Thấy gì qua chỉ số PCI năm 2017?

10/04/2018 09:01

Những nỗ lực thu hút đầu tư, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) đã góp phần đưa chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017 của An Giang tăng 6 bậc so năm 2016 (đạt 62,16 điểm, xếp thứ 32/63 tỉnh, thành phố). Kết quả này tuy chưa thỏa mãn kỳ vọng đặt ra nhưng là động lực quan trọng để tỉnh tiếp tục phấn đấu.

 

 

Thay đổi phù hợp thực tế

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Văn Phước cho biết, so với các năm trước, PCI năm 2017 có rất nhiều điểm khác biệt. Nhóm nghiên cứu đã loại bỏ 6 chỉ tiêu không còn phù hợp hoặc đã hoàn thành “nhiệm vụ” đo lường cải cách trong giai đoạn trước, bổ sung thêm 24 chỉ tiêu mới để nắm bắt được những thách thức mới trong môi trường kinh doanh mà doanh nghiệp (DN) tư nhân đang gặp phải, đồng thời sắp xếp lại 2 chỉ số (chi phí gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai) để phản ánh được tốt hơn tinh thần của các cải cách lớn gần đây. Tính chung, chỉ số PCI năm 2017 bao gồm 128 chỉ tiêu, được duy trì trong 4 năm tiếp theo (2017-2020), tăng 16 chỉ tiêu so với giai đoạn 2013-2016.

Từ năm 2017, nhóm nghiên cứu áp dụng phương pháp thống kê về “độ lệch chuẩn” để phân nhóm các tỉnh xếp hạng PCI. “Phương pháp này giúp việc phân nhóm xếp hạng các tỉnh, thành phố chính xác hơn và có ý nghĩa hơn để tiến hành đánh giá, so sánh theo thời gian”- ông Phước nhận xét.

Theo phương pháp đánh giá mới, chỉ số PCI tỉnh An Giang năm 2017 đạt 62,16 điểm, xếp thứ 32/63 tỉnh, thành phố (tăng 4,37 điểm và 6 bậc so năm 2016), xếp vào nhóm “Trung bình” (tiệm cận với nhóm “Khá” 0,02 điểm). So khu vực ĐBSCL, An Giang tăng 2 bậc, đứng thứ 7/13 tỉnh, thành phố (trên Trà Vinh, Tiền Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang và Cà Mau).

So năm 2016, PCI năm 2017 có 8 chỉ số tăng điểm (4 chỉ số tiếp tục tăng, 4 chỉ số được cải thiện) và 2 chỉ số giảm điểm. Cụ thể, 4 chỉ số tiếp tục tăng gồm: tiếp cận đất đai (tăng 0,35 điểm), cạnh tranh bình đẳng (tăng 0,49 điểm), tính năng động và tiên phong (tăng 1,04 điểm), đào tạo lao động (tăng 0,46 điểm); 4 chỉ số cải thiện là chi phí gia nhập thị trường (tăng 0,09 điểm), tính minh bạch (tăng 0,72 điểm), dịch vụ hỗ trợ DN (tăng 0,5 điểm) và thiết chế pháp lý (tăng 0,52 điểm). Trong khi đó, 2 chỉ số giảm điểm là chi phí thời gian (giảm 0,09 điểm) và chi phí không chính thức giảm 0,2 điểm.

Tiếp tục khắc phục hạn chế

Kết quả PCI năm 2017 cho thấy, những nỗ lực trong lắng nghe và hỗ trợ DN của lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, địa phương đã được ghi nhận. Tuy nhiên, tình trạng “trên trải thảm, dưới rải đinh” vẫn còn khi những đánh giá về chi phí thời gian và chi phí không chính thức đều giảm điểm. Đáng lưu ý là chỉ số chi phí không chính thức đứng thấp nhất khu vực ĐBSCL.

Theo ông Lê Văn Phước, kết quả PCI năm 2017 là một trong những cơ sở quan trọng để đánh giá, phát huy những mặt tích cực, khắc phục những tồn tại, hạn chế. Đối với chi phí gia nhập thị trường (trọng số 5%), mặt tích cực cần phát huy là thời gian đăng ký, thay đổi nội dung đăng ký DN được đánh giá tốt hơn, đặc biệt là chỉ tiêu “thủ tục (thay đổi) đăng ký DN: cán bộ hướng dẫn rõ ràng, đầy đủ” đạt 100%.

