Xây dựng nguồn nhân lực phục vụ nông nghiệp

23/02/2018 09:23

Năm 2018, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) dự kiến dành nguồn kinh phí gần 11,6 tỷ đồng để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC) chuyên môn, lực lượng khuyến nông viên (KNV) cùng nông dân (ND) trực tiếp sản xuất (SX). Đây là sự chuẩn bị nguồn nhân lực cần thiết cho các nhiệm vụ trọng tâm của ngành những năm tiếp theo.

Tăng cường đào tạo

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, việc xây dựng, phát triển nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện thắng lợi các chương trình trọng điểm của ngành NN trên cơ sở bám sát chủ trương, định hướng của tỉnh, phát huy lợi thế của địa phương và phù hợp xu hướng phát triển quốc tế. Các nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 là thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 27-6-2012 về phát triển NN ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) tỉnh An Giang giai đoạn 2012-2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Chương trình hành động số 08-CTr/TU, ngày 11-11-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển NN giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025.

Năm 2018, Sở NN&PTNT đề ra chỉ tiêu đào tạo sau đại học (trình độ thạc sĩ, tiến sĩ) cho 22 CB, CC, VC; 30 CB, CC, VC được tập huấn trong nước, bồi dưỡng chuyên sâu về các lĩnh vực chuyên trách phục vụ tái cơ cấu NN và phát triển NNƯDCNC. 22 lượt cán bộ tuyến huyện, 156 cán bộ quản lý cấp xã và 156 lượt KNV, nhân viên kỹ thuật cấp xã được tập huấn nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ phát triển NN, NT trong nước; 100 lượt KNV được bồi dưỡng, huấn luyện trong nước để nâng cao năng lực và tăng cường các kỹ năng phục vụ công tác khuyến nông. Đối với ND trực tiếp SX, dự kiến 21.840 lượt ND được tập huấn nâng cao năng lực ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ và phát triển kỹ năng SX hội nhập thị trường. Bên cạnh đó, có khoảng 60 KNV và 60 người là quản lý, điều hành hoặc thành viên chủ chốt tại các tổ chức ND, ND giỏi, ND khởi nghiệp, lao động trẻ được tham gia thực tập trong nước tại các khu NNCNC, các khu SX, ứng dụng của các doanh nghiệp NNCNC. Đối với đào tạo nước ngoài, có 80 CB, CC, VC và 120 người quản lý hoặc thành viên chủ chốt tại các tổ chức ND, lao động trẻ được đào tạo, tập huấn thông qua các chương trình tu nghiệp sinh, thực tập NN, thực tập kỹ năng ở các quốc gia như: Israel, Nhật Bản và Úc.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào NN được chú trọng. Dự kiến sẽ có 400 lượt CB, CC, VC được tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng sử dụng các phần mềm ứng dụng chuyên ngành vào công tác quản lý, nghiên cứu lĩnh vực NN. Sở NN&PTNT sẽ xây dựng 1 website kết nối dữ liệu phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành NN.

Chọn địa chỉ uy tín

Ông Lâm cho biết, trong đào tạo nguồn nhân lực, Sở NN&PTNT lựa chọn các viện, trường, trung tâm nghiên cứu trong và ngoài nước có thế mạnh về nghiên cứu phát triển NN, có chương trình đào tạo hoặc liên kết đào tạo phù hợp, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành NN An Giang. Một số đối tác chủ yếu và tiềm năng trong nước như: Trường Đại học (ĐH) An Giang, Trường ĐH Cần Thơ, Trường ĐH Nông Lâm (TP. Hồ Chí Minh), ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, Trường ĐH RMIT Việt Nam, Trường ĐH Fulbright Việt Nam, Trường ĐH Bách Khoa (TP. Hồ Chí Minh), Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (TP. Hồ Chí Minh), Trường ĐH Tài Nguyên và Môi trường (TP. Hồ Chí Minh)... sẽ là những địa chỉ tin cậy để đào tạo nhân lực ngành NN của An Giang.

Đối với bồi dưỡng, tập huấn, thực hiện chuyên sâu các lĩnh vực trọng điểm phục vụ phát triển SXNN, NNƯDCNC, NN sạch, tái cơ cấu NN, chuỗi giá trị nông sản, hội nhập thị trường, thương mại NN điện tử, chế biến sâu sản phẩm NN, công nghệ tự động, NN thông minh, phát triển dự án, thẩm định đầu tư, quản lý dự án, phát triển bền vững… Bên cạnh các trường ĐH uy tín, Sở NN&PTNT sẽ liên kết với các đơn vị chuyên môn như: Viện Lúa ĐBSCL, Viện Khoa học NN Miền Nam, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển NNCNC TP. Hồ Chí Minh, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II, Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, Viện Chăn nuôi Việt Nam, Viện Nghiên cứu Châu Á, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á cùng các tổ chức hỗ trợ phát triển như: GIZ, AusAID, USAID và các doanh nghiệp NNCNC như: Trang trại CNC của Tập đoàn VinGroup, các hợp tác xã NN kiểu mới, các công ty sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản điển hình trong nước để hỗ trợ bồi dưỡng, tập huấn, đáp ứng yêu cầu về chất lượng...


Xây dựng nguồn nhân lực phục vụ nông nghiệp

Nguồn nhân lực NN rất quan trọng

 

Nguồn: baoangiang.com.vn

Viết bình luận mới