Nông nghiệp, nông thôn An Giang – nửa nhiệm kỳ nhìn lại

23/10/2018 15:13

Bằng các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo sát với tình hình địa phương, trong nửa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, giai đoạn 2015 – 2020, nông nghiệp, nông thôn ở An Giang đã đạt được những kết quả khá vững chắc, góp phần làm cho diện mạo của tỉnh ngày thêm khởi sắc.

Qua 2 năm rưỡi thực hiện nghị quyết, tình hình nông nghiệp, nông thôn của tỉnh có bước chuyển tích cực, tiếp tục khẳng định vai trò nền tảng thúc đẩy kinh tế phát triển. Trên cơ sở chương trình hành động về phát triển nông nghiệp, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp với phương châm lấy thị trường làm mục tiêu định hướng cho sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh của hàng hóa nông, thủy sản… công tác chuyển dịch cơ cấu sản xuất được đẩy mạnh theo hướng giảm dần diện tích trồng lúa, tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi, rau màu, cây ăn trái gắn với ứng dụng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhân rộng các mô hình liên kết chuỗi giá trị, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, giá trị sản xuất nông nghiệp không ngừng nâng lên.

Nét nổi bật trong nửa nhiệm kỳ qua là tháo gỡ các “điểm nghẽn” nhằm khai thác nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là về tích tụ đất đai. Tỉnh đã ban hành đề án tạo quỹ đất thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao với nhiều giải pháp thiết thực, thúc đẩy mạnh mẽ mối liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân, từng bước giải quyết bài toán giữa sản xuất - chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tạo được sự đồng thuận trong doanh nghiệp và người dân, nhờ đó, ngày càng nhiều doanh nghiệp đầu tư cho phát triển nông nghiệp.

Qua 2 năm 2016 – 2017, tỉnh đã thu hút khoảng 45 dự án đầu tư vào nông nghiệp, với tổng nguồn vốn đăng ký trên 7.200 tỷ đồng, so với năm 2015, tăng 30 dự án, vốn đầu tư tăng gần 6 ngàn tỷ đồng… đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh. Kinh tế nông nghiệp tăng trưởng góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế thương mại–dịch vụ phát triển, bình quân giai đoạn 2016 – 2018 là 7,17%, tổng mức bán lẻ và doanh thu xã hội vượt qua 100 ngàn tỷ đồng, tăng bình quân 11,8%/năm.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai theo hướng thực chất, không chạy theo thành tích, tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Qua hơn 02 năm triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, đến nay, đã có 33/119 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 55% chỉ tiêu Nghị quyết); dự kiến năm 2018 có thêm ít nhất 10 xã đạt chuẩn. Thành tích đạt được trong xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi diện mạo nông thôn, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao.

Nửa nhiệm kỳ còn lại, tỉnh An Giang sẽ tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng giảm dần diện tích trồng lúa, tạo ra giá trị sản xuất cao hơn, gắn với thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp nông nghiệp. Nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả. Thực hiện tốt công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Xúc tiến, triển khai nhanh các đề án phát triển giống cá tra 03 cấp, đề án xây dựng thương hiệu lúa gạo, phát triển thương hiệu lúa nếp Phú Tân...Tăng cường kiểm tra việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới theo nguyên tắc vừa đảm bảo chỉ tiêu các xã đạt chuẩn theo lộ trình, vừa đảm bảo chất lượng thực hiện.

                                                                                                Lê Thắng

 

Viết bình luận mới