Tạo đà bứt phá

21/03/2018 08:27

Những tín hiệu khả quan từ 2 ngành hàng chủ lực của An Giang (gạo và cá tra) ngay sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 báo hiệu một năm mới với kỳ vọng tăng trưởng cao hơn năm cũ. Điều quan trọng là các cấp, các ngành, địa phương và người dân cần nắm bắt thời cơ, tận dụng tốt lợi thế phát triển.

Rộng cửa thị trường

Nhờ thực hiện tốt khuyến cáo thăm đồng thường xuyên, bảo vệ và chăm sóc lúa trong thời gian diễn ra Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 nên sản xuất vụ đông xuân diễn ra thuận lợi, năng suất đạt cao hơn cùng kỳ.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Trần Anh Thư, giá lúa luôn giữ ổn định ở mức cao, từ 5.400-5.800 đồng/kg lúa tươi (tăng 900-1.350 đồng/kg so cùng kỳ). Trong khi đó, giá nếp tươi cũng dao động từ 5.800-6.000 đồng/kg (tăng 200 đồng/kg).

“Nếu trước đây, xuất khẩu nếp vào Trung Quốc chủ yếu theo đường tiểu ngạch thì nay đã đi vào chính ngạch. Đây là điều kiện thuận lợi cho nếp nhưng đòi hỏi sản xuất phải theo quy hoạch, đáp ứng yêu cầu thị trường và hướng vào tiêu chuẩn chất lượng” - ông Thư lưu ý.

 

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Quang Thi cho rằng, để tận dụng lợi thế “được mùa, được giá”, cần tập trung bảo vệ tối đa sản xuất vụ đông xuân. “Dự báo từ nay đến cuối tháng 3 còn một đợt rầy nâu vào đèn rộ với mật số rất cao. Cán bộ NN cần sâu sát với cơ sở, nắm chắc diễn biến dịch hại để khuyến cáo và hướng dẫn nông dân xử lý kịp thời” - ông Thi nhắc nhở.

Theo đánh giá của Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood II), lượng gạo dự trữ trong kho của 2 quốc gia xuất khẩu lớn là Ấn Độ và Thái Lan đang sụt giảm mạnh, trong khi nhiều nước khác đang có nhu cầu tăng nhập khẩu do lo ngại sản lượng lương thực thế giới giảm.

“Đây là cơ hội lớn cho NN An Giang. UBND tỉnh sẽ có văn bản chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường giải pháp chống hạn, bảo vệ vụ đông xuân và tổ chức xuống giống vụ hè thu. Giải pháp ưu tiên là nạo vét các tuyến kênh bị bồi lắng, khơi thông dòng chảy, phục vụ nước tưới và sinh hoạt” - ông Thi thông tin.

Trước diễn biến thuận lợi của giá cá tra, ông Thi yêu cầu ngành NN rà soát lại năng lực đàn cá tra bố mẹ, tiến hành cho sinh sản để đáp ứng nhu cầu con giống cho các vùng nguyên liệu trong tỉnh và khu vực. Trường hợp thiếu, có thể đề nghị bổ sung đàn cá tra hậu bị từ Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II.

Nhằm khuyến khích các doanh nghiệp (DN) đầu tư vào NN ứng dụng công nghệ cao (CNC), ông Thi giao ngành NN rà soát lại các dự án, trang trại sản xuất NNCNC, NN sạch để Chủ tịch UBND tỉnh ký quyết định công nhận, tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn theo Nghị quyết 40 của HĐND tỉnh.

Tiếp tục đồng hành cùng DN

Tình hình xuất khẩu gạo, cá thuận lợi đã góp phần quan trọng đưa kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tăng mạnh. Theo Sở Công thương, kim ngạch xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2018 đạt 110,79 triệu USD, tăng 30,9% so cùng kỳ 2017. Cùng với đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 2 (dịp Tết Nguyên đán) đạt 6.650,6 tỷ đồng (tăng 18,8%), trong khi doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành đạt 3.581,9 tỷ đồng, tăng 17,07%.

 

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng cho rằng, tăng trưởng kinh tế của An Giang có sự đóng góp rất lớn của cộng đồng DN. “Năm 2018, tỉnh quyết tâm tháo gỡ vấn đề giải ngân vốn cho DN. Nếu DN không tiếp cận được vốn ngân hàng, ngân hàng phải đối thoại với DN. Nếu vẫn chưa thỏa mãn, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh An Giang và Hiệp hội DN tỉnh phải phối hợp đối thoại, giải quyết. Khi cần, thường trực UBND tỉnh sẽ tham gia. Việc cho vay hay không là tùy vào điều kiện, quy định của mỗi ngân hàng nhưng nếu không cho vay phải giải thích rõ lý do” - ông Nưng nhấn mạnh. 

Cũng nhằm tạo sự công bằng, đồng thuận nơi DN, trước khi ra quyết định thu tiền sử dụng đất, Hội đồng định giá tỉnh sẽ đối thoại với DN. “Tỉnh sẽ tiếp tục duy trì đăng công khai trên Báo An Giang về kết quả giải quyết thủ tục hành chính, hồ sơ DN, người dân. Đối với những đơn vị có nhiều hồ sơ trễ hạn, lãnh đạo ngành dọc cấp tỉnh và UBND cấp huyện phải kiểm tra, nhắc nhở chấn chỉnh” - ông Nưng lưu ý.

Để đảm bảo nguồn thu ngân sách năm 2018, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng yêu cầu các sở, ngành liên quan hoàn chỉnh đề án tăng thu, rà soát những lĩnh vực thất thu, đồng thời khai thác hiệu quả các nguồn thu mới như: bia, thuốc lá, xăng dầu, viễn thông… UBND tỉnh sẽ làm việc với Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh để tìm phương án khai thác hiệu quả kinh tế biên giới.

 

Nguồn: baoangiang.com.vn

Viết bình luận mới