Thể thao gắn liền văn hóa

13/04/2018 09:56

Thực tế, các lễ hội văn hóa của địa phương thường gắn liền với hoạt động thể thao. Người dân đến với lễ hội ngoài việc được thỏa mãn nhu cầu tâm linh còn được tham gia vào các trò chơi dân gian, các giải thể thao sôi nổi.

Nói đến vai trò của các hoạt động thể thao trong lễ hội, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao (VHTT) huyện Châu Phú (An Giang)  Đoàn Minh Triều cho biết: “Đã gọi là lễ hội tất nhiên phải có đủ 2 phần: phần lễ và hội.

“Lễ” là các hoạt động mang tính VH tâm linh, “hội” là các hoạt động vui chơi, giải trí của người dân. Bởi thế, chúng tôi rất quan tâm đến các hoạt động TT nhằm tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh cho người dân mỗi khi đến với lễ hội.

Năm nay, Lễ hội VH truyền thống huyện Châu Phú đã thu hút đông đảo du khách gần xa, với nhiều hoạt động TT nổi bật, gồm: bóng chuyền, cờ tướng, biểu diễn lân sư rồng, võ cổ truyền, các trò chơi dân gian như: bịt mắt bắt heo, chọi gà tre, nhảy bao bố, đập nồi… Chính những hoạt động này đã giúp không khí lễ hội ngày càng hào hứng”.

 

 Quyết liệt tranh tài tại Hội đua bò chùa Rô

Quyết liệt tranh tài tại Hội đua bò chùa Rô

Ngoài Lễ hội VH truyền thống cấp huyện, Châu Phú còn có những hoạt động TT đặc sắc gắn liền với lễ cúng kỳ yên của các địa phương. Điển hình là giải đua thuyền truyền thống trong Lễ hội kỳ yên đình Bình Thủy (xã Bình Thủy).

Theo đó, Trung tâm VHTT huyện Châu Phú đã tham mưu UBND huyện đưa môn TT đặc thù sông nước này vào phần hội, nhằm phục vụ người dân địa phương.

“Giải đua thuyền truyền thống là hoạt động không thể thiếu, hình thành cách đây hơn 50 năm và trở thành nét đẹp cho lễ hội kỳ yên đình Bình Thủy hàng năm. Hình ảnh các con thuyền băng băng lướt trên xép Năng Gù đã thành “thương hiệu”, thu hút đông đảo du khách đến với vùng đất cù lao này” - ông Đoàn Minh Triều cho hay.

Giải đua thuyền thu hút hơn 30 đơn vị đến từ các địa phương trong, ngoài tỉnh. Sự có mặt của những đội thuyền đua đến từ TP. Cần Thơ hay tỉnh Kiên Giang góp phần làm cho giải đấu thêm hấp dẫn.

Xứ núi Tịnh Biên là vùng đất có nhiều hoạt động VH truyền thống, nhất là dịp lễ, Tết của đồng bào Khmer. Với người Khmer, đua bò đã trở thành “đặc sản”. Không chỉ ngành chuyên môn mà ngay cả cộng đồng Khmer địa phương cũng tự tổ chức các giải đua bò dành cho mình. Trong đó, Hội đua bò chùa Rô (xã An Cư, Tịnh Biên) là minh chứng tiêu biểu cho hoạt động VH gắn liền với TT của người Khmer.

Sư cả chùa Rô Chau Sóc Khon cho biết: “Hội đua bò chùa Rô được tổ chức lần đầu vào năm 2008. Lúc đó chỉ có hơn 10 đôi bò tham gia. Dần dần, có nhiều chủ bò đăng ký thi đấu, quy mô giải ngày càng lớn. Khoảng 3 năm nay, Hội đua bò chùa Rô được rất đông bà con trong, ngoài huyện đến cổ vũ nên không khí diễn ra khá hào hứng và sôi nổi. Tôi chỉ mong bà con có được sân chơi TT lành mạnh, bổ ích trong dịp Tết Dolta”.

Bởi yếu tố hấp dẫn sẵn có, Hội đua bò chùa Rô thu hút hàng ngàn khán giả đến xem, cổ vũ. Vì hoạt động này diễn ra vào dịp Tết Dolta nên không khí càng hào hứng. Đây là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân trong, ngoài huyện Tịnh Biên.

Khi những vòng đua diễn ra, không khí sôi động hẳn lên. Tiếng hò reo vang dội của khán giả lẫn với tiếng thét "lanh lảnh" của những “tài xế” thúc giục bò chạy nước rút về đích, để lại ấn tượng không thể quên đối với người xem. Hội đua bò chùa Rô thực sự là nét đẹp VHTT cần duy trì, phát triển của người Khmer vùng Bảy Núi.

Với việc ngày càng thu hút đông đảo khán giả đã cho thấy mối liên hệ mật thiết giữa lễ hội VH và các hoạt động TT. Thời gian tới, các cấp, ngành cần tiếp tục quan tâm, nâng chất các hoạt động TT trong lễ hội nhằm đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của đông đảo người dân.

 

Nguồn: baoangiang.com.vn

Viết bình luận mới