Bên cạnh đó, “tỷ lệ DN làm thủ tục đăng ký DN qua phương thức mới (trực tuyến, trung tâm hành chính công, bưu điện)” đạt 15,63% trong năm 2017, vượt 5,63% so với quy định của Chính phủ. Mặt hạn chế cần khắc phục là các thủ tục hành chính (TTHC) về điều kiện đầu tư kinh doanh sau đăng ký DN còn quá rườm rà, chưa liên thông, thống nhất.

Vì thế, tỷ lệ DN chờ hơn 1 tháng để hoàn thành tất cả các thủ tục, chính thức hoạt động tăng đến 7,86% so với năm 2016. Đối với chỉ số tiếp cận đất đai (trọng số 5%), mặt tích cực là tình trạng DN xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ) nhưng lo ngại TTHC rườm rà hoặc cán bộ nhũng nhiễu đã giảm đáng kể.

Tuy nhiên, vẫn phải khắc phục tình trạng rủi ro bị thu hồi đất của DN tại An Giang là rất cao, đứng thứ 3 cả nước (sau Tây Ninh và Thanh Hóa), trong khi thời gian chờ để được cấp GCN QSDĐ tăng trở lại 30 ngày, tỷ lệ DN có mặt bằng kinh doanh và có GCN QSDĐ đã giảm.

Đối với chỉ số về tính minh bạch và tiếp cận thông tin (trọng số 20%), mặt tích cực là việc tiếp cận các tài liệu quy hoạch của tỉnh dễ dàng hơn. Tuy nhiên, chất lượng website của tỉnh vẫn là 33/50 điểm (không tăng so năm 2016) và tỷ lệ DN truy cập vào website của tỉnh giảm.

Đối với chi phí thời gian thực hiện các quy định của Nhà nước (trọng số 5%), mặt tích cực là thời gian để DN tìm hiểu và thực hiện quy định pháp luật giảm; cán bộ, công chức thân thiện, giải quyết công việc hiệu quả và phí, lệ phí được niêm yết công khai. Mặt hạn chế là số giờ trung bình làm việc với thanh tra, kiểm tra thuế là 8 giờ (tăng đến 2,5 giờ so với năm 2016). DN cho rằng, họ phải đi lại nhiều lần để hoàn tất thủ tục.

Đối với chi phí không chính thức (trọng số 10%), DN phản ánh, tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết TTHC là phổ biến và công việc chỉ đạt được kết quả mong đợi sau khi đã trả chi phí không chính thức.

Riêng chỉ số cạnh tranh bình đẳng (trọng số 5%), DN đánh giá tỉnh “bớt ưu ái” hơn DN Nhà nước và DN FDI. Tuy nhiên, vẫn còn DN nhận định rằng, các nguồn lực kinh doanh (hợp đồng, đất đai...) chủ yếu rơi vào DN thân quen cán bộ công quyền.

Một trong những điểm nổi bật của tỉnh là chỉ số tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh (trọng số 5%) khi DN đánh giá thái độ của chính quyền tỉnh với khu vực kinh tế tư nhân tích cực hơn. UBND tỉnh vận dụng pháp luật linh hoạt hơn nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN.

Những sáng kiến hay và những chủ trương đúng đắn ở cấp tỉnh đã được thực thi tốt ở các sở, ngành và cấp huyện. Trong khi đó, dịch vụ hỗ trợ DN (trọng số 20%) được DN đáng giá khá tốt và tin tưởng. Tuy nhiên, cần khắc phục hạn chế khi số hội chợ thương mại do tỉnh tổ chức trong năm vừa qua là 4 (giảm 5 hội chợ so với năm 2016).

Về đào tạo lao động (trọng số 20%), DN đánh giá giáo dục phổ thông và giáo dục dạy nghề tại tỉnh có chất lượng tốt, dịch vụ giới thiệu việc làm hoạt động hiệu quả. Tuy vậy, chất lượng lao động tại tỉnh chưa thật sự đáp ứng được so với nhu cầu của DN.

Đối với chỉ số về thiết chế pháp lý và an ninh trật tự (trọng số 5%), đa số DN tin tưởng hơn vào hệ thống pháp luật có cơ chế giúp DN tố cáo cán bộ nhũng nhiễu, đảm bảo quyền tài sản/thực thi hợp đồng của DN. Các DN cho rằng, phán quyết của tòa án là công bằng, được thi hành nhanh chóng nhưng lại ít sử dụng tòa án để giải quyết tranh chấp do thời gian giải quyết tranh chấp quá dài...

 

Nguồn: baoangiang.com.vn

Viết bình luận mới