Thăm phòng trưng bày nông cụ, tự hào thêm về nền nông nghiệp tỉnh

19/02/2018 09:49

“Tôi sưu tập bộ nông cụ này là để giáo dục truyền thống yêu lao động, cần cù, siêng năng, sáng tạo của người nông dân (ND) Việt Nam; qua đây nhắc nhở con cháu nhớ về cội nguồn. Những hiện vật trưng bày là sự kết nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, giúp thế hệ trẻ có niềm tự hào về dân tộc để từ đó yêu quê hương, đất nước của mình hơn…”- hòa thượng Chau Sơn Hy (trụ trì chùa Sà Lôn, xã Lương Phi, Tri Tôn) chia sẻ..

Kết nối

Bộ sưu tập nông cụ của hòa thượng Chau Sơn Hy được đặt ở một vị trí đẹp trong khuôn viên chùa Sà Lôn. Diện tích phòng trưng bày chỉ vài trăm mét vuông nhưng chứa đựng rất nhiều hiện vật có giá trị về mặt thời gian và lịch sử.

Ngoài nông cụ phục vụ sản xuất như: cày, cuốc, bừa, dụng cụ cấy lúa, gặt lúa, nơi đây còn trưng bày các vật dụng phục vụ đời sống con người như: cối giã gạo, dần, sàn, gàu sòng tát nước và cả dụng cụ đánh bắt cá như: nôm, lợp, xà di.

Mỗi hiện vật phản ánh một khía cạnh của đời sống ND ĐBSCL. Chỉ riêng cây cày dùng để cày đất cũng có rất nhiều loại, từ cày chéc, cày chảo đến các loại cày ruộng cạn, ruộng sâu…

Tất cả nói lên trong quá trình lao động, ông cha ta luôn có những cải tiến về nông cụ để đạt hiệu quả cao nhất trong sản xuất. Chính sự cải tiến này là tiền đề để cây trồng, vật nuôi tăng năng suất.

“Hơn 50 năm trước, để làm ra được hạt lúa, người ND phải tốn rất nhiều công sức, thời gian lao động. Cụ thể, sau khi lúa chín, tổ chức gặt rồi gom vào chất đống, dùng 2 hoặc 4 con bò đạp trên đống lúa, cho hạt lúa rời khỏi bông. Sau đó, giê sạch, phơi khô và mang vào cối giã. Từ làm đất đến giã gạo đều dùng đến sức người.

Nay, khoa học - kỹ thuật (KHKT) phát triển, tất cả đều dùng máy móc nên hình ảnh làng quê “con trâu đi trước, cái cày theo sau” dần mất đi. Vì vậy, tôi muốn lưu giữ hình ảnh này để con cháu mình biết…” - hòa thượng Chau Sơn Hy chia sẻ.

 

 

“Qua hiện vật trưng bày, người xem có thể hình dung ra cuộc sống của ông cha ta ngày xưa để từ đó tự hào và nhắc nhở mỗi người sống có trách nhiệm hơn với quá khứ, phấn đấu học tập thật tốt, vươn lên làm chủ vận mệnh của đất nước…” - em Nguyễn Thị Thúy Vy (sinh viên Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ.

Tự hào

Thế kỷ XX đã đi qua. Chúng ta đang sống trong một thế kỷ mà thế giới ngày càng trở nên phẳng hơn. Công nghệ 4.0 đã đưa con người vượt ra khỏi hành tinh để tìm hiểu thế giới bên ngoài và giúp mọi người trên toàn cầu xích lại gần nhau.

KHKT phát triển, máy móc đã dần thay thế sức lao động của con người để làm ra sản phẩm phục vụ xã hội, chính vì vậy, những nông cụ ngày nào giúp ND Việt Nam làm nên những kỳ tích trong nông nghiệp, giờ đã mất dần theo thời gian. Thay vào đó là các thiết bị hiện đại như: máy gặt đập liên hợp, máy san phẳng mặt ruộng bằng tia laze, máy phun xịt thuốc trừ sâu.

Tận dụng cơ hội này, ND tỉnh nhà đã đưa KHKT vào đồng ruộng, làm cho năng suất cây trồng, vật nuôi ngày một cao hơn, sản lượng lương thực ngày một nhiều hơn và chất lượng theo đó cũng được nâng lên.

“Thăm phòng trưng bày nông cụ, tôi rất tự hào những gì mà nông nghiệp tỉnh nhà đã đạt được trong thời gian qua. Từ một tỉnh thiếu lương thực vào những năm đầu sau giải phóng, An Giang trở thành tỉnh có sản lượng lương thực đứng thứ 2 cả nước với khoảng 4 triệu tấn/năm.

Cùng với lúa, 2 sản phẩm cá tra và rau quả đã trở thành những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của quốc gia. Tôi cho đây là một kỳ tích rất đổi tự hào mà nông nghiệp tỉnh nhà đã đạt được…” - ông Lê Văn On (xã Tây Phú, Thoại Sơn) tự hào.

 

 

Hơn 50 năm trước, hình ảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau” hay hình ảnh tát nước bằng gàu sòng dưới trăng trở nên thân thuộc, nay những hình ảnh đó đã đi vào ký ức. Nếu có chăng, chỉ còn lại ở phòng trưng bày nông cụ của hòa thượng Chau Sơn Hy.

 

Nguồn: baoangiang.com.vn

Viết bình luận mới