Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới

21/11/2023 13:23

Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới (diễn ra từ ngày 15/11 đến 15/12/2023) là điểm nhấn tạo nên chiến dịch truyền thông trên địa bàn tỉnh, thu hút sự quan tâm, đề cao vai trò, trách nhiệm và tính chủ động tham gia hành động của cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong việc đảm bảo an sinh xã hội, tăng cường quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái.

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội An Giang Nguyễn Thị Bảo Trân cho biết, những năm qua, các cấp, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng trong công tác truyền thông về bình đẳng giới. Việc triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới từ năm 2016 đến nay đã tạo ra hiệu ứng tích cực, thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của người dân, cộng đồng và các cơ quan, tổ chức, góp phần rút ngắn khoảng cách giới trong hầu hết các lĩnh vực.

Tỷ lệ nữ tham gia lĩnh vực chính trị giai đoạn 2021 - 2025 tăng từ 3 - 5% so với giai đoạn 2016 - 2020. Toàn tỉnh hiện có 6.005 đại biểu HĐND các cấp, trong đó có 1.499 đại biểu nữ; lãnh đạo chủ chốt các cấp chính quyền địa phương là 1.247, trong đó 286 nữ… Kết quả công tác bình đẳng giới trong các lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm, y tế, giáo dục đều có những chuyển biến tích cực và được quan tâm hơn.

 

 

UBND huyện Thoại Sơn tặng giấy khen và quà cho hộ gia đình thực hiện tốt công tác bình đẳng giới, vượt khó vươn lên trong cuộc sống

Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023 tỉnh An Giang từ ngày 15/11/2023 - 15/12/2023 với chủ đề: “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới”.

Đây là dịp để toàn xã hội tiếp tục đẩy mạnh giảm thiểu, tiến tới chấm dứt tình trạng bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em; thực hiện các chính sách an sinh xã hội, bình đẳng giới, phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em. Đồng thời, thu hút sự quan tâm đề cao vai trò, trách nhiệm và tính chủ động tham gia hành động của cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong việc đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái, nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em.

Điển hình là huyện Thoại Sơn, địa phương hiện có 2.982 cán bộ, công chức, trong đó 1.612 cán bộ, công chức nữ. Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy Đảng ngày càng tăng. Nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỷ lệ nữ cấp ủy cấp huyện đạt 19,51% (tăng 4,88%); cấp xã đạt 25,59% (tăng 5,36%). Tỷ lệ nữ giữ chức vụ trưởng, phó phòng thuộc ngành cấp huyện đạt 28,12%; tỷ lệ nữ là trưởng, phó các ban Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đạt 10,71%. Nhiệm kỳ 2021 - 2026, đại biểu nữ tham gia HĐND cấp huyện đạt 17,14%; cấp xã đạt 26%. Thoại Sơn có 1.692 đảng viên nữ, chiếm 37,08% tổng số đảng viên toàn huyện (4.562 đảng viên).

Là một trong 20 gia đình được UBND huyện Thoại Sơn tuyên dương thực hiện tốt công tác bình đẳng giới, vượt khó vươn lên trong cuộc sống năm 2023, bà Lê Thị Huệ (ngụ ấp Trung Phú 2, xã Vĩnh Phú, huyện Thoại Sơn) chia sẻ: “Vợ chồng tôi luôn lắng nghe, chia sẻ và động viên nhau trong cuộc sống. Khi còn trẻ, chồng tôi làm mướn đủ nghề mới tích góp mua được 1ha đất ruộng. Từ 2010 đến nay, tôi trải qua 11 lần phẫu thuật vì bệnh thận chuyển biến nặng.

Tôi nhiều lần bỏ cuộc, vì khó khăn tài chính. Nhưng chồng và con luôn bên cạnh động viên, quyết tâm trị bệnh cho tôi bằng mọi giá, dù phải bán hết tài sản cũng không tiếc. Đó là động lực để tôi có thêm sức mạnh, niềm tin vượt qua bệnh tật. Nay, sức khỏe tôi đã hoàn toàn bình phục. Tôi cùng chồng tiếp tục chí thú làm ăn, cùng nhau nuôi dạy con cháu thành công dân tốt. Tôi cho rằng, bình đẳng giới chính là chìa khóa để chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em. Vì vậy, gia đình có vai trò rất quan trọng trong phòng, chống bạo lực gia đình và bình đẳng giới, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp”.

Để giải quyết bất bình đẳng giới ở Việt Nam nói chung và tại An Giang nói riêng, bên cạnh các chính sách, chương trình để đảm bảo an sinh xã hội thì công tác truyền thông cần phải được thực hiện thường xuyên, lâu dài và hiệu quả hơn nhằm thay đổi những định kiến giới đang tồn tại khá phổ biến trong các lĩnh vực của đời sống. Sẽ không có bình đẳng giới nếu không có sự tham gia của nam giới trong công việc gia đình và chấm dứt bạo hành với phụ nữ, trẻ em gái.

Bên cạnh, phụ nữ cần nâng cao tính tự chủ, sự quyết đoán để tham gia tích cực hơn nữa vào các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, đồng thời chủ động chia sẻ, tìm kiếm sự giúp đỡ để giải quyết bạo lực hơn là lựa chọn im lặng. Cùng với đó, nam giới cũng cần xây dựng được niềm tin rằng, họ có thể đảm đương và thực hiện tốt vai trò chăm sóc gia đình, là một phần của giải pháp để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ.

Từ những kết quả đạt được về bình đẳng giới trong thời gian qua, cùng sự cam kết mạnh mẽ của các cấp lãnh đạo, chính quyền, việc triển khai thực hiện Luật Bình đẳng giới và công tác phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới sẽ có những bước tiến mới trong giai đoạn tới. Hy vọng với sự chung tay, góp sức của các cấp, ngành, các tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh, sẽ có thêm những hành động thiết thực xóa bỏ định kiến về giới, đóng góp cho sự nghiệp bình đẳng giới và sự phát triển con người.

Nguồn: baoangiang.com.vn

Viết bình luận mới