xuống dưới đất). Xét theo quan niệm tâm linh và triết học, cây hương đá ngoài trời chính là sự kết nối giữa trời và đất hay cõi âm - cõi dương - là cột thông thiên giữa trời và đất, cao hơn, chính là ý nghĩa vô cùng nhân văn, cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu cho những điều tốt đẹp đến với đời sống con người. Do vậy, cặp rồng đá đền Thượng là hình tượng biểu trưng cho năng lượng của trời đất, là hình ảnh thể hiện sự biểu trưng cho nhà vua và quyền lực của nhà vua - của vị thần chủ - Đức vua An Dương Vương, là vật thiêng mang lại sinh khí cho chốn linh thiêng như ngôi đền thờ Đức vua./.

 
H.Thanh
Nguồn dangcongsan.vn
Viết bình luận mới