Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam ở An Giang

23/09/2024 13:10

Thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, Tỉnh ủy xác định việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người là nhiệm vụ then chốt, thường xuyên, cần sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Qua 10 năm triển khai thực hiện nghị quyết, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người An Giang đạt nhiều kết quả quan trọng.

Họp mặt đại biểu trí thức, văn nghệ sĩ

 

Phát huy giá trị văn hóa con người An Giang

Những năm qua, nhiệm vụ xây dựng, phát triển toàn diện con người An Giang được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển của địa phương, với ưu tiên nguồn lực cho việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp các dân tộc. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội.

Công tác xây dựng, hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa con người An Giang được quan tâm phát huy, nhất là những giá trị, các tính cách đặc trưng của con người An Giang, như: Khiêm tốn, giản dị, thủy chung, hào sảng, trọng nghĩa, bao dung… Môi trường văn hóa trên địa bàn tỉnh, nhất là ở địa bàn dân cư, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc và khu vực giáp biên được cải thiện, phù hợp tình hình phát triển kinh tế của địa phương. Văn hóa trong hệ thống chính trị, cơ quan, công sở, doanh nghiệp và mỗi gia đình có nhiều tiến bộ. Yếu tố văn hóa trong đời sống ngày càng trở thành nhân tố chính thúc đẩy con người An Giang hoàn thiện nhân cách, phát triển toàn diện. Các giá trị văn hóa tiêu biểu của An Giang thường xuyên được quảng bá rộng rãi trong và ngoài nước.

Khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa cộng đồng các dân tộc và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh được rút ngắn. Các giá trị đạo đức xã hội được đề cao. Đặc biệt, việc xây dựng môi trường văn hóa là nội dung chủ yếu trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục được củng cố và nâng chất, từng bước hoạt động ổn định, đi vào nền nếp; chất lượng các danh hiệu văn hóa ngày càng được nâng cao.

 

Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh

 

Các địa phương, đơn vị trong tỉnh xây dựng và ban hành Quy chế văn hóa công sở; thực hiện nghiêm túc quy định không sử dụng rượu, bia trong giờ hành chính và giờ nghỉ trưa của ngày làm việc; nâng cao ý thức của cán bộ, đảng viên người dân trong thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội theo hướng văn minh, tiết kiệm và bảo vệ môi trường.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đào Sĩ Tuấn, các hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao từ cấp tỉnh đến cơ sở từng bước được đầu tư xây dựng. Tỉnh đầu tư xây dựng Nhà hát tỉnh An Giang trên diện tích 16.328m2, với tổng mức đầu tư trên 215 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh; đầu tư xây dựng Nhà Văn hóa Lao động trên diện tích 9.559m2, có tổng mức đầu tư 60 tỷ đồng. Đến nay, tỉnh đảm bảo đủ 3 loại hình thiết chế văn hóa, gồm: Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật, bảo tàng và thư viện.

Các hoạt động văn hóa - thể thao, hoạt động cộng đồng tại các xã nông thôn mới tác dụng tích cực trong việc hình thành lối sống văn minh, tác động tốt đến việc xây dựng văn hóa đạo đức con người ở vùng nông thôn, biên giới. Trong đó, mô hình “Điểm sáng văn hóa biên giới” tại 5 huyện, thị xã, thành phố biên giới và các mô hình giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc giúp hạn chế sự xâm nhập các sản phẩm văn hóa không lành mạnh…, góp phần củng cố hệ thống chính trị, thiết chế văn hóa địa bàn biên giới ngày càng vững mạnh.

Xây dựng văn hóa gắn với phát triển kinh tế

“Qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW, cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương từ tỉnh đến cơ sở có sự chuyển biến mạnh mẽ nhận thức và hành động về công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; phát huy sức mạnh tổng hợp của các nguồn lực để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và con người Việt Nam. Đồng thời, gắn nhiệm vụ xây dựng văn hóa với phát triển kinh tế và xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh. Việc xây dựng văn hóa trong Đảng, trong hệ thống chính trị, nhất là việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một trong những giải pháp quan trọng để xây dựng văn hóa con người theo tinh thần nghị quyết đề ra” - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng đánh giá.

Để tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết 33-NQ/TW và Chương trình hành động 33-CTr/TU về “về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” thời gian tới đạt hiệu quả cao hơn, Tỉnh ủy đề nghị các cấp ủy Đảng và toàn thể cán bộ, đảng viên trong tỉnh nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực vượt qua khó khăn, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quan tâm chăm lo sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người An Giang, chăm lo nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân.

Theo đó, các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị thời gian tới, tiếp tục quán triệt sâu sắc và tuyên truyền rộng rãi các quan điểm, nhiệm vụ về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Các mục tiêu và chỉ tiêu phát triển văn hóa cần được đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh hàng năm. Đẩy mạnh tuyên truyền nhằm xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế, đề cao liêm chính để ngăn chặn suy thoái đạo đức trong cán bộ, đảng viên. Tăng cường quản lý Nhà nước về văn hóa, ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình, thiết chế văn hóa; hỗ trợ, khuyến khích nghệ nhân, nghệ sĩ giữ gìn và sáng tạo nghệ thuật. Đẩy mạnh xã hội hóa để huy nguồn lực phát triển văn hóa… Chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống và giá trị chân - thiện - mỹ cho thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên. Khuyến khích, tạo điều kiện để mọi người dân tham gia sáng tạo, bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị di sản văn hóa, nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

Nguồn: baoangiang.com.vn

Viết bình luận mới