Tăng cường quản lý, quy hoạch nuôi chim yến

20/04/2018 07:24

Những năm gần đây, nghề nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh phát triển “nóng”, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người nuôi và bất cập trong công tác quản lý. Với lợi nhuận “khủng” từ thu hoạch tổ yến, nên việc xây dựng mới nhà nuôi yến chưa dừng lại. Trong khi đ,ó nghề nuôi chim yến chưa có quy định, chế tài đủ mạnh, đặt ra nhiều vấn đề trong công tác quản lý, hướng dẫn cụ thể để các hộ nuôi có điều kiện phát triển, tạo thu nhập chính đáng, không ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh An Giang Trần Tiến Hiệp thông tin: “Những năm gần đây, nghề chim yến phát triển tự phát khá cao. Đến cuối tháng 3-2018, toàn tỉnh có 231 nhà yến/222 hộ nuôi, tăng 77 nhà yến so cuối năm 2017. 11/11 huyện, thị xã, thành phố đều có nhà nuôi yến, nhiều nhất là TP. Long Xuyên (59 nhà yến) Thoại Sơn (48), Châu Phú (46), TP. Châu Đốc (20).

Điều này tiềm ẩn niều rủi ro cho người nuôi. Chưa có văn bản hướng dẫn của Trung ương về lĩnh vực quản lý, xây dựng, đất đai, môi trường, kỹ thuật sản xuất, chế tài xử lý, quy chuẩn kỹ thuật… đối với nghề nuôi chim yến.

Những hộ dân sống quanh khu vực nuôi yến bức xúc vì tiếng ồn và ô nhiễm. Còn hộ có nhu cầu nuôi không được hướng dẫn để có điều kiện phát triển, tạo thu nhập chính đáng, góp phần tăng trưởng kinh tế cho tỉnh". 

Phong trào nuôi yến ở An Giang khởi phát từ năm 2008. Đây là ngành nghề mới có chiều hướng phát tiển tốt tại An Giang, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Phát triển mạnh nhất ở TP. Long Xuyên, Châu Phú, Thoại Sơn.

Tuy nhiên, đây là những hộ nuôi tự phát, nhất là khu vực nội thành khu dân đông, hầu hết những hộ nuôi tự phát đều sử dụng không đúng công năng, được cải tạo, cơi nới từ nhà ở thành nhà nuôi yến.

Việc phát loa dẫn dụ và tiếng kêu của chim yến tại các nhà nuôi trong khu vực nội thành khu dân cư  ảnh hưởng đến sinh hoạt và đời sống của người dân, gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tiếng ồn do máy phát tiếng chim, ô nhiễm phân chim, nguy cơ nhiễm bệnh...

Tăng cường quản lý, quy hoạch nuôi chim yến

Tăng cường quản lý, quy hoạch để phát triển bền vững nghề nuôi chim yến.

Nghề này rất hấp dẫn người nuôi bởi giá bán tổ yến cao, mang lại thu nhập đáng kể cho hộ nuôi, tăng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

 Anh Tùng, một hộ nuôi yến ở TP. Long Xuyên cho biết: "Long Xuyên hội đủ các điều kiện tự nhiên, vùng kiếm ăn lý tưởng cho yến. Cách đây 7 năm, tôi đầu tư nhà yến hơn 300m2 ở phường Bình Khánh (TP. Long Xuyên), sau 2 năm bắt đầu thu hoạch, mỗi tháng bình quân 13-15kg yến, dẫn dụ được hơn 10.000 con yến đến trú ngụ, làm tổ.

Giá yến thô khoảng 25 triệu đồng/kg (loại tổ nguyên chất nhất, còn nguyên lông, loại bỏ hết các cặn bẩn, được khai thác trực tiếp và đóng gói thành phẩm), yến sơ chế giá 35-40 triệu đồng/kg (loại yến chất lượng nhất, từ tổ yến thô sử dụng phương pháp rút lông thủ công để làm sạch lông). Thấy hiệu quả kinh tế tôi đầu tư thêm nhà nuôi yến ở Phú Hòa (Thoại Sơn) 500m2”.

Các hộ nuôi chim yến chia sẻ: "Đầu tư nhà yến 100m2 tốn khoảng 300-500 triệu đồng. Dẫn dụ yến cũng phải có biệt tài, chuyên nghiệp, không phải ai xây nhà yến khang trang cũng dẫn dụ được nhiều yến về làm tổ. Đơn vị xây dựng cam kết sau khi xây dựng nhà yến hoàn thành, 3-6 tháng có thể dẫn dụ được từ 30 cặp yến đến ở thì thanh toán 70% giá trị công trình, 1 năm cho tổ mới thanh toán 100%".

Ông Hiệp cho biết: "Năm 2015, UBND tỉnh có văn bản yêu cầu tạm dừng xây dựng mới nhà nuôi chim yến trong nội thành, nội thị. Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội thảo nhằm đánh giá tình hình phát triển nhà yến thời gian quan qua.

Qua đó định hướng công tác quản lý, quy hoạch trong thời gian tới; nghe đại diện các tỉnh chia sẻ kinh nghiệm quản lý Nhà nước về nuôi chim yến; các điều kiện quy định, quản lý về lĩnh vực đất đai, môi trường, xây dựng nhà yến. Trên cơ đó tham mưu UBND tỉnh phê duyệt quy định tạm thời về quản lý nuôi chim yến".

Nghề nuôi chim yến trong nhà không chỉ góp phần bảo vệ động vật quý hiếm, bảo vệ môi trường sống, tăng thu nhập nhờ sản vật quý từ yến. Đây là xu hướng phát triển nghề nuôi bền vững trong tương lai.

Để nghề nuôi chim yến trong nhà phát triển tốt nhất, không ảnh hưởng môi trường sống của con người và nền kinh tế thì việc quy hoạch vùng nuôi chim yến là hết sức cần thiết.  Long Xuyên có lợi thế là vùng có nhiều thức ăn cho chim yến.

Phương thức nuôi chủ yếu tạo nơi trú thuận lợi về ánh sáng, nhiệt độ, ẩm độ, mùi và âm thanh dẫn dụ để hấp dẫn chim yến vào làm tổ. Thức ăn chim yến săn bắt từ các loài côn trùng thiên nhiên trên mặt nước, đồng ruộng, đặc biệt là nguồn côn trùng bay lên từ môi trường đô thị.

Người nuôi phát triển mạnh, nên trước mắt tỉnh quy hoạch thí điểm phát triển vùng nuôi chim yến trên địa bàn TP. Long Xuyên đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, sau đó thực hiện quy hoạch cho các địa phương còn lại.

Khi quy hoạch sẽ tính đến khu vực phát triển vùng nuôi, khu vực hạn chế và cấm nuôi, định hướng cho các nhà yến có trước và nằm ngoài vùng quy hoạch, định hướng về thu mua, chế biến tổ yến và phát triển nghề nuôi chim yến.

Trên cơ sở đó có giải pháp cụ thể góp phần tổ chức lại sản xuất nghề nuôi yến theo hướng hiệu quả, bền vững, nâng cao thu nhập người dân, tăng giá trị kinh tế của tỉnh và có sự quản lý của Nhà nước.

Nguồn baoangiang.com.vn

Viết bình luận mới