Xây dựng trường học an toàn, thân thiện

10/04/2018 16:12

Gần đây, tình trạng bạo lực học đường không chỉ xuất phát từ những chuyện nhỏ mà còn xuất phát từ những mâu thuẫn lớn. Không còn giữa học sinh (HS) và HS với nhau, mà còn giữa HS và phụ huynh, giáo viên (GV), trong đó còn lôi kéo thêm nhiều thành phần bất hảo trong xã hội, đẩy các sự việc trở nên nghiêm trọng, gây mất an ninh trật tự, an toàn tại một số trường học.

 

Cần xây dựng trường học an toàn, bạn bè thân thiện, gắn kết yêu thương

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, năm 2017, toàn tỉnh xảy ra 4 vụ việc bạo lực nghiêm trọng, HS không chỉ đánh nhau đơn thuần mà có trường hợp mang theo hung khí trong cặp, gây tổn thương đến bạn học.

Đầu năm 2018, xảy ra trường hợp 1 gia đình gồm 9 người kéo vào trường THPT ở một huyện, kéo HS nữ lớp 12 ra đánh hội đồng. Với những hành xử mang tính chất manh động nên dù có sự can ngăn, ít nhiều để lại hậu quả, tổn thương về thể chất và tinh thần cho nữ sinh.

Vụ việc 4 em HS của trung tâm giáo dục thường xuyên và trường năng khiếu dùng mã tấu giải quyết mâu thuẫn với nhóm thanh niên khác càng thể hiện rõ hơn cách hành xử thô bạo, giải quyết mâu thuẫn mang tính bạo lực, không màng đến đạo đức và pháp luật.

Lý giải vấn đề trên, Sở Giáo dục và Đào tạo đã nhìn nhận nguyên nhân dẫn đến bạo lực là do trong độ tuổi phát triển, nhất là ở độ tuổi THCS, tâm lý các em rất phức tạp nhưng thiếu sự quan tâm, chia sẻ, giáo dục từ gia đình nên dễ dàng bị lôi kéo bởi các thành phần xấu, tệ nạn xã hội và đáng buồn thay khi xảy ra sự việc chính gia đình không làm rõ đúng, sai lại tiếp tay bênh vực, ủng hộ con làm điều sai trái.

Cùng với đó là mức độ bạo lực trong các phim ảnh, game online ngày càng nhiều, tình tiết bạo lực man rợ đang từng ngày thẩm thấu vào đầu óc non nớt của trẻ đang trưởng thành, đến khi gặp mâu thuẫn sẽ có hành xử như mang tính lập trình sẵn.

Ngoài ra, nguyên nhân còn là sự thiếu sâu sát, quan tâm, quản lý của nhà trường, các chương trình giáo dục học đường còn mang tính hình thức, chưa thật sự hấp dẫn, đổi mới, sáng tạo để thu hút HS.

Trách nhiệm nặng nề ấy không chỉ được thực hiện từ ngành giáo dục, mà cần sự phối hợp với công an và các tổ chức xã hội, như: xây dựng các buổi nói chuyện chuyên đề, các buổi ngoại khóa nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của GV, HS trong việc “nói không với hành vi bạo lực”, phát huy vai trò GV, nhân viên, HS trong việc ngăn chặn, tố giác tội phạm, tệ nạn xã hội hành vi bạo lực xảy ra với bản thân và bạn bè xung quanh, tăng cường kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn, thương tích và bạo lực học đường. đoàn - đội trong nhà trường tăng cường hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho HS, hướng dẫn HS sử dụng mạng xã hội đúng đắn.  Xây dựng bộ quy tắc ứng xử học đường giữa HS và HS, HS và GV, phụ huynh, cung cấp các số điện thoại đường dây nóng để tư vấn, hỗ trợ trẻ em, phụ nữ khi bị bạo lực như đầu số 18008077 (tư vấn, hỗ trợ trẻ em, phòng, chống mua bán người của tỉnh An Giang).

Đồng thời,  xây dựng địa chỉ tin cậy trực tiếp tại các trường học. Điển hình như trường THPT Nguyễn Quang Diêu (TX. Tân Châu) có cách tư vấn cho HS rất hay, HS có thể lựa chọn bất cứ ai từ GV chủ nhiệm, GV bộ môn, hiệu phó, hiệu trưởng để chia sẻ những vấn đề đang gặp phải, các em sẽ được giữ bí mật và được cho những lời khuyên hữu ích.

Tiếp thục thực hiện phong trào “Trường học thân thiện, HS tích cực” là cách giảm tình trạng bạo lực học đường. Các em sẽ tìm được niềm vui trong học tập và hoạt động vui chơi, kết hợp truyền thống và hiện đại phù hợp với lứa tuổi.

 

Nguồn: baoangiang.com.vn

Viết bình luận mới